(Vanviet 27/07/2023) Trong số thư từ viết tay của bạn bè, tôi còn giữ một bức thư của anh Tường, viết ngày 30/10/1991, từ Huế, nhờ tôi lấy giấy phép và lo việc in ấn cho tập thơ Người hái phù dung của anh.
Tuy nhiên, thông tin quan trọng nhất mà tôi nhận được, lại nằm ở những dòng chữ sau: “Ôi một thời để yêu một thời để chết, cái thằng Tường tín đồ mù quáng của giáo hội”, “Mình bao giờ cũng thế, tìm một niềm tin, sống hết cho niềm tin của mình, hành động và cực đoan, và như số phận dành cho những típ kiểu mình, là khổ đau suốt đời”.
Ở một chỗ khác, anh Tường thừa nhận: “Mình mang đầy máu hồng vệ binh từ trong rừng ra”.
Đọc lại bức thư ngắn ngủi này, lòng tôi nhói lên nỗi đau, niềm tiếc thương một thân phận tài hoa mà nhọc nhằn, cơ khổ trên đường đời:
Vẽ tôi một nửa mặt người
Nửa kia mê muội của thời hoang sơ
Vẽ tôi nghe tiếng mơ hồ
Bàn tay em vỗ bên bờ hư không
Vẽ tôi một đóa bông hồng
Tàn phai từ bữa em cầm trên tay
Vẽ tôi một nét môi cười
Một dòng nước mắt – một đời phù du
(Vẽ tôi/ Người hái phù dung)
Anh Tường ơi, xin anh coi những dòng này là “nắm đất ủ hơi bàn tay bạn bè/ sẽ gửi theo anh” (Nói với bóng mình trên vách / Người hái phù dung).
Sài Gòn 26/07/2023.
Ý NHI
Huế, 30.10.91
Ý Nhi thân mến, yêu mến, dễ ghét và dễ thương của tôi ơi,
Lâu ngày khi không biệt tích Ý Nhi. Không biết đã đi Mỹ chưa, nghe nói về Vũng Tàu với thằng cha mô đó.
Nhớ năm 1973, lần đầu gặp Ý Nhi và Bích Tiên, Ý Nhi nói: “Chủ nghĩa xã hội sẽ sụp đổ vào cuối thế kỷ này”*. Mình nhớ đúng lời đó. Khi ấy mình cười khẩy, vì mình mang đầy máu hồng vệ binh từ trong rừng ra. Bây giờ quả nhiên, thấy cái “ngoại cảm” của Ý Nhi thật là ghê gớm. Mình phục sát đất cái tầm nhìn xa của Ý Nhi, có lẽ minh triết nhất trong lịch sử Việt Nam – cái mà Kissinger cũng không dám tiên đoán vào thời điểm Việt Nam lúc đó. Không biết Ý Nhi còn nhớ không. Ôi một thời để yêu và một thời để chết, cái thằng Tường tín đồ mù quáng của giáo hội.
Mình bao giờ cũng thế, tìm một niềm tin, sống hết cho niềm tin của mình, hành động và cực đoan, và như số phận dành cho những tip kiểu mình, là khổ đau suốt đời.
Mình có 1 triệu đồng, do một chị Việt kiều nào ở Pháp tìm mua một cuốn “Ai đặt tên cho dòng sông” theo giá sách cũ, bạn bè tìm đâu đó bán giúp và đưa lại cho mình (Mình không gặp và không biết tên người mua).
Từ đó mình định in tập thơ “Ngày đi hái phù dung” này. Cái đề tên sách này có ổn không? Hay là Người hái hoa phù dung hay là một cái tên gì đó nhờ Ý Nhi sáng kiến hộ mình nhé. Gửi bản thảo cho Ý Nhi – Ý Nhi xem, biên tập (nên bỏ bớt bài nào) và chạy cho mình một giấy phép xuất bản của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Xong, tính toán hộ mình xem còn phải thiếu bao nhiêu tiền (ước lượng). Tìm giúp một họa sĩ vẽ bìa đẹp và đừng sến. Thiếu bao nhiêu mình sẽ chạy thêm, hy vọng bán ra thì thu lại được tiền. Tác giả tự in, tự phát hành – chỉ nhờ măng sét và cái tên biên tập của Ý Nhi. Có thể in ở Huế để chấm mo rat cho kỹ. Ý Nhi hãy lo cho tập thơ của mình, giống như cái “Ngôi sao…” của mình thời ấu trĩ. Nói chung là như người chị lo cho em, người mẹ lo cho con, người tiên lo cho Lưu Nguyễn. Cảm ơn suốt đời. Nhớ ơn kết cỏ ngậm vành.
CV** sẽ phỏng vấn Ý Nhi trong Sự kiện và Đối thoại. Mong được nhận lời, và trả lời đúng bản lĩnh của Ý Nhi.
Mình gửi lời thăm Phạm Ngọc Liên – Từ trước tới nay chưa thấy mặt mà sao ăn ngủ không yên – không biết mình có gì sai lầm mà nàng lánh xa mình đến thế.
Thân mến
Tường.
+ Gửi cho CV một trang thơ và một ảnh đẹp. Mình đã có một ảnh Ý Nhi ở Tuổi trẻ, đẹp mê hồn nhưng thích ảnh mới.
————————————————————
Chú thích của Ý Nhi:
*Thực ra, khi nói chuyện với anh Tường, tôi chỉ nhắc lại nhận định của một nhà khoa học Liên Xô. Vì đang thích thú với nhận định này nên tôi “truyền bá” cho người khác thôi.
** CV: Tạp chí Cửa Việt. Hoàng Phủ Ngọc Tường là Tổng biên tập của tờ tạp chí này. Vào giữa lúc phong trào đổi mới bị phê phán, vùi dập, Cửa Việt đứng trước lời đe dọa “đóng cửa” và số báo nào cũng có thể là số báo cuối cùng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.