samedi 30 mars 2024

Hoàng Quốc Dũng - Chiến tranh thế giới thứ III ?

 

Nhân loại đã chìm đắm trong chiến tranh trong suốt quá trình phát triển. Để tồn tại, súc vật phải giết nhau, phải ăn thịt nhau để tồn tại. Con người cũng chỉ là một loại động vật nên cũng không thể tránh khỏi quy luật sinh tồn.

Nhưng rồi tính súc vật của con người càng ngày càng ít đi vì con người càng ngày càng văn minh hơn qua thời gian tiến triển. Tiếc rằng trên thế gian có các dân tộc không chịu tiến hóa, không chịu phát triển.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, phần lớn biên giới các quốc gia đã định hình. Liên hợp quốc được thành lập với sự tham gia của hầu hết tất cả các nước trên thế giới. Đại chiến đã nuốt đi hơn 50 triệu sinh mạng, tưởng rằng nhân loại đã quá tởn với chiến tranh. Đúng thế, tởn thật luôn. Nhưng cũng chẳng được bao lâu.

Sau 1945, thế giới vẫn chia hai cực, vẫn hầm hè nhau, nhưng không có đụng độ lớn. Cuối cùng thì Liên Xô cũng tan rã kéo theo sự ra đi của chiến tranh lạnh. Thế giới càng có cơ hội hòa bình hơn. Và cũng chính vì thế Tây Âu, đặc biệt là Pháp lơ là quốc phòng. Vẫn có sản xuất vũ khí để bán và một phần cho quốc phòng, nhưng không có một nền công nghiệp quốc phòng có thể phục vụ cho chiến tranh. Tôi đã từng nói, trong dịp Covid: “ Nhờ có Covid người ta mới thấy được sự lệ thuộc ghê gớm của Pháp vào Trung Quốc trong việc sản xuất một số trang bị y tế và thuốc thang”.

Tương tự như vậy, chiến tranh Nga-Ukraina cho thấy Pháp không đủ khả năng sản xuất vũ khí đủ để đáp ứng cho một cuộc chiến cường độ cao. Pháp muốn cung cấp thêm vũ khí cho Ukraina cũng không được, vì còn phải khởi động lại công nghiệp sản xuất đã bị lơ là từ bấy lâu nay. Một thí dụ cụ thể là hiện tại, Pháp còn không có đủ thuốc súng và rất lệ thuộc nước ngoài về vấn đề này. Hiện tại Pháp đang trưng dụng một số doanh nghiệp tư nhân để phục vụ cho sản xuất quốc phòng.

Sau hơn 70 năm được hưởng không khí hòa bình, Châu Âu thình lình phải bước vào tình trạng chiến tranh, trong khi nền kinh tế hoàn toàn không đáp ứng được tình trạng chiến tranh cường độ cao.

Từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, không cảm thấy còn bị đe dọa trực tiếp, chính sách quốc phòng của Pháp đã thực sự thay đổi : Chuyển từ quân đội nghia vu (bắt buộc phải đi lính khi đến tuổi) sang quân đội chuyên nghiệp, bảo toàn lực lượng đe dọa hạt nhân ở mức vừa đủ, chuyển việc sản xuất thuốc nổ ra nước ngoài…

Ngoài ra ngân sách quốc phòng cũng bị điều chỉnh để giảm quân số, gây nhiều ảnh hưởng đến một số lĩnh vực cơ bản của chiến tranh hiện đại như drone, máy bay lên thẳng, vận chuyển hàng không, phòng không và tấn công sâu vào hậu phương địch…

Chính sách quốc phòng này chỉ dùng để đối phó với những cơn khủng hoảng lẻ tẻ, không thể đáp ứng được cho chiến tranh với cường độ cao. Cũng vì thế Pháp mất dần những ảnh hưởng của mình ở Châu Phi để thay vào đó là Trung Quốc và Nga. Tình báo Pháp đã hoàn toàn không biết gì về cuộc tấn công xâm lược của Nga vào Ukraina, cũng như một loạt các cuộc đảo chính ở các nước Châu Phi.

Thế giới đã thay đổi quá nhiều với nhiều các cuộc xung đột lớn khắp nơi, đặc biệt ở Châu Âu : Chiến tranh Nga-Ukraina mở màn cho cuộc chiến của các nước độc tài với các nước dân chủ, Chiến tranh Israel-Palestine, Tham vọng của tổng thống Thổ Erdogan muốn tái tạo Đế chế Ottoman…Từ năm 1945 đến giờ, chưa bao giờ có nhiều xung đột như thế giữa các quốc gia với mức độ như hiện nay.

Với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina và sự phát triển của tình hình chiến sự đến ngày hôm nay, thế giới đã thực sự thay đổi. Tôi lại nhớ lại câu nói của Churchill : “Phải nắm lấy sự kiện trong tay mình, trước khi để nó chặn vào họng mình”. Có lẽ chính vì vậy, chi phí chạy đua vũ trang của các nước trên thế giới đã đột ngột tăng vào năm 2013 (2.200 tỉ $) và sẽ còn tăng thêm rất nhiều nữa.

Trong rất nhiều năm trước đây, Mỹ đã kêu ca rất nhiều về việc các nước thành viên NATO không chịu tôn trọng ngưỡng chi phí quốc phòng 2 % GDP. Năm nay, 18 trong số 31 nước thành viên sẽ thực hiện ”nghĩa vụ” này và tổng chi phí sẽ đạt 380 tỉ $. Anh quốc sẽ nâng ngân sách quốc phòng lên 50 tỉ £, trong đó 7,5 tỉ sẽ dành cho việc tái tạo kho đạn dược. Đức tôn trọng mức 2 % GDP và ngân sách quốc phòng sẽ đạt 72 tỉ euro. Thụy Điển bỏ trung lập hơn 200 năm, gia nhập NATO và đã tái lập lại nghĩa vụ quân sự…Để so sánh chúng ta biết rằng Nga đã chuyển sang kinh tế chiến tranh với 6 % GDP dành cho quân sự.

Với tất cả những gì mới diễn ra ở Nga, Putin tái cử với số phiếu áp đảo, khủng bố (ai là tác giả ???). Với những tuyên bố hung hăng của Putin đầy quyền lực, với những đáp trả cũng không kém phần hung hang của Phương Tây, nguy cơ chiến tranh thế giới thứ III rất lớn. Vấn đề là đánh nhau bằng vũ khí gì thôi (Vũ khí quy ước hay hạt nhân).

Trước khi chiến tranh có thể xẩy ra, tôi xin cung cấp các bạn một số thông tin về lực lượng của hai bên.

                    NATO><Nga

Binh sĩ

   Tổng 5.817.100><2.600.000

    Quân thường trực 3.358.000><1.100.000

    Dự bị 1.720.700><1.500.000

Các loại xe chiến đấu

   Xe tăng hạng nặng 12.408><3.250

   Pháo binh hạng nặng 11.086><1.803

   Súng phóng rốc két 3.272><941

Không quân

   Tiêm kích 3.398><734

   Tấn công mặt đất 1.108><292

   Vận tải 1.506><476

   Tiếp liệu    615><15

Hải quân

   Chiến hạm 247><32

   Sân bay trực thăng 13><0

   Tầu sân bay 16><1

   Tầu ngầm 143><50

Vũ khí nguyên tử

Đầu đạn hạt nhân 5.943><4.440

Nếu chúng ta chỉ xem qua các con số ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan lực lượng Nga-NATO. Nga tuổi gì mà đánh nhau với NATO. Tuy nhiên, nếu chúng ta điểm qua tất cả các cuộc xung đột giữa một bên là độc tài và một bên là dân chủ trên thế giới thì thực tế cho chúng ta thấy phía dân chủ có thể mạnh hơn gấp nhiều nhiều lần mà vẫn thua. Tôi nói có đúng không? Đánh nhau với độc tài rất khó vì những kẻ độc tài bất chấp sinh mạng và của cải của nhân dân.

Không thể mơ độc tài tự chết. Muốn diệt độc tài, tất cả đều cùng phải cố gắng và phải mạnh hơn độc tài rất nhiều mới có thể đánh đổ được nó.

Trước khi đại chiến thứ II nổ ra, trước sự hung hăng của Hitler, một số lãnh đạo của Pháp bấy giờ không muốn đối đầu với Hitler đã chủ chương “hòa bình” với Hitler. Churchill đã nói : “ Các ngài có sự lựa chọn giữa nỗi nhục và chiến tranh. Các ngài đã chọn nỗi nhục và các ngài sẽ có cả chiến tranh” (Nói tóm tắt là Pháp đã mở cửa cho Hitler tràn vào Pháp).

Hiện tại ở Châu Âu, đặc biệt ở Pháp, cũng không phải không có những tiếng nói “hòa bình” như trên. Nhưng lịch sử đã chứng minh rồi. Chỉ mong chúng ta không quên lịch sử. Pháp đã bị ăn cả nỗi nhục lẫn chiến tranh thế giới thứ hai.

Chẳng ai muốn chiến tranh cả. Nhưng nếu thằng Puđiên nó muốn chiến tranh thì chỉ có thể đáp lại nó bằng chiến tranh và đặc biệt phải mạnh hơn nó nhiều lần, cả tinh thần lẫn vật chất.

HOÀNG QUỐC DŨNG 28.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.