jeudi 6 juillet 2023

Nguyễn Thông - Chuyện đồng hồ (1)

Trong những thứ “vật bất ly thân” của một thời, chiếc đồng hồ đeo tay được coi là món sang trọng và trị giá nhất. Mấy thứ còn lại gồm kính, bút, đèn pin.

Ông em rể tôi có thói quen chỉn chu cẩn thận, trước lúc xuất hành đi đâu, hoặc trước khi từ chỗ nào đó trở về, lại nhắc toáng lên “nhớ kiểm tra đèn pin kính bút đồng hồ xem để quên cái gì không”. Vài năm trở lại đây thì lão ý đã bắt kịp thời đại, không nhắc đèn pin kính bút nữa mà đảo mắt ngó nghiêng rồi hô nhớ đừng quên điện thoại và cục sạc nhá.

Bây giờ chả mấy ai khoe đồng hồ dù có những cái xịn giá lên tới mấy trăm nghìn đô Mỹ, quy ra tiền xứ ta phải vài chục tỉ bạc. Hẩm hiu bởi nó đã hết thời, trừ một vài thương hiệu cực xịn, người ta sắm hoặc đeo do thừa tiền, cốt để khoe của, trưởng giả học làm sang.

Đồng hồ chủ yếu chỉ để coi giờ giấc, nhất là ở cái thời con người còn nhờ vào bóng nắng, tiếng gà gáy, tiếng tút tút trên đài phát thanh, thậm chí cả hoa (hoa đồng hồ, hoa mười giờ) để biết thời gian, thì nó là soái ca. Những người đeo đồng hồ ngày ấy, oai phong chả khác gì đại gia thời nay diện xe ô tô Mercedes C500, Toyota Avalon hoặc Lexus 570.

Nhưng cái gì cũng có hồi, khó tránh khỏi bị rẻ rúng, thất sủng. Người còn bị vứt vào sọt rác nữa là đồng hồ. Bây giờ trong mỗi chiếc điện thoại di động đều hiện đủ cả giây phút giờ ngày tháng, thậm chí ngày âm ngày dương, nạp sẵn lịch cho vài trăm năm, vậy thì sắm đồng hồ làm quái gì, chỉ tổ vướng víu. Các hãng sản xuất đồng hồ, dù nổi tiếng như ở Thụy Sĩ đi chăng nữa, cũng sẽ chết, cũng như đám sản xuất phim ảnh, giấy ảnh, máy ảnh Kodak, Fuji, Orwo, Minolta… bị ngỏm củ tỏi bởi không đọ nổi máy ảnh kỹ thuật số vậy.

Lại nhớ thời còn bé, những năm 60 - 70 ở miền Bắc, đồng hồ là của hiếm. Thực ra chỉ hiếm sau năm 1954, tức là sau khi chính quyền mới tiếp thu miền Bắc. Đuổi được Pháp thì họ cũng đồng thời đuổi luôn những tiện nghi, vật dụng của bọn “đế quốc sài lang”. Ô tô, xe đạp, quạt máy, lụa là vải vóc… chứ chả riêng gì đồng hồ, dính với thực dân phong kiến, với lối sống hưởng lạc, cứ là dẹp cho bằng hết. Ta độc lập tự chủ, tự ta làm lấy mọi thứ, không có thì tạm nhịn, 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa. Ấy là nói với dân thôi, chứ cán bộ đã có hàng hóa Liên Xô, Trung Quốc viện trợ.

Cả làng Trà, tới khi tôi lên 10 tuổi, tức là lúc Mỹ bắt đầu đánh phá, thú thực tôi chả thấy ai đeo đồng hồ. Hồi bé tôi hư, xấu tính lắm, hay tò mò quan sát, ghen tị với người có của. Cán bộ xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) như ông Sơn bí thư, ông Hoạt phó bí thư, ông Mạo chủ tịch, ông Quyền, ông Ngọa phó chủ tịch… cũng không thấy ai có đồng hồ, bởi nếu có thì phải đeo trên tay, vừa xem giờ, vừa để khoe. Tôi thường ra trụ sở ủy ban mượn báo về cho thày tôi đọc, gặp các ông ấy hằng ngày, nhớ là như thế. Tự dưng cảm thấy mên mến các ông, bởi họ cũng hơi... nghèo.

Về sau, khi Liên Xô viện trợ hàng hóa, cán bộ xã được phân phối đồng hồ Slava, Raketa, vị nào chức to hơn thì được mua đồng hồ Poljot. Nếu cán bộ huyện trở lên tiêu chuẩn mua loại Pôn giốt (thời đó phiên âm vậy) mạ vàng, trông sang và đẹp, còn thì mạ trắng. Tất cả đều loại 17 chân kính, lên giây cót bằng cái núm thò hẳn ra ngoài, lên căng hết mức cũng chỉ chạy được một ngày, tối nào quên lên giây sáng mai nó chết ngỏm.

(Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 06.07.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.