lundi 24 juillet 2023

Lê Quý Hiền - Kịch bản "Chiếc va li"

 

Vừa đi trại sáng tác kịch bản của Bộ Công an. Theo dõi phiên tòa đại án “Chuyến bay giải cứu”, nhà cháu thấy chi tiết “trong va li có tiền hay rượu” là tình huống rất hấp dẫn, chứa đầy kịch tính bất ngờ nhưng sẽ rất khó cho tác giả và đạo diễn.

Khán giả xem có cảm giác chuyện chạy án là có thật, khi nhân vật Hằng và Tuấn đều công nhận nhờ Hưng cho bên hối lộ không bị khởi tố.

Chạy án cũng là một loại dịch vụ nên cả hai ông Hưng và Tuấn đều có ăn, nếu không, bận trăm công nghìn việc, Tuấn nhiệt tình giúp Hằng làm gì. Và Hưng cũng năng liên lạc, đến gặp Tuấn và Hằng làm gì.

Kịch có “sự biến” khi Hưng đang là đại tá trưởng phòng 5, thụ lý vụ án chuyển sang đơn vị khác. Và chiếc va li xuất hiện làm thay đổi hành động kịch của các nhân vật.

Vụ án nào cũng có chuyện “tình ngay lý gian” hoặc “tình gian lý ngay”. Thế nên mới có chuyện “suy đoán có tội”, “suy đoán vô tội” và “trọng chứng hơn trọng cung”.

“Trọng chứng hơn trọng cung” là điều hoàn toàn đúng đắn nhưng khổ nỗi, trong nhiểu vở kịch khác, dân thường không được áp dụng điều này (nên có oan sai). Nay ở vở diễn này, người có chức quyền được áp dụng, e là khán giả bất bình nên phải áp dụng phương pháp “suy luận có tội”.

Cái khó của tác giả, đạo diễn là ở việc giải quyết mâu thuẫn này. Nhân vật Hưng lại quá siêu về lý luận, luật pháp và nghiệp vụ. Hơi trách nhân vật buộc tội có lời thoại chưa chuẩn như “gian xảo”, "tráo trở" v.v… Bởi tòa chưa tuyên thì bị cáo coi như chưa có tội, họ được tự bào chữa, kể cả chối tội. Ngôn ngữ ở chốn pháp đình và ngôn ngữ lúc bàn bạc với nhau là hoàn toàn khác. Vấn đề là bằng chứng để tâm phục khẩu phục.

Bằng chứng ở vụ này không phải là ghi âm ghi hình chuyện tiền trong va li hay thực nghiệm 4 chai rượu có để được trong va li giống va li nhân vật đã cầm trên tay không. Kịch bản sẽ tìm bằng chứng ở LÝ DO tiền hay rượu nằm trong va li cơ. Hành động kịch sẽ theo các hướng :

A - Tuấn không biết Hưng đã chuyển công tác nên vẫn cho tiền vào va li để chuyển cho Hưng. Và Hưng là kẻ lừa đảo - dù cố tình lừa Tuấn, hoặc Hưng nhận tiền để thực hiện tiếp “dịch vụ” (khi còn ở P5) nhưng chạy không được vì Ban chuyên án quá nghiêm minh.

B - Vụ chạy án thất bại. Tiền đưa lúc đầu không lấy lại được. Tuấn vờ tin Hưng chưa chuyển sang đơn vị khác,hoặc vờ tin Hưng tác động được ban chuyên án nên tiếp tục đưa “tiền” bằng 4 chai rượu, giao va li tại trước cổng cơ quan Hưng vốn đầy camera để xơi ngon số tiền Hằng đưa. (Hằng đưa tiền cho Tuấn để chuyển cho Hưng là có thật, nhưng Tuấn có cho vào cặp không hay thay bằng rượu lại là chuyện chỉ Tuấn biết. Phải chăng Hưng khóc tại tòa vì uất bị Tuấn lừa, tưởng nhận tiền mà là rượu để rồi bị Viện Kiểm sát cho là nhận tiền ?

Hai nhân vật Hưng và Tuấn đều cao thủ, chuẩn bị sự vô can cho mình. Hưng duy lý, nghĩ nhận tiền trong va li nhưng không có bằng chứng cái gì trong va li. Tuấn chuẩn bị theo hướng duy tình, chứng minh không ai tặng rượu cho vào va li.

C - Tác giả và đạo diễn cho Hưng thắng ở màn 1 nhưng thua ở màn sau khi ông vi phạm luật tố tụng, gặp đương sự ở nhà riêng và chấp nhận tố cáo của Hưng về Tuấn tại Tòa, để mở ra màn kịch tiếp theo.

Chuyện vụ án để Tòa xử. Đây chỉ là từ vụ án nghĩ đến kịch bản muốn trao đổi với các đồng nghiệp sân khấu thôi nhá !

LÊ QUÝ HIỀN 23.07.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.