jeudi 7 mars 2024

Nguyễn Đình Ấm - Máy bay C919: Làm gì mà « hoắng » lên như thế

 

Hôm 27/02/2024 tập đoàn sản xuất máy bay Trung Quốc COMAC đưa hai chiếc máy bay dân dụng C919 và RJ21quá cảnh ở sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) để đi Singapore dự Airshow (triển lãm). 

Nói là “quá cảnh” nhưng có vẻ như Vân Đồn mới là Airshow, bởi vì tại đây chiếc máy bay chở khách thân hẹp C919 được giới thiệu, trình diễn, biểu diễn dưới sự quan tâm đặc biệt của chủ nhà. VTC Now tổ chức một phóng sự dài, ca tụng hết lời C919, 50 hành khách lên bay thử C919.

Nhiều đoàn từ Hà Nội lên tham quan, nghe, xem trình diễn trong đó có thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải, anh “nhà to” Hoàng Đức chuyên nghề giới thiệu, quảng cáo, ca ngợi những ngôi nhà, lâu đài biệt phủ cực kỳ xa hoa, lộng lẫy của các đại gia, quan chức cũng lên “ngỡ ngàng sờ tay vào máy bay” ca ngợi hết lời. Trước đó báo Tuổi Trẻ và một số báo khác đăng: “Máy bay C919 Trung Quốc thách thức Airbus, Boeing”.

Sự rùm beng này khó mà xẩy ra  ở Singapore vì tại đây máy bay Trung Quốc luôn “chìm nghỉm” trước các sản phẩm của Boeing, Airbus, Embrqaer (Brazil),  Bombardie (Canada)…Năm 1992 tôi dự Airshow cũng ở Singapore và COMAC trưng bày một số máy bay mới nhất của họ nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Những ồn ào về C919 gây cho dư luận cảm giác máy bay chở khách thân hẹp Trung Quốc “ngang ngửa” và có khi hơn cả những Airbus 320, 321 của châu Âu, Boeing 737 của Mỹ. Bởi vì mọi tính năng của C919 tương tự nhưng lại rẻ hơn A320 tới 30 triệu USD mỗi chiếc. Một câu hỏi được đặt ra: Các hãng hàng không Việt Nam đã đặt hàng C919 chưa?

Cũng như hầu hết các loại máy bay quân sự, dân dụng Trung Quốc là sản xuất nhái theo máy bay của các hãng khác. C919 giống hệt chiếc Airbus 320, Boeing 737 nhưng có xê dịch, tăng, giảm kích thước một số bộ phận không quan trọng cho có vẻ khác đi. Trong khi những bộ phận cốt lõi của máy bay như động cơ GFM (Mỹ- Pháp), thiết bị buồng lái, hệ thống điện tử hàng không của phương Tây…

Theo tôi, hiện nay Trung Quốc đã làm được máy bay dân dụng nhưng còn lâu, rất lâu nữa mới có thể cạnh tranh được với máy bay thương mại của Mỹ, châu Âu, do:

- Trung Quốc hầu như không có phát minh về khoa học, công nghệ nên chỉ thừa hưởng tiến bộ của nước khác ; thì không thể có đột phá về tính năng, khả năng thương mại của sản phẩm.

- Dù máy bay của Trung Quốc có chất lượng như của Airbus, Boeing, giá rẻ hơn. Nhưng vấn đề là hệ thống trợ giúp khách hàng (cung cấp phụ từng, kỹ thuật, bảo dưỡng …) của Boeing, Airbus đã trải rộng khắp thế giới trong khi COMAC chưa có gì. Thì ai mua cũng phải tính, mua C919 mỗi khi hỏng hóc, trục trặc, bảo dưỡng định kỳ, đại tu lại phải đến Trung Quốc. Đến bao giờ thì COMAC thiết lập được hệ thống hỗ trợ khách hàng như Airbus, Boeing?

- C919 chưa được các tổ chức hàng không dân dụng quốc tế công nhận chất lượng, an toàn, chưa thể khai thác thương mại đến các nước khác.

- Với máy bay Trung Quốc, nhiều quốc gia còn lo vấn đề an ninh. Vừa qua Mỹ cấm cả sử dụng máy cẩu Trung Quốc vì vậy.

- Lâu nay Trung Quốc, Nga là hai cường quốc thường đi xâm lược nước khác hay bị phương Tây cấm vận. Nay mua máy bay của Trung Quốc, nếu họ gây sự ở Biển Đông, Đài Loan, Senkaku đến mức bị phương Tây trừng phạt, thì C919 cũng chỉ hoạt động loanh quanh trong nước như máy bay Nga hiện nay.Thậm chí không thể sản xuất được C919 nữa vì thiếu động cơ, các thiết bị cốt lõi phải mua của phương Tây.

Hãy cảnh giác với sự rùm beng. Vào những năm 1994-1995 Vietnam Airlines (VNA), đúng hơn là nhân dân bị vố đau. Dịp đó hãng chế tạo máy bay Fokker của Hà Lan đang trong quá trình phá sản. Cũng dịp ấy thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm châu Âu, theo dư luận ở ngành hàng không thì thủ tướng được cấp dưới “thiết kế, gài” cho buổi thăm Hà Lan, hãng Fokker. Tất nhiên đám ngầm ủng hộ Fokker cùng với chủ nhà tán tụng đến tận mây xanh máy bay của hãng này và thủ tướng làm sao biết được, đã OK cho VNA mua 2 chiếc Fokker 70 giá 50 triệu USD như họ đề nghị để “làm chuyên cơ và vận chuyển khách” (Ngày ấy mua máy bay phải được phê duyệt của chính phủ).

Năm 1995, mặc dù đã biết Fokker phá sản nhưng VNA vẫn nhận 2 máy bay (trong khi nhiều nước bỏ cọc, bỏ hàng) với nhiều hiện tượng tham nhũng. Năm 1996 tôi cùng báo Hà Nội Mới đã đưa vụ mua thất sách này ra công luận (báo Hà Nội Mới Chủ nhật ngày 24/03/1996) và suýt nữa chúng tôi vào tù với lý do: “Làm lộ bí mật quốc gia” (Lời nhân viên an ninh kinh tế Lê Thạc Ngoan Bộ Nội vụ - nay là Bộ Công an - theo dõi ngành hàng không Việt Nam). Chúng tôi chỉ thoát nạn khi chứng minh rõ ràng việc đưa lên báo vụ mua máy bay mờ ám không làm lộ bí mật gì hết.

Thế là qua 20 năm khai thác, hai chiếc Fokker không có hiệu quả (tốc độ chỉ 550km/h, ăn xăng mạnh, bảo dưỡng, bảo trì khó khăn, tốn kém, hiệu quả thua xa ATR72, mỗi khi hỏng hóc chút là phải đợi phụ tùng từ Hà Lan gửi sang với giá gia công độc quyền đắt đỏ, dư luận gọi là “hai con nghiện”). Riêng về an toàn, VNA phải thuê một kỹ sư Hà Lan lương rất cao kiểm tra, ký trước khi bay để “yên tâm bay”.Ở Việt Nam quá lâu đến nỗi anh ta khoái khẩu được món thịt chó, mắm tôm.

Mấy năm trước VNA đã bán hai chiếc Fokker này như “trút được gánh đầy đổ đi”.

Ảnh: Máy bay C919 bề ngoài không khác gì chiếc Airbus 320

NGUYỄN ĐÌNH ẤM 07.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.