Hôm nay, cả nhà lại có dịp vào Trung tâm thương mại Sapa để ăn trưa và để…hớt tóc.
Chuyện ăn trưa thì có lẽ chẳng có gì để bàn. Cả nhà ăn bún bò Huế và bún ốc. Mùi thơm đặc trưng của món bún bò xứ Huế thơm phảng phất từ ngoài xa. Đậm đà và khá chất lượng cho một tô bún nơi xứ người.
Rời nhà hàng, cả nhà đi tìm chỗ hớt tóc. Nếu như hai vợ chồng không ngại đưa đầu cho người Việt tại Sapa hớt thì ba đứa nhỏ nhất quyết không chịu, vì tụi nó lo không biết người mình cắt tóc ra sao.
Vào tiệm, anh chủ vui vẻ chào cả nhà và khi người viết nói anh cắt tóc cho vợ tôi. Anh ta tròn mắt hỏi đây là vợ…của bác à?
- Mà sao chị nhà trẻ thế bác?
- Thế đây là các con của bác à?
- Ừ chúng là con của chúng tôi.
- Mà đây là “tập 1” hay “tập 2” vậy bác?
- Tập 1 thôi!
Sau khi xã giao, vợ vào gội đầu để hớt tóc. Tôi bảo đứa con trai lớn vào hớt luôn. Nó ngần ngại, lắc đầu, bảo thôi. Nhưng tôi nói, con cứ hớt, ba cũng hớt luôn. Thế là nó đồng ý.
Cháu trai hớt cho nó hỏi nó muốn hớt như thế nào. Nó bảo hớt ngắn, thế này, thế này… Anh chủ tiệm đến, nhìn thằng con trai, rồi bảo cháu học thợ: Cứ hớt như…thường lệ !!!
Thế là cậu bé học nghề đè đầu thằng con trai ra hớt như…thường lệ. Con trai nghĩ thầm: Thường lệ là sao, vì đây là lần đầu nó hớt ở Sapa mà!
Tôi cũng ngồi vào để hớt. May mắn là chính anh chủ cầm kéo hớt cho tôi. Anh hỏi bác muốn kiểu nào? Tôi thì giản đơn lắm, anh hớt ngắn cho tôi, nhất là hai bên mang tai. Thế là anh ta hớt và chỉ sau 10 phút là xong. Một cháu gái học nghề đến, cầm đồ để cạo chút tóc. Thế là xong!
À, trong khi hớt, anh không quên hỏi tôi, đại loại bác đến từ đâu, bác kinh doanh gì bên đó… Rồi anh nhìn sang phía vợ tôi và hỏi chị nhà làm gì bên ấy?
Tôi bảo thằng út 5 tuổi ngồi cho các anh hớt. Nó nhíu mắt bảo nếu chị nó cắt tóc thì nó mới chịu hớt! Thế là con gái cũng bị hai vợ chồng động viên ngồi hớt tóc. Nó kiên quyết không chịu. Vợ phải nói nhiều lần nó mới vào ngồi nhưng lại muốn hớt cực kỳ ngắn. Anh chủ bảo nó, cháu hớt ngắn thế này hay thế kia thì chú cũng lấy cùng giá tiền, vậy cháu hớt dài hơn nhé.
Tôi ngồi ngoài quan sát vợ và ba đứa con hớt tóc. Các cháu thợ thay nhau hớt cho hai thằng con trai. Tổng cộng ba cháu. Mỗi cháu một công đoạn rõ ràng. Vợ và con gái thì có hai cháu học nghề, và sau cùng là anh chủ hớt chính. Anh múa tay, cầm kéo và lược rất điệu nghệ, nhìn thú vị lắm. Vài ba lần anh làm lẹ nên lược và kẹp bị rớt xuống đất. Anh nhặt lên và…hớt tiếp cho vợ và con gái!
Cái nền nhà thì đầy tóc và tóc. Tôi bật cười…
Tất cả trong tiếng nhạc trẻ Việt trong nước. Trên màn hình, các ca sĩ Việt Nam xinh đẹp, ăn mặt thời trang, đang ca hát giữa các cô gái đang nhảy múa, như trong các clip của ca sĩ Hàn Quốc hay Hồng Kông.
Và giữa tiếng ồn rất đặc trưng của các cháu thợ. Vừa hớt, vừa trò chuyện lớn tiếng, cười vui vẻ, như thể không có khách hàng. Chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện tình, tất cả đều được kể một cách chi tiết và vui vẻ, thậm chí hóm hỉnh.
Thằng con trai lớn thì bị ba anh thay nhau hớt. Anh chủ chỉnh sau cùng. Tính ra, thời gian nó hớt còn lâu hơn cả mẹ nó! Ngồi ngoài, tôi hỏi con gái bộ anh con chọn kiểu tóc phức tạp hay sao mà lâu vậy? Con gái lắc đầu bảo đó không phải là cái kiểu anh nó muốn!
Trong khi con trai còn hớt, có một cậu thanh niên người Czech vào tiệm. Sau khi đã ngồi, các cháu hỏi cậu kia hớt kiểu nào. Anh chàng khách bảo hớt thế này, thế kia, thế nọ … giải thích tùm lum. Cháu học nghề cứ vuốt tóc khách, gật đầu, ra vẻ đồng ý. Anh chủ bước đến chỗ cậu khách người Czech, ngắm đầu cậu ta và ra mệnh lệnh: Cứ hớt như…thường lệ nhé!
Thằng con trai đang ngồi hớt bên cạnh giật mình. Tôi cũng thế. “Như thường lệ “ là sao?
Con trai tôi kể, cậu khách người Czech buồn hiu khi bị cắt hoàn toàn không theo ý cậu!
Con trai út cũng hớt xong. Một thằng bé 5 tuổi nhưng hai cháu học nghề hớt. Anh chủ đến xem lại rồi xong. Thằng lớn sau cùng cũng được hớt xong. Mẹ nó, ngồi chờ cũng cả 10 phút.
Trả tiền vui vẻ, chúng tôi chia tay anh chủ tiệm và bốn cháu học nghề. Ra ngoài, vợ bảo đây là lần đầu tiên cả nhà cùng đi hớt tóc.
Con trai kể là ai vào hớt, ông chủ cũng phán “Hớt như thường lệ”. Nó nói hiểu vì sao khi nó quan sát các hình model treo trong tiệm: Tất cả cùng một kiểu…tóc! Thậm chí cả ba cháu trai học nghề cũng có cùng một kiểu…tóc. Nhìn thằng em út 5 tuổi, nó nói: “Ba mẹ không thấy em nó cũng cùng kiểu như con sao?”
Đi một chập, chúng tôi quan sát bọn trẻ 5, 6 tuổi trong khu Sapa, chúng cũng có cùng kiểu tóc như thằng út nhà tôi!
Anh trai và chị gái cứ chọc thằng em: Kìa, thằng bé kia cũng có cùng cái kiểu tóc như em!
Con trai nói, trong tiệm đó, họ chỉ tập hớt một kiểu tóc thôi. Các cháu thợ học nghề cứ thế mà múa kéo mà tập hớt. Ai vào cũng thế, từ Tây hay ta, dẫu có giải thích hay muốn kiểu này, kiểu nọ. Kết quả vẫn cứ là:
- Cứ hớt như thường lệ nhé!
Sau một ngày đi chơi mệt nhọc, chúng tôi quây quần bên bữa cơm tối tại nhà, giữa lòng thủ đô Praha xinh đẹp, bọn trẻ nhắc lại chuyện hớt tóc tại Sapa, chúng cười ra nước mắt với câu “Cứ hớt như thường lệ” của ông chủ tiệm. Hai anh em chúng cứ so hai cái đầu: Em giống anh, anh giống em…
Một trải nghiệm thú vị khi hớt tóc nơi xứ lạ bởi những người đồng hương ở xa lắc, xa lơ, cứ đè đầu khách ra mà hớt, ý kiến, ý cò của khách chỉ cho có mà thôi.
Vợ và tôi thì đã hình dung và chấp nhận những rủi ro, nếu có, khi đi hớt tóc. Bọn nhỏ, ngạc nhiên thay, chúng vui vẻ chấp nhận những sự rủi ro ấy, và cả kết quả không như ý lắm. Chúng đồng cảm và thông cảm với công việc của những người Việt tại đây.
Một chi tiết nhỏ, vợ cắt tóc tại Sapa, rẻ gấp 3 đến 4 lần khi cắt tại Thụy Sĩ! Và cả nhà hớt vẫn không bằng giá vợ phải trả tại Thụy Sĩ mà kết quả thì cũng không có gì để phàn nàn!
Thế thì còn muốn gì nữa…
LÂM BÌNH DUY NHIÊN, Praha, 20/07/2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.