vendredi 28 juillet 2023

Tuệ Lãng - Một nghiệp mệnh văn chương : Hoàng Phủ Ngọc Tường

 

Trên bức tường văn chương chữ Quốc ngữ, chắc chắn Hoàng Phủ Ngọc Tường có một vị trí xứng đáng trong thể loại ký văn học. Điều này là chắc chắn trong lịch sử văn học xứ Việt cho đến nay.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một văn tài, kiến văn và khả năng diễn đạt vừa tinh tế vừa khúc chiết giúp ông có những trang văn ấn tượng và đáng nhớ với bạn đọc yêu ngôn từ và văn học.

Tôi đã đọc cả ngàn trang của ông cũng như các tác giả viết về ông, song chưa thấy ai nhận ra điều này: Hoàng Phủ Ngọc Tường viết hay nhất về khoảng ngập ngừng. Ngập ngừng giữa tình yêu và tình vợ chồng, giữa hoa hồng và cây súng, ngập ngừng của dòng sông Hương rời núi cao để chảy về đồng bằng, ngập ngừng trong cách thế chọn lựa của Nguyễn Trãi giữa nhập thế và xuất thế…

Có thể đấy là chủ ý suy tư của ông, nhưng cũng có thể là sự chọn lựa mang tính nghiệp mệnh của ông, người đứng giữa những lằn ranh trong chiến tranh, giữa tư tưởng cộng sản và tinh thần quốc gia.

Và chính trong khoảng giữa của những ngập ngừng ấy, ông đã đóng đinh cho số phận của mình bằng con đường gia nhập vào hội đoàn cộng sản, nhảy núi, về thành và tham gia chính sự một cách chủ ý.

Như bao nhiêu nạn nhân của lịch sử xứ sở này, văn tài này đã là sống trong giằng xé, phân rã của một lịch sử chiến tranh cuồng nộ, bạo lực và chuyên chế dai dẳng giữa cao trào dân chủ tự do và làn sóng đỏ cộng sản đang càn quyét từ phương Bắc xuống. Ta không rõ ông ta đã chọn lựa phương cách đó để thực hiện cho mục tiêu sống hay xác định đó thực sự là “lý tưởng” của đời mình. Nhưng ông ta đã dấn thân miệt mài từ trước cho đến sau ngày giải phóng, tham gia vào vụ Huế Mậu Thân 1968 và “được mất” cả nửa cuối đời từ đây.

Tự tuyên công trước thế quyền về thành tích xuống núi trong vụ thảm sát tàn khốc Tết Mậu Thân ở Huế, ông Tường đã nhận lấy khẩu nghiệp cho chính ông. Ta không rõ có những sự thực nào trong câu chuyện liên quan đến những con người hai bên này, nhưng việc ông tham gia vào mạng lưới chính trị và cuộc chiến tàn bạo phi nhân này, ông phải chịu trách nhiệm chung với bộ máy chính trị này. Cho dù ông u mê một cách thơ ngây, hoặc dấn thân khờ khạo, một trí thức chân chính cần biết rõ ngọn cờ của linh hồn mình…

Chính quyền không bạch hóa, những chủ nhân lại ậm ờ đục nước béo cò, sử quan “cái quan định luận” sai lầm của Hán sử khiến sinh thời, mọi thứ đứng yên, đóng băng trong im lặng. Sự thật vì thế chỉ có một nửa mập mờ, thứ mập mờ khiến ông Tường sống chết trong sự phỉ nhổ của người đời và sẽ mãi mãi như vậy? Đó là sự thọ nghiệp của một nhân cách đã chọn lựa một cách sai lầm trong hành động của mình.

Giờ ông không còn nữa. Ta tin rằng con người có linh hồn, không biết linh hồn này sẽ đi vào dạ cảnh nào. Hay lại tiếp tục vất vưởng tìm đường trong cái oi nồng cuối ngày, và phải nghe râm ran vô số lời xỉ vả của cả những oan hồn lẫn người trần vây quanh?

TUỆ LÃNG 26.07.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.