mercredi 7 octobre 2020

Lê Quốc Quân - Vì sao Phạm Đoan Trang bị điều tra theo 2 bộ luật hình sự ?


 

Tại sao Bộ Công an đã thông báo bắt Nhà báo Phạm Đoan Trang để điều tra về hành vi quy định tại hai Bộ luật hình sự?

Ngày hôm nay, 7/10/2020, Bộ Công an thông báo trên truyền thông là đã bắt nhà báo Phạm Đoan Trang để điều tra về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015".

Điều 426 của BLHS 2015 quy định Hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 và bộ luật hình sự năm 1999 sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, sau khi hơn 95% đại diện "ưu tú" của dân bấm nút thông qua thì chính Nhân dân phát hiện ra rất nhiều lỗi cực kỳ vô duyên mà không thể thi hành được trong thực tế.

Do đó các đại diện lại ban hành Luật số 12/2017/QH14 năm 2017 để sửa đến 409 điểm của bộ luật hình sự 2015 và quy định lại sẽ có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2018 (Nên nhiều người gọi là BLHS2017). Chỉ có thể lý giải được Điều này khi chính các đại biểu cũng là con cừu, nô lệ hoàn toàn về tư tưởng mới bấm nút máy móc, vô duyên đến thế.

Tất nhiên sau khi BLHS 2015 có hiệu lực thì Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 hết hiệu lực thi hành. Điều 117 của BHLS mới vừa chi tiết lại vừa bao trùm lên trên điều 88 của BLHS cũ. Nếu muốn kết tội tuyên truyền chống nhà nước thì hầu như bất cứ ai, công an cũng đều có thể tóm được. Điều 117 chính là cái hồ lô có thể hút bất cứ ai có tư tưởng khác với nhà nước.

Hôm nay Bộ Công an thông báo đang di lý Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang ra Hà Nội để phục vụ điều tra về hai hành vi ở hai Bộ luật Hình sự. Điều đó có thể là: Trước đó chị Phạm Đoan Trang đã bị khởi tố về hành vi theo Điều 88 của Bộ Luật năm 1999 và quyết định khởi tố đó vẫn có hiệu lực. Nay họ lại tiếp tục bắt để điều tra về các hành vi theo điều 117 - BLHS 2015, mà thực chất cũng là những hành vi như trong điều 88 của BHLS 1999.

Thông báo của Bộ Công an cũng theo kiểu "quét, vét" trúng trật gì thì khi vào nhà lao rồi sẽ các điều tra viên sẽ làm cho ra. Việc thi hành luật pháp ở Việt Nam được ví như chính quyền đi đánh cá. Chính quyền ăn rồi cứ rình để rượt đuổi và bắt dân, một bi hài kịch vô tiền khoáng hậu.

Tôi cứ tưởng tượng họ ban hành đủ loại luật cầm trong tay, như người đánh cá mang rất nhiều loại lưới. Tùy từng đối tượng mà họ tung loại lưới nào. Quan chức phạm tội thì có thể dùng loại lưới thật thưa, lỗ thật to, kiểu con cá voi cũng chui lọt, còn dân đen thì dùng lưới quét, lưới giã cào...để tung ra hốt sạch đã. Sau khi hốt xong thì lại đo lường phản ứng, dự luận quốc tế và các yếu tố khác để quyết định mức án bất luận hành vi của họ là như thế nào.

Tôi không bất ngờ việc nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt, cũng không bất ngờ về thông báo kỳ quặc mà Bộ Công an đưa ra. Tôi cũng không bất ngờ về bất cứ kết quả nào sau này đến với chị. Bởi vì luật pháp ở đất nước này hoàn toàn là do "ý" của đảng cộng sản, mà thực chất là ý của một số người mà thôi.

Là luật sư nhưng tôi không còn hành nghề nữa. Tôi đồng ý với bức thư của Nhà báo Phạm Đoan Trang để lại trước khi bị bắt. Trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời, những người có lương tri thường phải đi tù hoặc ở ẩn. Tôi đã xong ý một và đang thực hiện ý thứ hai.

LÊ QUỐC QUÂN 07.10.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.