jeudi 7 mars 2024

Nguyễn Chương - Bùng binh : Duyên nợ phương Nam

Ta nói, ở Sài Gòn này, gặp khá nhiều bùng binh.

Như bùng binh hằm giữa hai đại lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, bùng binh ngã sáu Phù Đổng, bùng binh chợ Bến Thành, bùng binh Cây Gõ, bùng binh trước bưu điện Chợ Lớn, bùng binh ngã bảy Lý Thái Tổ, bùng binh ngã tư giữa đường Hùng vương (trước 75: Hồng Bàng) và đường Châu Văn Liêm (trước 75: Tổng đốc Phương) v.v...

"Bùng binh" là gì vậy?

1/ Nhiều người từng biết đến câu chuyện về Bùng binh Bồn Kèn, vào thập niên 20 và 30 của thế kỷ XX. Bùng binh này nằm phía trước Tòa Thị chính (nay là UBND TPHCM), giữa hai đại lộ Charner (sau đổi tên: Nguyễn Huệ) và Bonard (sau này: Lê Lợi).

Theo cụ Vương Hồng Sển, hồi những thập niên đầu thế kỷ 20 nơi đây có cái bồn hình bát giác (xem hình chụp năm 1938), binh lính Pháp thường đến đây thổi kèn cho dân chúng thưởng thức. Người dân gọi là "Bồn Kèn".

Cụ Sển cho rằng, "bồn" được đọc chệch thành "bùng", và do nơi đây gắn với binh Pháp, thành thử có cách gọi là "bùng binh".

1/a - Kỳ thực, "Bồn" đã là môt cách nói quen thuộc trong ngôn ngữ của người phương Nam! "Bồn" là cách đọc của ký tư (vốn đã có trước đó từ lâu, trước khi thông dụng chữ Quốc ngữ), chẳng hạn "bồn bông", "bồn rửa mặt"...Hết thảy các cách nói như "bông", "rửa". "mặt"... đều thuộc về Nam âm (quốc âm) của tiếng Việt.

"Bồn"... chẳng phải là tiếng Tây để người dân nghe mang máng rồi đọc chệch, đọc trại. "Bồn" vốn có sẵn trong từ vựng tiếng Việt.

1/b - Và đây là cứ liệu ngôn ngữ rõ rành: trong Đại Nam Quấc âm Tự vị, xuất bản năm 1895, giải nghĩa: Bùng binh nghĩa là "khúc sông rộng lớn mà tròn”.

Tự điển xuất bản năm 1895, tức chữ nghĩa ghi trong Tự điển đã phải có mặt trong đời sống trước năm này. " Bùng binh" đã được bà con dùng trong thế kỷ 19, thậm chí còn sớm hơn nữa. Tức cách nói " Bùng binh " đã có trước sự kiện "Bồn Kèn" từ lâu rồi đa! (Thành thử càng không thể suy đoán "bồn" thành "bùng", rồi "bùng binh" gì hết).

2/ Ồ, "Bùng binh" sao mang nghĩa gắn với sông nước, đang từ sông nước sao lại áp dụng trên đất liền?

2/a -"Bùng" thuộc về Nam âm, ghi bằng chữ Nôm 𩅛 (trong Đại Nam Quấc âm Tự vị), nghĩa là "nới ra, nở ra, sổ ra".

Còn "Binh"? Có 5 ký tự viết khác nhau, đều đồng âm "binh", trong đó có cái nghĩa là binh lính, thuộc quân sự mà chúng ta rất quen thuộc ("binh" quân sự này, ghi là: ).

Và, xin chú ý, "binh" được viết khác: (có bộ "thủy") mang nghĩa là "dòng nước nhỏ, ngòi (sông ngòi), rạch, bến"! Chính "binh" này, rất ư là sông nước, được dùng trong cách gọi là " Bùng binh" đó đa!

Đến đây, ắt hiểu vì sao trong Đại Nam Quấc âm Tự vị đã giải thích: Bùng binh là "khúc sông rộng lớn mà tròn”. Vài ba sông, rạch, lạch... gặp nhau, tụ lại lòng vòng, tạo thành một vùng không gian sông nước rộng hơn.

2/b - Ắt hết thảy chúng ta hiện nay đều quen nghe cách nói như "cho quá giang", "đi quá giang". Nghĩa sát sườn của "quá giang" là "qua sông"!

Ở miền sông nước phương Nam, trong suốt trăm năm hơn, việc di chuyển đi lại bằng ghe, tắc ráng, vỏ lãi..., tức đi đâu cũng "quá giang". Dấu ấn ngôn ngữ nơi miền sông nước in sâu tới mức, dù thay đổi về phương tiện đi lại, vẫn quen gọi là "quá giang". Ngoắc xe đi nhờ, cũng gọi "quá giang", và ai nghe cũng hiểu (chớ không thắc mắc ...đâu có sông, có "giang" gì ở đây mà "quá").

3/ Có thể xác định chính xác thời điểm (năm nào, tháng nào) mà cách gọi "quá giang" được áp dụng cho việc di chuyển trên đất liền (không phải trên sông) không? Không.

Có thể xác định chính xác thời điểm mà cách gọi "bùng binh" vốn dùng cho sông nước lại được áp dụng cho đặc điểm giao nhau giữa các con đường? Không.

Có ý nghĩa hơn nhiều, thú vị hơn nhiều, từ đây, chúng ta nhận ra (và tiếp tục khám phá):

Gìn giữ bản sắc ngôn ngữ phương Nam gắn với đặc trưng văn hóa sông nước miền châu thổ!

NGUYỄN CHƯƠNG 06.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.