samedi 10 octobre 2020

Nguyễn Đình Bổn - Áp đặt vùng miền


 

Một số bạn nói dân miền Nam "phân biệt vùng miền" vì họ hay nói "đồ bắc kỳ". Nhưng theo tôi nó cũng không ảnh hưởng gì, mà đây cũng không phải phân biệt nam-bắc, bằng chứng là người Bắc di cư năm 1954 được đón nhận vui vẻ tại Sài Gòn.

Dù vậy, do vị trí địa lý, tiến trình lịch sử, giao thoa văn hóa, Việt Nam không thể phủ nhận vùng miền, dù trên căn bản, tiếng nói là thống nhất.

Người ở Cà Mau nói (bằng tiếng Việt phổ thông), người Móng Cái có thể hiểu, đó là một lợi thế. Và vùng miền nên được nhìn dưới góc độ văn hóa, làm phong phú thêm về mặt ngôn ngữ, diễn đạt. Không nên chê tiếng này là "tiếng địa phương", tiếng kia là "chuẩn"!

Và với cách hiểu này, chúng ta thấy những người soạn sách giáo khoa cho học sinh chính là kẻ áp đặt ngôn ngữ tồi tệ nhất.

Mang tư duy "thống trị", một số người, luôn tự coi mình là dân "thủ đô", nói "tiếng Hà Nội" chuẩn. Và bắt mọi người phải nghe, phải học chính cái tiếng nói đó, ngôn ngữ đó, trong sách giáo khoa, và trên Đài Truyền hình.

Xin lỗi, ngay cả "tiếng Hà Nội chuẩn", trong tai nghe người Nam cũng cực kỳ ngọng nghịu, khi phát âm con cừu thành "con kiều" và nhiều tiếng mang nặng tính địa phương khác mà người miền Nam không thể hiểu. Vì vậy đừng áp đặt cái gọi là "vùng miền" để gây thêm chia rẽ, mà phải tìm cách dung hòa khả dĩ nhứt trong cách viết, cách đọc từ sách giáo khoa.

Là Hà Nội thì cũng như Lạng Sơn, Thanh Hóa, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ... Vùng đất hay giọng nói nào cũng thân thương với người dân ở đó. Không có cái vùng đất nào "chuẩn" cả, thưa quý vị.

NGUYỄN ĐÌNH BỔN 09.10.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.