Tôi đã từng nói là không thích coi kịch, nên tôi không theo dõi kỹ phiên tòa xử vụ án “chuyến bay giải cứu” đang diễn ra ở Hà Nội. Thế nhưng, vụ án ngày nào cũng được tường thuật trên báo chí chính thống, rồi các bạn trên Facebook cũng bàn luận ì xèo, nên…
Tôi ngứa mắt, rồi đâm ra ngứa… miệng!
Một trong những điểm nhấn mang kịch tính, dẫn đến cao trào của phiên tòa này là phần tranh cãi đưa hay không đưa tiền đô la Mỹ, nhận hay không nhận tiền đô la Mỹ giữa hai cựu công an, thuộc lực lượng An ninh Điều tra. Đây là lực lượng tinh nhuệ nhất trong ngành Công an, được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng nhất.
Một người từng là Thủ trưởng cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Hà Nội, cấp hàm Thiếu tướng; một người từng là Trưởng phòng 5 - phòng Nghiệp vụ - của Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an, cấp hàm thấp nhất phải từ Thượng tá trở lên. Cả hai người đều từng là điều tra viên cao cấp.
Vì cả hai người đều từng là Công an có thâm niên nên rất rành nghiệp vụ điều tra, chuyên gia nghi ngờ, chuyên viên nghi kỵ, kỹ thuật chụp mũ, gài, né đòn gài… thuộc loại bậc thầy. Trong vụ việc đưa - nhận tiền đô la Mỹ để chạy án giữa Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và trưởng phòng 5, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (cả hai còn đang đương chức) có hai tuyến đối lập được hình thành rõ rệt: Một bên đưa, một bên nhận, mục tiêu là để chạy án.
Đối với cựu Trưởng phòng Hưng, mấu chốt của hành vi vi phạm pháp luật là có hay không việc nhận tiền để chạy án, bất kể số tiền là bao nhiêu. Đối với cựu Thiếu tướng Tuấn, mấu chốt của hành vi vi phạm pháp luật là có hay không việc đưa tiền cho Hưng để chạy án, bất kể số tiền là bao nhiêu.
Lẽ ra, số tiền đô la Mỹ mà cô Hằng đưa cho Thiếu tướng Tuấn là tiền mặt, có thể sang tay nhiều người mà không để lại bất cứ dấu vết gì nếu các bên cứ im lìm, lặng lẽ thực hiện hành vi giao nhận tiền trong bóng tối, không nhân chứng… Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà đôi bên lại sử dụng nghiệp vụ công an rất chặt chẽ với nhau, nhằm sẽ chứng minh rằng bên kia đã có hành vi đưa – nhận tiền. Thế mới nên chuyện!
Đối với trưởng phòng Hưng, hành vi nhận tiền là phạm pháp quả tang, không thể bao biện, viện dẫn bất cứ lý do gì để chối tội… Vì thế nên Hưng đã sử dụng nghiệp vụ Công an của mình để né, xóa tối đa bất cứ dấu vết nào có thể giúp cơ quan điều tra chứng minh được Hưng đã nhận tiền của Thiếu tướng Tuấn. Từ đó, những chứng cứ (nhân chứng, vật chứng) chỉ có thể chứng minh được Hưng đã nhận một cái túi xách (bên trong chứa gì không biết) hoặc va-li (bên trong chứa gì không biết) của Tuấn đưa, hoặc ai đó được Tuấn nhờ đưa.
Cũng là một công an, là một thủ trưởng cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Hà Nội, nên Tuấn thừa biết thủ đoạn né đòn của Hưng, và từ đó ra sức… chứng minh Hưng có nhận tiền của mình để chạy án. Bất cứ lúc nào Tuấn đưa tiền cho Hưng đều có nhân chứng trực tiếp (nhìn thấy, thay Tuấn đưa vật được cho là chứa tiền) hoặc gián tiếp (nói chuyện điện thoại, xác nhận gián tiếp hành vi)…
Sẽ không có ai, và không bao giờ chứng minh được số tiền Hưng đã thực nhận của Tuấn nếu có. Đồng nghĩa cũng sẽ không thể chứng minh được số tiền Tuấn khai là đã đưa cho Hưng, bởi đó là tiền mặt không được kiểm đếm, không được nhìn thấy, chỉ được khai khống, hình dung qua lời nói.
Nếu muốn lập luận rằng Hưng đã nhận tiền của Tuấn để chạy án cho ban giám đốc Công ty Bầu trời xanh thì chỉ còn có một cách là: Tuấn nhận tội đưa hối lộ cho Hưng. Cung cấp những bằng chứng, chứng minh Hưng và Tuấn đã có những giao dịch liên tiếp, dồn dập, bất thường trong khoảng thời gian Hưng làm điều tra viên chính của vụ án, trong thời gian vụ án đang được điều tra. Và những cuộc gặp gỡ - cũng bất thường - với bị can trong vụ việc. Tuấn đã làm điều này, trong judo gọi là đòn... Hy sinh!
Tuấn và Hưng đã tố nhau phạm pháp như kẻ thù, sử dụng nghiệp vụ để phản đòn nhau quyết liệt trước tòa. Thậm chí, Tuấn đã sử dụng luôn đòn tâm lý - mà chúng ta thường gọi là dân vận - để kêu gọi, xoay chuyển... lương tâm của Hưng. Hưng thì tìm mọi cách đổ tội cho Tuấn, chụp mũ, tạo nghi vấn Tuấn đã một mình ẵm trọn số tiền của Công ty Bầu trời xanh được Hằng đưa cho để chạy án.
Điểm yếu của Tuấn: Đã bị Hằng chứng minh là đã nhận tiền của Hằng. Không thể gài Hưng vào thế nhận tiền có kiểm đếm, lưu giữ được bằng chứng trực tiếp vì đó là tiền bẩn, việc chứng minh giao - nhận chỉ có thể vì một mục đích là ám hại nhau. Trong trường hợp, tình huống Tuấn đang nhờ vả Hưng thì không thể làm điều này. Chỉ có thể tìm chứng cứ gián tiếp qua người chứng, hình ảnh gây nghi vấn về hành vi và động cơ.
Sơ hở của Hưng: Đã có hành vi nhận những túi xách, va-li do Tuấn hoặc người của Tuấn đưa. Tiếp xúc, giao dịch bất thường với Tuấn và bị can trong thời gian án đang điều tra, tạo nghi vấn về động cơ của những hành vi này.
Tôi sẽ không tìm cách phân tích ai đúng, ai sai, ai phạm tội, ai không… trong vụ việc đưa - nhận hối lộ giữa bộ ba Hằng - Tuấn - Hưng để chạy án. Vấn đề tôi quan tâm, thắc mắc là: Tại sao giữa Hằng với Tuấn, nhận nhau là anh em kết nghĩa, tình thương mến thương, mà lúc đưa tiền cho nhau để làm việc phi pháp, cũng tìm cách chứng minh là hành vi đã diễn ra theo cách này hay cách khác (Tuấn đã thừa nhận hành vi này) ? Tình cảm anh em, thương người, thương nhau gì mà... nguy hiểm, đầy cạm bẫy, ngờ vực nhau vậy?
Còn giữa Tuấn với Hưng, hai bên đã tung đòn nghiệp vụ ra, gài nhau ngay từ đầu để nắm lợi thế, để nhằm chứng minh rằng bên kia đã thực hiện hành vi phạm pháp. Dù thừa biết nếu hành vi vi phạm pháp luật này bị lộ thì có nghĩa là thân bại danh liệt, tán gia bại sản, "tàn đời trong ngõ hẹp" cho những người trong cuộc. Logic động thái này của Tuấn và Hưng chỉ có một: Hai bên đã chuẩn bị tìm mọi cách nắm thóp của nhau, đề phòng bất trắc, lật lọng. Tức là luôn sẵn sàng tư thế để "giết" nhau, xem nhau là đối thủ tiềm năng, dù ngoài mặt vẫn xưng hô anh em, hợp tác, đồng mưu, đồng vụ, đồng bọn.
Tuấn và Hưng, ngoài là đồng nghiệp còn là đồng môn (học cùng trường), đồng đội và đồng chí với nhau!
Vậy mà…
HỮU PHÚ 24.07.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.