Đăng ngày:
Trang nhất Libération hôm nay đăng ảnh tổng thống Mỹ với dòng tựa « Joe Biden thiên tả và khôn khéo », Le Monde nói về « Biden gây dấu ấn như thế nào ». Hồ sơ La Croix dành cho « Đền thờ Hồi giáo gây tranh cãi » ở Strasbourg, trong khi nhật báo kinh tế Les Echos phân tích về những trở ngại cho việc phục hồi của các doanh nghiệp. Le Figaro chạy tựa « Người dân Anh đồng lòng tưởng nhớ đến hoàng thân Philip ». Chủ đề này được các báo Pháp dành cho nhiều đất ở các trang trong, dù đã có nhiều bài vở vào cuối tuần trước.
Tất cả các khẩu đại bác của nước Anh chào vĩnh biệt hoàng thân Philip
Le Figaro hôm nay dành hai trang báo và bài xã luận cho sự kiện, Le Monde nói về « Philip, công tước Edimbourg » mà theo La Croix là « một ông hoàng độc lập ». Le Figaro cho biết các hoạt động vinh danh ông diễn ra suốt cuối tuần qua. Hôm thứ Bảy 10/04, tất cả các khẩu đại bác của vương quốc Anh, dù ở đất liền hay trên chiến hạm, từ Edimbourg đến eo biển Gibraltar, đều tưởng niệm vị cựu sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh bằng 41 phát đạn. Mặc cho chính phủ kêu gọi không nên đặt hoa trước hàng rào điện Buckingham, hàng ngàn người Anh vẫn muốn chào vĩnh biệt con người cả đời đã tận tụy với nữ hoàng và vương triều, sau khi đã chiến đấu cho Anh quốc trong Đệ nhị Thế chiến.
Báo chí Anh hiếm khi nào tỏ ra đồng tâm nhất trí như vậy, nhất loạt đưa công tước Edimbourg lên trang nhất. « Đau buồn sâu sắc », « Vĩnh biệt hòn đá tảng của hoàng gia », « Tất cả chúng tôi đều cùng khóc với bà, thưa nữ hoàng », « Tạm biệt người yêu dấu »… Daily Mail dành đến 144 trang cho sự kiện này. Trước sự trân trọng ấy, một số nhà bình luận tự hỏi, còn có thể làm hơn thế nữa hay không, một khi nữ hoàng băng hà.
Hoàng thân Philip ra đi khi còn hai tháng nữa là tròn 100 tuổi, khi người dân Anh chuẩn bị mừng được giải tỏa, các nhà hàng, tiệm buôn chuẩn bị mở cửa lại đón khách. Ai có thể tin được điện Buckingham và lâu đài Windsor buộc lòng phải đóng cửa để tránh có quá nhiều người vô danh đến đặt hoa tưởng niệm ông, các đảng chính trị Scotland tạm ngưng chiến dịch tranh cử, bạo lực ở Bắc Ireland tạm dừng lại ? Xúc động càng tăng khi nữ hoàng vào lúc sắp đến sinh nhật thứ 95, bị mất đi người chồng suốt 73 năm qua luôn là một nửa của bà. Từ nay nữ hoàng Elizabeth vô cùng cô đơn trong vương quốc của mình.
Cuộc đời như tiểu thuyết
Le Figaro nhắc lại, bản thân cuộc đời hoàng thân Philip đã là một cuốn tiểu thuyết : gốc Đức nhưng là dòng dõi hoàng tộc Hy Lạp và Đan Mạch, lúc mới một tuổi đã phải cùng gia đình lưu vong, em bé Philip lúc đó được đặt trong một chiếc giỏ đựng cam, chạy trốn khỏi Hy Lạp. Từ năm 8 đến 15 tuổi, Philip không được gặp mẹ vì bà bị chứng tâm thần phân liệt. Ông trải qua thời thơ ấu và niên thiếu tại nhiều nước châu Âu, đến năm 1939 trở thành sĩ quan của Hải quân Hoàng gia Anh trong đại chiến…
Ngày 20/11/1937, ông hoàng trẻ tuổi tóc vàng đẹp trai làm đám cưới với Elizabeth, cô gái lá ngọc cành vàng đã yêu say đắm khi gặp Philip lần đầu và cùng trao đổi thư từ trong suốt 5 năm. Cha của cô chỉ là con thứ của vua George V, nhưng việc ông bác là vua Édouard VIII thoái vị đã đẩy số phận Elizabeth sang một hướng khác. Rồi sau đó, cái chết bất ngờ của vua George VI ở tuổi 56 đã chấm dứt binh nghiệp đầy hứa hẹn của Philip : người vợ Elizabeth lên ngôi nữ hoàng.
Ông phải đổi tên, thay quốc tịch và cả tôn giáo, sát cánh với bà trong vô số sự kiện của hoàng gia, trong đó báo chí đếm được 22.000 hoàng thân thực hiện một mình. Chỉ đến tuổi 96 ông mới ngưng các hoạt động. Hoàng thân Philip bảo trợ cho gần 800 tổ chức nhân đạo, ông tham gia bảo vệ môi trường rất sớm với việc lãnh đạo World Wide Fund. Cũng nhờ ông mà dòng sông Loire vẫn là con sông hoang sơ cuối cùng của châu Âu.
Dù trong bóng tối, lúc nào cũng đi sau nữ hoàng hai bước theo đúng nghi thức, ảnh hưởng của ông vẫn rất lớn, từ những chủ đề quốc tế quan trọng cho đến chuyện trong gia đình. Chính ông đã thuyết phục hai hoàng tử trẻ William và Harry đi sau linh cữu của công nương Diana cùng với ông. Hoàng thân cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận xung quanh vụ Megxit, khi Harry và Meghan muốn rút ra khỏi hoạt động hoàng gia. Suốt đời, hoàng thân phục vụ cho một đất nước không phải là nơi ông sinh ra.
Biden trước thách thức tái lập mô hình dân chủ Mỹ
Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Monde phân tích « Cùng với tân tổng thống là thách thức về tái lập mô hình Mỹ ». Joe Biden muốn chứng tỏ với thế giới và nhất là với nước mình, rằng dân chủ vẫn phát huy tác dụng. Ông Biden muốn xúc tiến mô hình Mỹ với Nhà nước pháp quyền, dân chủ đại diện, tôn trọng các quyền cá nhân, kinh tế thị trường và đa phương. Cuộc gặp đầu tiên tại Alaska giữa các viên chức cao cấp Mỹ và Trung Quốc cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh chống lại trật tự thế giới theo kiểu Mỹ, bảo vệ cách cai trị độc đoán mà theo họ là hiệu quả, với bằng chứng là cách xử lý đại dịch Covid đã gây tác hại cho quyền lực mềm Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp báo đầu tiên hôm 25/03, Joe Biden quay lại với quan điểm thế giới chia làm hai phe dân chủ và độc tài. Ông tuyên bố hôm 07/04, khi bảo vệ kế hoạch đầu tư đại quy mô 2.300 tỉ đô la, rằng các nhà độc tài tin rằng dân chủ không đủ lực để quyết định, và cho rằng cần phải chứng tỏ là nền dân chủ vẫn hoạt động tốt. Le Monde nhận xét, vấn đề là Biden chỉ còn có vài tháng nữa, trước cuộc bầu cử giữa kỳ, để vượt qua thử thách.
Trong bài xã luận, Libération tự hỏi phải chăng « Bidenomic » là cuộc cách mạng ? Ở cánh tả của đảng Dân Chủ, những người ủng hộ Bernie Sanders vỗ tay hoan nghênh kế hoạch Biden, còn những người ôn hòa phía Cộng Hòa coi đây là tiếng vọng từ « America First ». Điều mà Donald vẫn mơ, thì Joe thực hiện theo kiểu của mình « Make Government Great Again ».
Chạy đua vũ khí nguyên tử đến đâu ?
Trong khi đó Le Figaro đặt vấn đề « Cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử đã đi đến đâu ? », khi mà các loại vũ khí được hiện đại hóa, các chủ thuyết đã thay đổi, và có thêm những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trước hết, phải chăng việc răn đe dựa vào số lượng vũ khí, và có ngưỡng tối thiểu cho số lượng này hay không ? Mỗi nước tự định ra số đầu đạn hạt nhân cho mình : Pháp có dưới 300, tương đương Anh, nhưng thua xa Mỹ (3.800) và Nga (4.310). Hoa Kỳ cần có số lượng nhiều vì phải can thiệp trên nhiều mặt trận cùng lúc, còn Nga không muốn thua kém Mỹ. Tuy nhiên vũ khí nguyên tử còn phải đạt đến mục tiêu. Sự khả tín của tính răn đe tùy thuộc vào cơ sở khoa học và năng lực điều khiển, đồng thời cả về chính trị.
Phải chăng cuộc chạy đua nguyên tử đã được tái khởi động ? Tờ báo cho rằng không nên phóng đại việc Anh gia tăng số đầu đạn nguyên tử, vì lúc Luân Đôn tự giới hạn ở con số 180, thế giới không giống như bây giờ : Nga chưa xâm chiếm Crimée, Trung Quốc ít tỏ ra tham vọng…Còn hiện nay Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc đang gia tăng số lượng, Bắc Triều Tiên, Iran tiếp tục là mối đe dọa.
Cuối cùng, có thể cấm vũ khí nguyên tử hay không ? Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW theo tiếng Anh, TIAN theo tiếng Pháp) coi vũ khí nguyên tử là bất hợp pháp, nhưng không Nhà nước nào sở hữu loại vũ khí đầy uy lực này ủng hộ. Còn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT hay TNP) được 127 nước ký kết, lại không ngăn cản việc hiện đại hóa.
Miến Điện : Biển máu và nghèo đói
Liên quan đến châu Á, La Croix nói về « Biển máu trong một Miến Điện khủng hoảng ». Đàn áp đã khiến trên 700 người chết kể từ vụ đảo chính, trong đó chỉ cuối tuần rồi đã có đến 82 nạn nhân. Khủng bố của quân đội đã bóp nghẹt Rangoon, nhưng người dân các tỉnh tiếp tục kháng cự.
Sự giết chóc không còn giới hạn : bằng lựu đạn, súng trường, không kích, quân đội tấn công vào bất cứ ai dám chống đối. Một người biểu tình vẫn đang trú ẩn ở Rangoon viết trên ứng dụng mã hóa : « Chúng tôi không còn có thể ra ngoài một cách an toàn, lính tráng có mặt khắp nơi. Họ bố ráp nhà dân ban đêm, bắt các thanh niên và thô bạo với phụ huynh già yếu ». Trước sự bất động của cộng đồng quốc tế do áp lực của Trung Quốc và Nga, người thanh niên tỏ ra tuyệt vọng : « Không ai đến cứu cả, chúng tôi đang nằm trong chiếc bẫy của quân đội, họ sắp giết chúng tôi ».
Trên đường phố Rangoon xuất hiện nhiều trẻ em ăn xin, nhiều người ăn mặc rách rưới lang thang đi tìm cái ăn. Một kỹ sư châu Âu đã thoát được sang Thái Lan cho biết : « Tôi chưa bao giờ thấy cảnh nghèo khổ cùng khắp như những tuần vừa qua ». Miến Điện rơi vào khủng hoảng kinh tế, trước bạo lực, khoảng 30 đến 50% cư dân Rangoon đã về quê, hầu như không còn biểu tình.
Tuy vậy vẫn còn điểm kháng cự ở các tỉnh miền bắc, và đã phải trả giá đắt với 82 bị sát hại trong cùng một ngày ở Bago. Lực lượng an ninh không cho y tế cấp cứu can thiệp, các xác người được chất lên xe tải. Tại Mandalay hôm qua 11/04, sinh viên và giảng viên tuần hành nhưng rất ngắn ngủi, còn ở ngoại ô Okkalapa, phía nam Rangoon, nhiều người biểu tình bị bắt và bị tòa quân sự kết án, một số lãnh án tử hình.
Libération cho biết « Tại Miến Điện, người nổi tiếng không tránh khỏi bị đàn áp ». Tờ báo dẫn lời Kyar Pauk, một nhạc sĩ nổi tiếng có 280.000 người theo dõi trên Facebook : « Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được phải sống như thế này, tôi chỉ là một nghệ sĩ ». Từ khi rời khỏi nhà, hai ngày sau vụ đảo chính, tất cả những gì anh có là một túi xách đen, mỗi đêm đi ngủ tạm nơi nhà một người quen khác nhau. Ngày càng có nhiều ngôi sao trong đủ mọi lãnh vực bị truy lùng vì công khai phản đối đảo chính.
Lần đầu tiên Trung Quốc thú nhận vaccin kém hiệu quả
Về Trung Quốc, Les Echos chú ý đến sự kiện một quan chức cao cấp ở Bắc Kinh nhìn nhận vaccin Trung Quốc có hiệu quả thấp. Tuyên bố này gây tác động lớn trong lúc Bắc Kinh đang đẩy mạnh « ngoại giao vaccin ».
Tờ báo cho rằng đây là một sự thú nhận hiếm hoi. Phát biểu của ông Cao Phú (Gao Fu), giám đốc trung tâm phòng chống dịch bệnh Trung Quốc trong một cuộc hội thảo ở Thành Đô, tạo ra hàng ngàn lời bình trên mạng nhưng đa số đã bị kiểm duyệt, và hiện nay theo Le Monde, bài gốc tường thuật sự kiện này trên tờ báo Thượng Hải thepaper.cn đã biến mất. Les Echos nhắc lại, tại Brazil, một nghiên cứu rộng rãi cho thấy vaccin Coronavac của Sinovac chỉ hiệu quả 50%, nghiên cứu của Chilê cũng cho ra kết quả tương tự sau khi chích hai liều, nhưng với một liều thì hiệu quả chưa đến…3%. Về phía Sinopharm khẳng định hai loại vaccin của mình hiệu quả đến 79% nhưng lại không công bố kết quả của giai đoạn 3.
Gagarine, người hùng xô-viết trở thành công cụ tuyên truyền của Putin
Tại Nga, La Croix nhận xét « Youri Gagarine, người hùng xô-viết phục vụ cho điện Kremlin ». Hôm nay nước Nga kỷ niệm 60 năm phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ, một sự kiện mang ý đồ chính trị phía sau.
Hàng năm cứ đến tháng Tư, mùa xuân đến với Matxcơva cùng nụ cười tươi của Gagarine, trên truyền hình, trên các pa-nô quảng cáo, trạm xe buýt…Còn năm nay, Ngân hàng Nga phát hành các đồng tiền kỷ niệm, Roscosmos (cơ quan không gian Nga) đưa ra một video chưa từng được công bố - ngỡ là đã thất lạc - cho thấy Trái Đất và vũ trụ nhìn từ cửa kính phi thuyền, và khuôn mặt đầy phấn khởi của Gagarine hôm 12/04/1961 với nhận xét « Tuyệt đẹp ! ». Cũng khuôn mặt ấy xuất hiện trên khắp các đường phố Matxcơva với câu chú thích « Chúng ta là người đầu tiên ».
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với phương Tây, nhà cầm quyền Nga muốn nhắc nhở rằng Liên Xô đã thắng Mỹ trong cuộc chạy đua lên vũ trụ thời chiến tranh lạnh. Kremlin cũng muốn làm quên đi những trang sử đen tối nhất, thúc đẩy tình cảm ái quốc, chống phương Tây từ sau vụ sáp nhập Crimée năm 2014 và phải gánh chịu trừng phạt. Huyền thoại Gagarine giúp cho một chế độ không ngừng tìm kiếm những người hùng có thể duy trì sự ủng hộ chính sách bành trướng của ông Putin.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.