Cái chết vật lý là quy luật tự nhiên của con người. Người Việt có câu châm ngôn: “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Tin về cái chết của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không khiến dư luận quan tâm, nói đúng hơn là lạnh nhạt. Nếu so với hơn nửa thế kỷ không ngừng dậy sóng quan tâm đến ông, do sự kiện ông có liên quan đến vụ thảm sát đồng bào vô tội ở Huế năm Mậu Thân 1968.
Tội ác không có cái chết vật lý, bởi vì trớ trêu thay người làm việc ác ở một tầm mức thảm sát hàng loạt thì cũng luôn có chỗ trong lịch sử dân tộc.
Không phải đến khi biết tin về cái chết của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, dư luận mới bắt đầu tranh luận về việc ông đồng ý cho công bố bức thư với ý chính là ”xin lỗi” về việc ông có liên quan đến vụ thảm sát năm Mậu Thân.
Từ toàn cảnh nhận thức, chuyện có hay không có bức thư cũng không thay đổi được sự liên quan của ông, nếu trông chờ ý nghĩa về sự tha thứ của những linh hồn người vô tội bị thảm sát hoặc người thân còn tại thế của họ, thì lại càng không thể làm lành những tang thương; và ngay cả lịch sử cũng không thể đại diện mà chấp nhận lời xin lỗi.
Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những trí thức thủ lĩnh của phong trào tả khuynh ồn ào của giới trẻ dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Thời hậu chiến tranh Việt Nam, lúc ông trả lời phỏng vấn trong loạt phim Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình, thái độ quyết liệt đến máu lạnh khi nhắc về thảm sát ở Huế của ông, đã đưa ông vượt hẳn lên và nổi danh khắp thế giới so các thủ lĩnh cực tả khác ở Việt Nam.
Hàng chục năm sau loạt phỏng vấn đó, đồng chí-thân hữu công bố bức thư “xin lỗi”, Trong lá thư xin lỗi năm 2018, ông viết rằng mình đã nói dối khi trả lời một nhà báo Mỹ về sự kiện lạm sát Tết Mậu Thân 1968, rằng ông là người ngoại cuộc, ko có mặt ở Huế thời điểm đó nhưng tự nhận vơ rằng mình có mặt…Thú nhận nói dối để sau đó thú tội vốn thuộc về nhân tính căn cơ của con người, còn tự nhận nói dối để hoàn chỉnh sự dối trá lại là chuyện xây cao thêm nấm mồ dối trá.
Nhưng có vẻ việc thú nhận này đã thành công khi mà dư luận dễ tính, ba phải, cùng phe cho đó là đủ để tha thứ, nhưng ai cho họ cái quyền đó? Tiếp đến là các “trí thức” đỏ lại lồng ghép ăn theo đạo lý của người Việt: nghĩa tử là nghĩa tận, rồi cho mình cái quyền xác nhận ông “thầy giáo” Hoàng Phủ Ngọc Tường không liên quan gì đến sự kiện thảm sát năm Mậu Thân ở Huế.
Trong những người đang tiễn biệt ông Hoàng Phủ Ngọc Tường có đồng chí-thân hữu của ông; hào quang các trào lưu khuynh tả, cực tả một thời đạt đỉnh ở Việt Nam đang lụi tàn, và đang phơi bày bộ mặt thật chuyên chế. Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chọn phe và chọn thành đảng viên cộng sản. Người khác phe với ông nên tôn trọng điều đó và cũng nên tự biết rằng: có khi phe ông phục vụ chỉ coi vụ lạm sát người dân vô tội ở Huế năm Mậu Thân, và cả việc ông có liên quan đến sự kiện lạm sát lịch sử này, với họ, một trong những tội ác khó tránh khỏi và để mình ông gánh chịu trách nhiệm.
Thế hệ người Việt hôm nay coi lời “xin lỗi” của ông cũng là lời “xin lỗi” muộn màng của cả một thế hệ sinh viên-trí thức miền Nam cực tả. Nếu trong số những thủ lĩnh chống nền Cộng Hòa miền Nam non trẻ cảm thấy có tội, có lỗi…chỉ mong đó là nỗi đau trước thảm cảnh cả dân tộc hôm nay và tương lai.
TRẦN TIẾN DŨNG 26.07.2023
Ghi chú: Ảnh đăng để minh họa, nguồn từ báo nước ngoài về sự việc lạm sát dân vô tội ở Huế, Mậu Thân (1968).
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.