samedi 30 mars 2024

Nguyễn Đắc Kiên - Trí thức hay nô bộc ?

 

Đọc cùng lúc các cuốn giáo trình luật của giáo sư Vũ Văn Mẫu (xuất bản ở Sài Gòn những năm 1960-1970) và các cuốn giáo trình của một đại học được coi là hàng đầu về luật ở TP.HCM (*) bây giờ, chưa cần đi sâu vào nội dung, nhìn vào tâm thế người viết thôi, tôi đã có thể chỉ ra một sự khác biệt rõ rệt.

Trong khi với những người như giáo sư Vũ Văn Mẫu, Hiến pháp 1956, 1967, cũng như các sắc luật khác, của Việt Nam Cộng Hòa, là đối tượng phê phán trong các bài giảng về pháp luật, mà ở đó, các giáo sư đại học như những vị thần linh trong ngôi đền thiêng khoa học chỉ tay phán xét công việc của người phàm (chính quyền).

Thì ngược lại, với “các giáo sư đại học ngày nay” (**) (trong các cuốn giáo trình luật mà tôi đã đề cập ở trên), các bản Hiến pháp, các sắc luật, kể cả các chủ trương, chính sách của chính quyền, lại như những cuốn thánh kinh. Mà ở đó, các thạc sĩ, tiến sĩ, các nhà khoa học của chúng ta, chỉ có thể len lén nhìn vào. Rồi có trót lỡ nhận ra điểm nào sai quấy thì cũng phải hết sức nhẹ nhàng và mềm mỏng, thưa thốt lên (đấng tối cao “chính quyền”) rằng, có lẽ đó chỉ là “khiếm khuyết của lịch sử”.

Mới đây nhà báo Huy Đức, trong một bài viết trên Facebook, có kể chuyện nhà báo Võ Như Lanh từng nói thẳng vào mặt Phó ban trưởng Tuyên giáo Trung Ương Hồng Vinh trong một cuộc họp rằng: “Anh đừng vào đây mà dạy dân Sài Gòn làm báo”.

Thử hỏi có vị tổng biên tập nào bây giờ dám làm như vậy với một quan chức tuyên giáo trung ương không?

– Chắc chắn “không”.

Tại sao vậy?

– Tại vì giáo sư Vũ Văn Mẫu là một trí thức. Ông chỉ cúi đầu trước chân lý – lẽ phải chứ không bao giờ chịu cúi đầu trước bất cứ thế lực nào khác, nhất là chính quyền.

– Tại vì nhà báo Võ Như Lanh là một trí thức, dù có là “trí thức cách mạng” nhưng ông vẫn là một trí thức. Ông chỉ cúi đầu trước chân lý – lẽ phải chứ không bao giờ chịu cúi đầu trước bất cứ thế lực nào khác, kể cả cường quyền.

Cách đây hơn chục năm giáo sư Trần Hữu Dũng có bài viết tựa đề: “Thời vắng những nhà văn hóa lớn?” (***) trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, trong đó ông trăn trở về chuyện đất nước ta đang ở thời kỳ thiếu vắng những nhà văn hóa lớn. Nhưng theo tôi, chưa cần nói đến những “nhà văn hóa lớn”, chúng ta ngày nay đang thiếu vắng cả những “trí thức” theo nghĩa căn bản nhất.

Thiếu vắng trí thức, chúng ta ngày nay lại đang quá dư thừa những kẻ mang não trạng, mang tâm thế nô bộc. Và nguy hiểm hơn, khi rất đông trong số đó lại đang khoác trên mình tấm áo “trí thức”. Và còn nguy hiểm hơn nữa khi những kẻ nô bộc khoác áo trí thức này lại đang mang trên mình “sứ mệnh” đi rao giảng, truyền bá tri thức, truyền bá các giá trị.

Bởi vì, dù có cả trăm người, ngàn người u mê, tăm tối quỳ lạy “một sợi lông” thì cùng lắm gây hại nhất thời cho trăm, ngàn cá nhân hay cùng lắm là gia đình họ. Nhưng chỉ cần một giáo sư đại học thôi, cúi đầu nhận thân phận nô bộc, là đã có thể gieo rắc tai hại cho cả trăm, ngàn sinh viên, hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Trong lịch sử nhân loại, xã hội (quốc gia) nào cũng vậy, muốn phát triển bền vững, muốn tiến hóa đi lên, đều phải dựa vào các trí thức, bởi họ chính là những người giữ giềng mối xã hội, giữ bản sắc văn hóa và những giá trị cốt lõi của cộng đồng. Thế mà, xã hội chúng ta bây giờ, nhìn quanh, đâu đâu cũng chỉ thấy một phường nô bộc (hoặc nô bộc khoác áo trí thức), vậy thì chúng ta sẽ đi đến đâu?

NGUYỄN ĐẮC KIÊN 27.03.2024

 (*) Tôi vốn định mang đi bán đồng nát (ve chai) mấy cuốn giáo trình này, nhưng sau đó tôi đã nghĩ lại, tôi sẽ giữ chúng như minh chứng cho một thời mông muội của đất nước chúng ta (vào giữa thập kỷ thứ hai của Thế kỷ 21).

(**) Tôi gọi những giảng viên đại học nói chung là giáo sư, bất kể học hàm – học vị thực tế của họ là gì. Khi viết cụm từ các “giáo sư đại học ngày nay” tôi quả thực rất lúng túng nhưng không biết làm cách nào hoặc có cụm từ gì khác để khu biệt lại nhóm người mang tâm thức nô bộc mà tôi nhắm đến và loại trừ ra những vị khả kính mà tôi biết (và cả chưa biết). Những người vẫn đang âm thầm, trong sứ mệnh của mình, làm tốt nhất có thể vai trò cao cả của một giáo sư đại học đích thực, vun trồng tự do – chân lý. Những người này, tôi cho rằng, theo một nghĩa nào đó, họ còn đáng kính hơn cả những người như giáo sư Vũ Văn Mẫu, bởi vì họ đang phải ở trong một hoàn cảnh khó khăn hơn bội phần với giáo sư Mẫu và các đồng sự của ông trước đây.

(***) Trần Hữu Dũng, “Thời vắng những nhà văn hóa lớn?”, TKBKSG, 2011.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.