Hồi tôi vào lớp 8 (năm 1969), lớp đầu cấp 3 hệ 10 năm, cả thôn có 4 đứa học trường huyện, đều nhà nghèo. Thuộc diện nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp "chúng tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ là nông dân", trường cách nhà hơn 3 cây số, xa thế nhưng tinh đi bộ, hôm nào cũng phải dậy từ sáng sớm.
Không có đồng hồ, chả biết đâu mà lần, cứ căn theo gà gáy và tiếng người đi chợ thì dậy. Riêng lão Cước cùng lớp, cùng tuổi nhưng tôi gọi bằng chú, có chiếc đồng hồ Nicle hai kim, kim xanh kim đỏ. Cũng chả nhớ nước nào sản xuất. Đeo oai lắm, ai hỏi giờ, thỉnh thoảng chú Cước tôi vung tay quay một vòng rõ rộng rồi mới trả lời.
Hồi đó người ta truyền tai nhau câu “Ni cờ le vừa nghe vừa lắc”. Muốn biết nó đang chạy hay không phải áp sát vào tai nghe tiếng tích tắc, nếu đã chết thì lắc mạnh nó mới chạy lại. Tôi ngờ lắm, mấy lần hỏi giờ, lão Cước đều ấp úng, hình như chỉ đeo để tán gái, cô Vân Chi mậu dịch viên cửa hàng bách hóa huyện chứ không cốt xem giờ.
Hồi trước năm 1975 ở nông thôn miền Bắc những nhà khá giả thường sắm đồng hồ để bàn của Trung Quốc, quên hiệu rồi, chỉ nhớ nó nền màu trắng viền xanh, dưới số 12 có con gà mái màu vàng mổ thóc. Loại đồng hồ bàn này được chết tên "gà mổ thóc". Nó mổ theo tiếng tích tắc, tích tắc, bây giờ thì thấy đơn giản nhưng hồi ấy quả là tuyệt vời.
Hàng Tàu thời xưa tốt lắm, phích nước, thau sắt tráng men, xe đạp Vĩnh Cửu hoặc Phượng Hoàng, bút máy Kim Tinh, vải Tô Châu, mũ cối, đèn pin, cả cái đồng hồ con gà mổ thóc nữa. Xài rất bền, ít hỏng hóc. Vải Tô Châu mặc đến rách te tua, sờn hết đầu gối hoặc mông đít nhưng vẫn tươi màu, lạ thế. Ông Tế anh họ tôi làm phó chủ nhiệm hợp tác xã được phân phối một chiếc con gà mổ thóc, cả nhà nâng niu như của gia bảo, hình như dùng mấy chục năm mới chịu bỏ.
Nhà tôi không có đồng hồ, cả để bàn lẫn đeo tay đều không. Mà cả làng chắc cũng chỉ mươi nhà có. Thày bu tôi cũng như hầu hết nông dân làng thức khuya dậy sớm quen rồi, vả lại cứ ăn xong là ra đồng nên không cần đồng hồ. Đám mấy chị em tôi hiểu hoàn cảnh nhà mình thiếu thốn nên cũng biết cách nghe gà gáy cầm canh để ước chừng khi nào cần dậy đánh răng rửa mặt rồi đi học.
Nhà tôi hướng chính đông, buổi trưa chúng tôi biết coi bóng nắng mấy hàng gạch mà tính giờ, chả mấy khi sai. Nhiều người chắc còn nhớ trong truyện Tắt đèn của cụ Ngô Tất Tố có chi tiết nhà nghị Quế “bóng nắng xuống thềm một hàng gạch, xe lửa 1 giờ toe toe hét còi” nhưng lão nghị cứ gân cổ cãi mới 12 giờ. Nghị Quế sai chứ anh em tôi chả mấy khi sai.
Tôi xin nói thêm rằng gạch phải là gạch Bát Tràng vuông cỡ 20 x 20 cơ chứ không phải gạch thẻ, có thế coi bóng nắng mới chính xác. Đám gạch đó thày tôi hồi sau cải cách ruộng đất mua lại được của mấy ông bà nông dân được chia quả thực tài sản địa chủ, lát được cái sân để tiện phơi thóc, phơi khoai khô. Gạch bóc lên từ sân địa chủ, hòn lành hòn vỡ, hòn cong hòn vênh, trông cái sân gạch cứ như chiếc áo vá chằng vá đụp, nhấp nhô cao thấp. Mà khiếp thật, đến cả cái sân gạch của địa chủ mà đội cải cách cũng không tha, quyết bẩy lên bằng được, đánh cho địa chủ chỉ còn hai bàn tay trắng.
Hồi bé, tôi thỉnh thoảng mò vào khu dinh cơ cũ của địa chủ chánh Ninh và người con rể là ông phán Cơ, chỉ cách nhà tôi vài trăm mét. Tàn phá tang thương, căn nhà trên 5 gian mái ngói tường gạch cột lim nền gạch hoa bị phá chỉ còn cái nền rộng mênh mông, nhà dưới 4 gian cũng nhà gạch tường xây mái ngói được giữ lại chia bôi quả thực cho mấy hộ bần cố nông bà Ngần, ông Chinh móm, ông Hâm điếc... vào ở. Vườn na vườn nhãn tan hoang, nhìn cả khu nhà càng thấy tiếc. Giá như người ta đừng phá đừng chia mà để dùng vào việc công thì tốt biết bao.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 09.07.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.