vendredi 22 mars 2024

Nguyễn Hồng Lam - Thương Tín, hòn cuội đóng rêu

 

(ANTG - Chủ Nhật, 28/10/2007, 09:57) Thành công trên sân khấu nhưng với đời thường, Thương Tín đã nhiều lần thú thật: “Tôi chỉ là một kẻ lạc loài và thất bại, chưa bao giờ thủ nổi vai một người đàn ông, một người chồng, người cha tử tế. Ăn chơi phóng đãng, phá phách, cờ bạc, ma túy..., bao nhiêu thói tật của đời nghệ sĩ, tôi đã tự vơ hết vào mình bấy nhiêu. Cuộc đời tôi đã nhiều lần đứng trên bờ vực thẳm”.

Vì thế, chẳng ai ngạc nhiên trước cái tin Thương Tín bị bắt quả tang trên chiếu bạc tổ chức ngay trong quán cà phê mang tên anh, do chính anh làm chủ ở số 14/3 đường Cây Trâm, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh vào chiều 22/10/2007.

Và đó cũng chưa phải là sự kết thúc. Nó chỉ là một mảng màu tối được hắt thêm vào bức tranh cuộc đời đã quá loạn sắc của gã nghệ sĩ phóng đãng, lắm tài nhưng nhiều tật.

Anh sinh ra tại Phan Rang năm 1956, tên khai sinh là Bùi Thương Tín. Già nửa đời hư, khi ngoái lại, Tín thường tự thuật: “Tôi cầm tinh con khỉ, lại sinh vào mùa xuân nên cả đời không cần làm vẫn cứ có ăn. Nhưng cấm có giàu. Cũng tại cái lốt khỉ nên ưa lóc chóc, ưa phá người khác và tàn phá luôn chính cuộc đời mình”.

Nhà Tín có 9 anh em, đều theo nghề Đông y của bố. Thương Tín thì không, chỉ mê có mỗi món cải lương. Thuở nhỏ, Thương Tín thường rạc cẳng bám theo những chuyến xe ngựa chạy dọc thị xã Phan Rang nhỏ bé để đến trường, trong khi đầu óc chỉ mơ màng theo những áo mão cân đai, vua quan phùng phèng và ánh đèn màu chớp tắt của những gánh hát về ngang đầu ngõ.

13 tuổi, Tín bỏ học, bỏ xứ Phan Rang bạt ngàn nắng gió trốn nhà theo một gánh hát rày đây mai đó, lưu lạc lên tận Tây Nguyên. Hơn ba năm sau, ba của Tín mới chụp cổ được gã con trai khi gánh hát đang cắm trại biểu diễn ở Buôn Mê Thuột.

Không buộc được con trai bỏ nghề, cũng chẳng làm sao dập tắt nổi ngọn lửa đam mê trong lòng nó, ông bèn gửi thằng nhóc vào học Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ ở Sài Gòn.

Ra trường, Thương Tín tham gia vào Đoàn kịch nói Cửu Long Giang, Đoàn Kim Cương rồi tham gia đóng phim và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Anh đã hóa thân trên 100 vai kịch, 2/3 trong số đó là vai chính, vai kép độc. Đã có thời, anh là một thương hiệu lớn của Đoàn kịch Cửu Long Giang, một mình một chân dung to treo choán cả mặt tiền nơi dựng rạp.

Đóng cặp với kỳ nữ Kim Cương của Đoàn Kim Cương, những vai nam chính do Thương Tín đảm nhận trong các vở "Bông hồng cài áo", "Vực thẳm chiều cao", "Huyền thoại mẹ", "Tanhia"... đã khiến hàng bao nhiêu lượt khán giả phải thổn thức.

Lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, thành công của Thương Tín càng vang dội hơn. Những năm đầu sau giải phóng, kinh phí eo hẹp, nguồn vốn Nhà nước bao cấp cho điện ảnh quá ít ỏi nên lượng phim nhựa Việt Nam ra rạp mỗi năm tính chẳng được bao nhiêu. Diễn viên tên tuổi cũng phải xếp hàng, họa hoằn mới tìm được vai trong một bộ phim nào đó.

Riêng Thương Tín thì nhận vai không hết. Anh góp mặt trong hàng loạt “tác phẩm kinh điển” của làng phim nhựa phía Nam như "Vụ án viên đạn lạc", "Ván bài lật ngửa", "Biệt động Sài Gòn", "SBC", "Chiến trường chia nửa vầng trăng"...

Trong "Ván bài lật ngửa", vai Thiếu tá ác ôn Lưu Kỳ Vọng của anh đã để lại ấn tượng sâu đậm không kém gì vai nam chính, Trung tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa Nguyễn Thành Luân (do Chánh Tín thủ vai).

Lột tả hết cái chất lưu manh, xảo quyệt, nham hiểm của nhân vật sĩ quan Công an chế độ cũ Lưu Kỳ Vọng, khó có diễn viên nào làm tốt hơn Thương Tín. Anh diễn cứ y như thật, đạt từ ánh mắt, cái nhếch mép đểu giả, đạt luôn cả cái bộ mặt câng câng, cô hồn được hỗ trợ thêm bởi nốt ruồi phá tướng trụt xuống trồi lên liên hồi bên gò mép. Rồi cũng cái bộ mặt trâng tráo, ngang ngược ấy lại “vẽ” rất đạt chân dung một tướng cướp Bạch Hải Đường lỳ lợm trong "SBC".

Vào những vai người lính biệt động thành, người chiến sĩ như Sáu Tâm trong "Biệt động Sài Gòn", hay Tám Thương trong "Chiến trường chia nửa vầng trăng", thoắt một cái lại ra một Thương Tín khác, rất lãng mạn và rất hào hùng.

Nhân vật người lính mà anh thủ vai, trên chiến trường quyết liệt bao nhiêu thì trong tình yêu cũng nồng nàn mê đắm bấy nhiêu. Trung bình, mỗi tập phim nhựa phải quay đi quay lại từ 3 đến 5 tháng. Vậy mà có năm, Thương Tín phải “chạy sô”, đóng cùng lúc một năm 12 phim, sáng đóng phim này, trưa phim khác, đến tối lại sang phim khác nữa.

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, anh đã có mặt trong hơn 200 bộ phim lớn nhỏ, được xếp vào hàng kỷ lục.

Thương Tín đã theo học thêm 4 năm ở Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 và đang dần dần tiếp tục khẳng định mình ở vị trí đạo diễn. Hợp tác với sân khấu kịch Nhà Văn hóa quận phú Nhuận, vở "Chờ một tiếng yêu" do anh dàn dựng đã nhiều đêm cháy vé.

Phim truyền hình dài tập "Lời thề đất mũi" mà anh đạo diễn cũng được dư luận, nhất là ở miền Nam khen nức nở, được nhiều đài truyền hình thi nhau chiếu đi chiếu lại. Cộng tác với Hãng phim truyện I, bộ phim "Vực thẳm và vết sẹo" trên Điện ảnh chiều thứ bảy của VTV3 cũng được khán giả hưởng ứng khá nồng nhiệt.

Gần đây, Thương Tín đã hoàn tất vai nam chính trong bộ phim truyền hình 80 tập "Thiên đường tình yêu" của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, sắp công chiếu.

Đang tham gia phân cảnh, chuẩn bị đạo diễn phim "Nhớ sóng" (Kịch bản của Mường Mán, dựa theo truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư) thì Thương Tín bị bắt quả tang trong chiếu bạc.

Chuyện xảy ra cứ như thể là điều tất yếu. Cái câu cửa miệng mà anh thường nói: “Đã chơi là phải chơi nhiệt tình, chơi thật sự, chơi hết mình”, nếu hiểu đúng thì có nghĩa là sống bạt mạng và cực kỳ buông thả. Số lượng những cuộc tình một đêm, một tháng mà Thương Tín đã trải qua thậm chí nhiều không thua số vai diễn mà anh đã đóng.

Năm 19 tuổi, đang học năm thứ hai ở Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn, Thương Tín đã sống bất cần đời với mối tình đầu, một cô bạn cùng lớp. Hương lửa đang nồng, gã Don Juan đột nhiên... chạy trốn để về quê... lấy người khác, dù cô gái này, gã bảo là không hề yêu, cha mẹ đôi bên cũng phản đối kịch liệt. Không đám cưới, gã đưa luôn vợ vào Sài Gòn sinh sống. Khi có với nhau một đứa con trai thì cuộc hôn nhân không tình yêu ấy tan vỡ.

Thương Tín giành được quyền nuôi con, nhưng khổ nỗi nếu Thương Tín mà còn biết cam phận “gà trống nuôi con” thì thế gian này còn có ai đang gọi là lăng nhăng nữa? Chính anh đã nói như thế và đưa cậu con trai về Phan Rang gửi ông bà nội nuôi giúp, còn mình thì tiếp tục theo đuổi những bộ phim đang hồi hút khách và hàng loạt những cuộc tình không - hề - có - khái - niệm - thủy - chung.

Nói cho công bằng, gã đích thực có số đào hoa. Chỉ một cái nhếch mép rất đểu trên màn bạc của gã cũng khiến cho bao nhiêu cô gái, nhẹ dạ có mà cố tình nhẹ dạ cũng nhiều phải ngả nghiêng ao ước.

Năm 1986, sau thành công của vai Sáu Tâm trong phim "Biệt động Sài Gòn", khi ra dự Liên hoan phim ở Hải Phòng, Thương Tín đã bất ngờ bị (hoặc được) một nữ sinh lớp 10, khá xinh đẹp chen vẹt đám đông xô vào ôm cứng.

Hơn chục năm sau đó, cô bé ấy vẫn đều đặn mỗi tuần một lá thư nồng nàn gửi cho “thần tượng” của đời mình. Sau hơn hai chục năm, cha của cô gái vẫn gọi điện vào cho Thương Tín, nửa thông báo và nửa trách móc: “Con gái tôi vẫn không chịu yêu ai khác ngoài anh. Đến bây giờ, gần 40 tuổi nó vẫn không chịu lấy chồng”.

Thời bao cấp, cátxê vai nam chính của Tín cho bộ phim “Vụ án viên đạn lạc” quay trong 4 tháng chỉ được đúng 1 chỉ vàng. Cả năm đi đóng hơn chục bộ phim, thu nhập chỉ chừng 1 cây vàng, nhưng chừng đó thời gian lại đủ cho Tín ăn chơi hết cả chục cây, không kém.

Nhiều nghệ sĩ từ Hà Nội vào Nam, nhìn Thương Tín đi làm bằng xe hơi riêng đã phải trố mắt ngạc nhiên. Số là có một nữ khán giả rất giàu có, nhà có tới mấy tiệm bán mỹ phẩm đem lòng yêu “Thiếu tá Lưu Kỳ Vọng”.

Thiếu phụ này có chồng là sĩ quan chế độ cũ đang đi học tập cải tạo, có hai đứa con. Thương Tín đã sỗ sàng nói thật là “anh không hề yêu em”, nhưng cô ta vẫn bất chấp, vẫn tuyên bố "không cần được anh yêu, chỉ cần được yêu anh là đủ”.

Cô sắm xe hơi cho thần tượng đi, nhét tiền vào ví cho anh xài mỗi khi thấy ví anh đã rỗng. Không hề thắc mắc, Thương Tín vẫn vô tư tiêu “hết mình” tiền bạc của cô vợ hờ chu cấp vào cờ bạc, ăn nhậu, hút xách và cả săn lùng những cuộc tình một đêm với không ít những cô gái khác.

Năm 1986, anh chồng cũ của cô vợ hờ hết hạn cải tạo đã trở về. Dù đã ly dị từ lâu, người chồng này vẫn không ngăn được cơn ghen. Hoảng sợ trước lời đe dọa, cô rủ Thương Tín vượt biên.

Đã quen sống vô mục đích, Thương Tín đồng ý. Nhưng khi ra đến mép biển, chuẩn bị được đưa xuống những chiếc thúng chai (mỗi chuyến thúng chai chở 4 người) để ra tàu lớn thì Thương Tín đột nhiên lưỡng lự.

Anh đưa người tình và hai đứa con riêng của cô xuống thúng, bảo họ đi trước, còn mình sẽ ở lại nghe ngóng, sẽ ra thuyền bằng chuyến sau. Nhưng không có chuyến sau. Chủ thuyền, sợ bị công an bắt, sau khi thu đủ số vàng đã ném lại một nửa số người vượt biên trong đó có gã nghệ sĩ lang thang ở trên bờ với những tràng chửi rủa. ("Không có chuyến sau", đó chỉ là cách mà Thương Tín giải thích, trời mới biết là hư hay thực. Chỉ có chuyện Tin đưa mẹ con người tính xuống thuyền trước, để rồi anh ở lại trên bờ, không đi đâu hết mới đích thị sự thật)

Thuyền gặp tai nạn, đắm giữa biển khơi. Không một ai trên thuyền sống sót. Bị bỏ rơi, Thương Tín và số người này hóa ra lại may mắn là còn được sống. Nhưng là sống trong triền miên ray rứt. Với người đàn bà ấy, anh chỉ là một kẻ nhẫn tâm, lạnh lùng, đóng băng tâm hồn từ toan tính sâu thẳm.

Mười năm sau đó, đời anh gắn bó với Hồng Nhung, cô ca sĩ người Hoa nổi tiếng hát “nhạc giật” ở các phòng trà. Ngày chồng đi diễn, tối vợ đi hát, chỉ gặp nhau khi đã quá nửa đêm.

Cảnh quạnh hiu khiến Thương Tín mong cháy lòng việc có một đứa con, như anh nói. Hồng Nhung không chịu, sợ có con sẽ không đi hát được nữa. Vậy là họ lại chia tay. Thương Tín lại tiếp tục sống nay với cô gái này, mai thiếu phụ khác.

Diễn viên P.Q. khá nổi tiếng trong chuyên mục "Chuyện trong nhà ngoài phố" cũng từng chung sống với anh 3 tháng. Nhưng rồi thói lăng nhăng của anh lại khiến họ đường ai nấy đi. Tín cũng đã từng theo một cô gái sang Australia định cư, nhưng chỉ được vài tháng, không chịu nỗi cảnh tuyết rơi lạnh cả lòng ở xứ người, anh lại quay về.

Không chỉ “sát gái”, bài bạc với anh còn là một món... sở trường. Tín từng thú nhận, anh đã có lần xách mấy triệu đồng mon men tìm vào ngồi trong xới bạc của Năm Cam.

Ông trùm bảo: “Anh chỉ mở sòng cho mấy thằng đại gia “đập thùng” chơi thôi. Nghệ sĩ như em, tiền bạc đâu mà vô đây?”. Nghe vậy, Thương Tín mới chịu ra về. Chuyện đi về của Tín, giải thích lịch sự của Năm Cam cũng chỉ là cách nói. Sự thật là Thương Tín làm gì có tiền để theo cờ bạc bịp. Anh bị giang hồ tống cổ khỏi sòng, ném ra đường.

Cả với cha mẹ, gia đình, Thương Tín cũng không mấy ngó ngàng. Lấy cớ bận đóng phim, họa hoằn lắm anh mới tạt về thăm nhà, dúi cho ba mẹ ít tiền (lại vẫn là anh nói thế), tự nhủ thế là tròn bổn phận, lại tiếp tục ruổi rong theo những vui thú rạc rài.

Không ít lần, Thương Tín đã bắt cả đoàn làm phim phải chờ nhưng anh thì chẳng thèm có mặt.

Nhiều lần, nghệ sĩ Khánh Hoàng (nay là Giám đốc Nhà hát kịch TP HCM) đã bất đắc dĩ phải vào vay thay cho Thương Tín và ê mặt trước sự la ó phản đối của khán giả ở các tỉnh, bởi khi Đoàn kịch Cửu Long Giang mở màn thì kép chính Thương Tín lại đang gặp “sự cố” vì thói lăng nhăng, trốn đâu mất biệt!

Khi lớn tuổi, những sô diễn bắt đầu giảm sút, những người tình đã lần lượt bỏ ra đi, Tín đã mon men giải sầu trong ma túy. Và nghiện, nghiện nặng. Cuối cùng chỉ có quê hương và gia đình là nơi duy nhất chìa tay ra với gã con hoang đàng phiêu bạt, hoặc “người tình nhẫn tâm, đứa con bất hiếu” – như Thương Tín tự bạch.

Năm 2003, Tín quay về Phan Rang, sáng uống trà với ba, tối bật tivi xem cải lương cùng má, để cai nghiện. Một thoáng bừng tỉnh ngộ, như thể muốn từ bỏ đời phóng đãng, anh đã xây cho gia đình một ngôi nhà khang trang và sống ẩn dật ở quê suốt hai năm rưỡi. Phim  “Cây huê xà” khởi quay, đạo diễn mời vào vai, Tín lại khăn gói vào lại TP Hồ Chí Minh, trở lại nghề diễn.

Quyết "tu chí làm ăn", Thương Tín đã mở quán cà phê bida máy lạnh, quyết tâm lấy kinh doanh làm hậu phương bảo đảm kinh tế để tiếp tục theo đòi nghệ thuật.

Căn phòng riêng kín đáo trong quán cà phê Thương Tín đã nhiều lần thành sới bạc và lọt vào tầm ngắm của Công an. Thật ra, Tín không định tổ chức đánh bạc để kiếm tiền, chẳng qua là máu đỏ đen đã “lậm” vào đời anh quá nặng, gầy sòng cốt để... được chơi. Và dĩ nhiên đã chơi là phải "chơi hết mình, chơi lớn".

Cùng 4 người khác, Thương Tín đã bị bắt quả tang với tang vật là gần 110 triệu đồng, 216 USD, nhiều điện thoại di động.

Là một “dân chơi có số”, có thể máu đỏ đen không làm Thương Tín cháy túi, nhưng e hình như ngôi sao đào hoa và phóng đãng ấy đã tự đốt cháy cả đời mình!

Bài viết mà bạn vừa đọc, tôi viết đăng báo ANTG, lên online ngày Chủ Nhật 28/10/2007, 09:57. Đến thời điểm đó, cuộc đời nghệ thuật của Thương Tín đã coi như chấm dứt. Kể từ đó đến nay, đã 17 năm, những ồn ào thị phi quanh người nghệ sĩ một thời, tôi đều biết nhưng không viết thêm nửa chữ. Đời nghệ sĩ, sai lầm - nếu có -  đáng giận thì cũng đáng thương, thì thôi thể tất. Nhưng sẽ không chấp nhận, không thông cảm, không tha thứ được, đó là thái độ vô ơn, phản trắc. Riêng khoản này, Thương Tín quá thừa thãi.

Năm 2021, tôi phẫn nộ khi Thương Tín dựng đứng chuyện vu oan cho nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, người hết lòng cưu mang, lo lắng, giúp đỡ Thương Tín khi gần như giới nghệ sĩ, người quen biết đều đã coi anh như kẻ không tồn tại. Tuy nhiên, áy náy thì chưa dứt, ít nhất 2 lần tôi đã nhờ người viết bài về NS Trịnh Kim Chi, gián tiếp giải mối tổn thương cho chị. Gần đây nhất, tôi nhờ tác giả Như Thúy viết giúp bài "NSND Trịnh Kim Chi: Hạnh phúc là biết yêu thương và cho đi...", đăng trên Văn Nghệ Công An, lên online ngày 8-3-2024. Tôi muốn coi đó như một sự sẻ chia với chị trong ngày của phụ nữ.

Tự nhủ rằng, sau cú phản trắc xuẩn ngốc đó, Thương Tin đã coi như hết vốn, sẽ tỉnh ngộ. Nhưng khi nhạc sĩ Tô Hiếu nhận cưu mang anh, thật tâm, tôi lại e ngại. Ngạn ngữ Peru có câu: "The leopard never changes their spots" (Loài báo hoa mai không bao giờ thay đổi đốm vằn trên lưng chúng). Thương Tín e chừng cũng không thể giũ bỏ được những vết hằn vụ lợi trong tâm trí của anh.

Thêm vào đó, tôi kinh tởm và khinh bỉ khuynh hướng truyền thông lá cải, sử dụng mạng xã hội để kiếm tiền theo khuynh hướng bất chấp. Đồ rằng, Thương Tín lại còn tiếp tục là đề tài câu khách bất lương, vì chính anh là một biểu tượng của sự tráo trở trơ trẽn.

Chưa hết, cũng vì thu hút, câu like, trên mạng sẽ không hiếm những nhà đạo đức nửa mùa, cố phô cho kỳ hết lòng tốt của những tên vô lại vỉa hè. Vịn tay vào sự tỏa sáng một thời của nhân vật, bất kỳ ai bất đồng, hoài nghi hay góp ý phê bình thói tật của nhân vật, họ đều vu ngay là "giậu đổ bìm leo". Chẳng phải họ xót thương gì người nghệ sĩ thất bại, kẻ lạc thời; cũng chắc chắn họ chưa từng giúp được gì tốt lành cho kẻ mà họ coi là nạn nhân, người không may để từng nhỏ lệ xót thương. Chẳng qua, họ muốn tỏ ra cao đạo để tự khoe mình ưu thời mẫn thế và hiểu biết, hoặc tìm một cái cớ tấn công vào sự nghiêm túc và tỉnh táo của người tử tế, điều mà họ - luôn manh nha sự vụ lợi bất lương - không hề có và cũng không thể hiểu, hoặc không chịu hiểu. Đến khi cái xấu, sự tồi tệ bộc lộ, họ sẽ vờ quên và âm thầm xóa những gì đã nói và đã viết.

Những ai từng hoài nghi Thương Tín là nạn nhân của những vụ tồi tệ chính anh dựng nên nhiều lần trước, lần này nên mở mắt ra đi. Quả nhiên, nhạc sĩ Tô Hiếu, người cưu mang Thương Tín 1 năm 8 tháng ở giai đoạn khốn quẫn nhất đã bị Thương Tín bán rẻ trong mấy phút YouTube. Kẻ dựng clip là người thế nào, sạch sẽ hay không, người xem tự biết: anh ta che mặt chính mình. Thương Tín thì khỏi, sự tráo trở đã thành nhẵn mặt. Đời anh không chỉ có một, mà có không ít Mạnh Thường Quân. Tuy nhiên, là kẻ bất tín ăn mày sự xót thương, Thương Tín không phải một Phùng Huyên lãng khách hoang đàng nhưng mã thượng - điều mà lẽ ra nghệ sĩ đích thực không thể thiếu.

Sai lầm, bất lương, đáng giận hay đáng thương, tôi thôi không muốn bàn nữa. Chỉ nói thêm một điều này, Thương Tín trước sau chỉ là một con bạc, đặt cược bằng chính danh dự và chút hào quang đã phủ bụi của của đời mình. Trong món bài xì tẩy (xì tố), có nước bạc cuối cùng, miền Bắc gọi là tất tay, miền Nam gọi là kê tẩy. Đó là khi con bạc đặt hết vốn liếng mình có vào nước bạc cuối cùng, hoặc gom sòng hoặc trắng tay bị ném ra khỏi cửa. Điều đáng buồn, đời Thương Tín chẳng còn chút vốn liếng gì để đòi kê tẩy.

Nhưng anh vẫn không chịu nhận ra điều đó, đã nhiều lần gom nốt lòng thương hại của đời để hòng chơi ván bạc tất tay. Thua, bị ném khỏi sòng đời, anh lại lê lết chầu rìa cuộc đời, hòng lại xin một ít hảo tâm, không phải để sống qua ngay, mà là để lê la gom tiền lẻ đặt tiền đường (tiền lót khởi đầu để theo một ván bạc mới). Để khi vốn "ru" hơi dày lên một chút lại hòng đánh úp, kê tẩy những người đã hào hiệp sẻ bớt phần được của mình để chia cho anh ít tiền lẻ "đậu chến" vô tiền nước.

Tôi nghĩ, nhạc sĩ Tô Hiếu không phải là nạn nhân cuối cùng, nhưng Thương Tín thì sớm thôi, sẽ bị sòng bạc cuộc đời ném ra lề đường, ném vào sự lãng quên vĩnh viễn. May cho anh, không ai nỡ trả đũa, tranh chấp hay nặng lời, nặng tay với một cái bóng vật vờ.

Cờ bạc ăn nhau lúc gà gáy, muốn lì lợm theo đến sáng thì con bạc phải trường vốn, lúc đó hẵng hòng ngạo mạn kê tẩy. Thương Tín chẳng còn gì làm vốn, đừng "cấy", đừng tố láo bởi chút vốn còm nhặt nhạnh từ sự xót thương. Tẩy của anh chỉ là con bài rác mà sòng bài ai cũng đọc ra, chẳng có gì xa lạ mà phải hồ nghi tính đoán. Cũng chẳng ai hơi đâu cho anh thêm lòng thương để tiếp tục gom góp gầy sòng, hòng tố bài lai.  Khi lòng tốt bị tổn thương thì câu cuối cùng người trong sòng đời nói với anh sẽ là: Không ai rảnh!

Ảnh đầy trên mạng, cắt từ clip, khỏi ý kiến.

NGUYỄN HỒNG LAM 22.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.