vendredi 13 mai 2016

Một buổi sáng tháng Năm

Đôi lời cùng bạn đọc: Blog Thụy My lâu nay chỉ đăng bài của Thụy My (và chia sẻ một số bài của anh Phạm Chí Dũng, theo đề nghị của tác giả lúc chưa có blog). Trong cuộc biểu tình ở Saigon ngày Chủ nhật 08/05/2016 vừa qua, có nhiều bạn không phải là các khuôn mặt tranh đấu quen thuộc, hoặc mới xuống đường lần đầu, đã thuật lại những điều tai nghe mắt thấy trên mạng xã hội.

Vào thời điểm sôi động này, Thụy My xin phá lệ, đưa lại bài viết của một số cây bút tường thuật bất đắc dĩ ấy trong mục « Chuyện biểu tình », để bạn đọc không có tài khoản mạng xã hội, hoặc không có thì giờ lên mạng có thể theo dõi. Tôn trọng nguyên tác, nhưng blog Thụy My xin phép chỉnh sửa lại một số từ viết tắt, gõ nhầm hay chính tả chưa chuẩn, biên tập lại những câu quá dài cho dễ đọc... Chân thành cảm ơn.

MỘT BUỔI SÁNG THÁNG NĂM
Nguyễn Bình Nguyên

Với mình, mọi sự trong đời đều là sự trải nghiệm, giàu sang-nghèo khó, hạnh phúc-khổ đau, thành công-thất bại...âu cũng là những trải nghiệm, những điều tiêu cực trong cuộc sống, có lẽ, sẽ không bao giờ giết được tâm hồn mình, và mình cũng sẽ không để cho những điều đó cản bước mình. Những thứ đó, có chăng chỉ làm cho mình lớn hơn!


Việc đi biểu tình, hoặc chí ít là đi xem biểu tình ngày hôm nay, sẽ là một trải nghiệm của riêng mình, hẳn đó là một trải nghiệm cần phải có trong cuộc đời này. Nó sẽ là một điểm sáng trong suốt khoảng thời gian tuổi trẻ nhàn nhạt của mình.
----
Kém 10 phút 9 giờ, mình đón xe buýt số 2 thẳng tiến hướng Bến Thành, trong đầu miên man mông lung lắm. Dẫu biết sự lựa chọn của mình là chính nghĩa, là quyền hiến định, vậy mà vẫn không sao tránh khỏi âu lo.

Đến trạm 23/9 một bà cụ lum khum khệ nệ bước xuống xe, bác tài hối vì sợ trễ chuyến, anh lơ xe kêu bà cụ nhanh chân xuống trạm, còn anh phụ bà khiêng cái túi còn lại. Chỉ vậy thôi, chuyện thường ngày ở huyện, mà sao mình thấy dân mình còn cơ cực quá, hiền lành thật thà quá. Bà cụ đó, anh lơ xe đó, bác tài đó, những người trên chuyến xe buýt đó, có mấy ai biết cách đó chừng một cây số, Saigon đang sục sôi...

Nghĩ tới đó, nước mắt ngấn tròng.

9h10 sáng, mình xuống ngay trạm Bến Thành, vội đi bộ về hướng công viên như mọi người đã hẹn. Càng về phía trung tâm, không khí càng chùng, mọi con đường đã dựng sẵn rào chắn, chỉ còn chờ lệnh là phong toả. Mình cố giữ bình tĩnh, hít thở thật sâu. Dưới mắt kính mát, mình ra sức tìm kiếm những dấu hiệu của người biểu tình. Thỉnh thoảng mình bắt gặp có ai đó nhìn mình, mình xoay người nhìn lại hòng tìm kiếm những ý niệm chung hướng, nhưng không phải.

Mình vẫn bước đều, bắt đầu vào được Pasteur khúc nhà hàng Ngon. Không khí im ắng hẳn, tiếng xe cộ đã bị hàng rào chắn của lực lượng công vụ lọc lại. Mọi thanh âm như ngưng đọng, chỉ còn nghe tiếng thở của mình. Hàng quán vẫn mở nhưng không đón khách, nhân viên xung quanh đứng ra đường thành nhóm nhỏ mắt hướng về công viên. Họ chỉ dám bàn tán rất nhỏ, vừa đủ cho hai người nghe thấy. Mình thấy rõ sự lo lắng của mọi người, và của mình.

Mỗi lần bước ngang những người mặc áo công vụ là những cảm giác vô cùng khác nhau, nhất là với một người lần đầu tham gia biểu tình như mình.

Đó lần lượt là sự sợ hãi của một con người đơn độc lướt ngang một đám người, mà đâu biết chừng chỉ với một cái nhìn của mình cũng khiến mình bị họ gô cổ lên xe. Đó là sự tự tin khi biết rằng việc mình làm là chính nghĩa, không ai có quyền tước đi quyền biểu đạt tình cảm của người khác. Và đó là thái độ thương cảm của mình dành cho họ, suy cho cùng họ cũng chỉ đang làm công việc của họ, và mình đang lựa chọn công việc cho riêng mình.

ĐÊM TRẮNG...

Mình tin chắc, không riêng gì mình, mà với những người vẫn còn đang e dè với việc biểu tình, điều mà họ lo lắng nhất không phải bị mất việc, bị đánh đập bắt bớ, mà thứ họ âu lo đó chính là gia đình của họ. Rõ ràng không ai muốn người thân của mình bị liên lụy bởi chính quyền, nhưng nếu một khi đã dẹp được nỗi lo đó sang một bên rồi, mình tin là mọi người cũng sẽ như mình, cũng sẽ xuống đường một cách ôn hòa.

Buổi tối đó, mình tự tay vo lại cái áo trắng cho sạch sẽ, mình quyết định khi đi mình sẽ mặc áo thun trắng, quần jean, mang giày trắng, đeo kính mát và đội nón. Mình muốn vẻ ngoài của mình thật sự hiền lành, để họ thấy rằng việc họ gây cớ đánh đập những người ôn hòa là đáng lên án.

0h ngày 8/5, còn 9 tiếng đồng hồ nữa là bắt đầu. Mình nhắn tin cho một người bạn mà mình nghĩ là ngày mai cũng sẽ xuống đường, nội dung ngắn gọn « Chuẩn bị xong chưa ». Như hiểu ý, khoảng 20 phút sau bạn mình nhắn lại, cả hai tiếp tục trò chuyện qua lại.

Thú thật, tối đó mình vẫn còn lung lay lắm, nên mới nhắn tin, hòng tìm đồng minh. Với lại, cái tật mình đã nói với ai khác rồi thì phải làm cho kỳ bằng, nên mới nhắn tin cho bạn mình, để sáng mai không có lý do ở nhà.

Ừ thì tâm lý của lính mới là vậy, lo sợ đủ thứ, cảm giác giống như sáng mai ra trận vậy.

Bạn mình tên Toàn, hai đứa học chung hồi cấp 2. Ấn tượng của mình với Toàn không nhiều, là đứa da ngăm đen, người dong dỏng cao, đeo mắt kính, bị phong thấp nên tay hay ra mồ hôi, đặc biệt là hay hỏi bài mình. Sau này mình biết thêm là có quản lý một khách sạn nhỏ của gia đình và cũng hay tham gia các trang đấu tranh cho phong trào dân chủ trên Facebook. Một vài thành viên của phong trào « Con đường Việt Nam » có ghé chỗ Toàn để ngủ qua đêm vài lần. Chỉ vậy thôi.

Tối đó, Toàn cũng dặn dò mình đủ thứ, thấy cũng có vẻ lo lắng cho mình. Tiếc là hai đứa không đi chung với nhau, chứ nếu không chắc là có nhiều thứ để kể.

Trước khi đi ngủ, Toàn còn dặn mình là nếu hữu sự cứ tìm cách gọi cho cậu ấy, Toàn sẽ nhờ anh Hợp (Đỗ Đức Hợp) đi đòi người. Mình chợt nghĩ, nếu có chuyện chắc mình chẳng kịp rờ tới cái điện thoại. Mà nếu có chuyện là chuyện gì? Mình tay không tấc sắt, mặt mũi hiền lành nào gây hại cho ai thì có chuyện gì được. Toàn cứ khéo lo.

Hình do tác giả  chụp trước Nhà thờ Đức Bà Saigon
GIỮA TÂM BÃO

9h20. Mình đã tiến tới đoạn Nguyễn Du ngay HSBC trước tượng Đức Mẹ. Họ đã chặn rào chắn, nội khả xuất, ngoại bất nhập, mình giơ điện thoại lên chụp lại tấm ảnh này. Từ hướng mình nhìn về hướng trường Hòa Bình, chỉ thấy lực lượng TNXP bao vây những người đi biểu tình. Đoàn người biểu tình giơ cao biểu ngữ và hô to gì đó không nghe rõ, tiếng hô của họ bị át bởi những cái loa kêu gọi giải tán công suất lớn

Khoảng 3 phút sau khi mình chụp tấm hình này, có một người biểu tình bị hai an ninh mặc thường phục kéo ra ngoài. Mình định giơ máy lên chụp lại, một an ninh mặc áo thun tay dài màu xanh lá chỉ về phía chếch qua bên trái mình. Mình quay lại thì thấy có một người khác mặc áo jean đang cầm máy chụp hình. Một trong hai tên an ninh lao vào giật máy của anh ta, tiếng bốp bốp vang lên, đồng thời cả hai người bị đẩy lên xe. Một người có vẻ là phóng viên với máy chụp hình chuyên nghiệp cũng bị đẩy lên xe sau đó.

Mình lui lại vài bước, ra phía sau chiếc xe nhìn về phía họ. Hai tên an ninh lúc này đã giật điện thoại và máy chụp hình, có vẻ như đang xóa hết hình trong máy, sau đó họ lại tiếp tục lao vào dòng người biểu tình phía bên trường Hòa Bình.

Ba thanh niên bị đẩy lên xe lúc nãy được gọi xuống, có một công an mặc đồng phục dẫn họ về phía Sở VHTT&DL. Chừng vài phút sau thanh niên mặc áo jean đi ra, có vẻ họ xác minh chỉ là người dân hiếu kỳ nên anh này được thả ra sớm. Còn một người bị bắt trong nhóm biểu tình và thanh niên có vẻ là phóng viên vẫn chưa được thả ra.

Mình vẫn tiếp tục quan sát, trong lòng nuôi hy vọng dòng người biểu tình bên kia phá được vòng vây, mở rào chắn, để mình có thể hòa vào. Lúc này, phía mình có hơn trăm người, mình đảo mắt nhìn, tây có, ta có, quần chúng hiếu kỳ cũng có. Nhưng chắc chắn là có không ít người như mình, họ đi riêng lẻ, không theo nhóm, cũng đang chờ cơ hội để hòa mình vào.

Chợt có một người phụ nữ nhỏ con, đội nón tai bèo, mặc áo khoác chống nắng che kín mặt lướt ngang qua mình. Cảm giác có gì đó không ổn, mình nhìn kỹ lại thì thấy cô có quấn một chiếc khăn cổ màu vàng có ba sọc đỏ cuối mép khăn. Chiếc khăn quàng cổ đó dù đã được giấu cẩn thận dưới lớp áo chống nắng nhưng vẫn rất nổi bật giữa đám đông. Mình nhìn rộng hơn sang phía tay trái, một trong hai công an cầm loa nãy giờ đã nhìn thấy và ra hiệu cho người còn lại tiến về phía cô. Hai người hai bên, kẹp người phụ nữ ngoài 50 dáng người nhỏ thó, đưa vào Sở VHTT&DL.

Họ, lướt ngang qua mình, phụ nữ thì gồng mình trụ lại, hai tên thanh niên thì đẩy cô đi tới. Câu cuối cùng mình nghe cô nói là « Tôi có làm gì đâu, sao lại bắt tôi » -  « Cô cứ đi vào đây mình ngồi xuống nói chuyện », một công an cầm loa dáng người cao ráo đáp lại bằng chất giọng Đông Nam Bộ.

Trong vòng 15 phút, mình đã thấy bốn người bị bắt và đánh đập, ngay trước mắt mình. Đó là thứ cảm giác vô cùng khó chịu.

Mình đứng đó nhìn, mọi người đứng đó nhìn. Bất lực vô cùng, nhược phu vô cùng.

CHIẾN DỊCH LƯỚI BẮT CÁ 


Đó là một buổi sáng tháng năm, trời trong xanh đầy nắng. Ánh nắng buổi sáng mùa hè gay gắt như muốn thiêu cháy tâm hồn mình. Một tâm hồn yếu ớt, bất lực.

Buổi sáng đó, có quá nhiều thứ xảy ra trước mắt mình, nhưng tất thảy những gì mình thấy chỉ là một phần rất rất nhỏ của những gì đang diễn ra mà thôi. Bên trong lưới, phận người như những con cá. Họ bị dồn ép, bị đánh vào đầu như mần cá nấu canh, họ bị xịt hơi cay như rắc tiêu vào nồi, dường như đã có máu đổ.

Trong vài giây ngắn ngủi, mình ước sao mình được vào trong lưới, được tận mắt nhìn thấy những điều ngang trái kia hơn, được thấy mình dũng cảm hơn. Những người bên trong kia, có cả phụ nữ và trẻ em, cớ sao họ lại hiên ngang quá. Còn mình, kẻ đứng ngoài lưới hưởng bằng an mà sao tự thấy nhục nhã như vầy.

Miệng của mình, thấy bất công mà không thèm cất tiếng. Tay của mình, thấy bất bình mà chẳng dám xung phong.

Khoảng 10h sáng, có vẻ như đám đông biểu tình không có dấu hiệu dịch chuyển. Từ xa, mình nhón chân nhìn vào thấy có khoảng sáu chiếc xe buýt nối đuôi nhau đậu sát đoàn người. Lâu lâu trong đám người ấy la ồ lên, có tiếng hò hét và tiếng vỗ tay. Mình nhón chân lên lần nữa thì kịp nhìn thấy chiếc xe buýt số 31 chạy lướt qua mặt, ngay giữa xe, sát cửa sổ, một cô gái tóc ngang vai vẫy tay như đang chào mình. Mình không thấy rõ nhưng biết chắc cô gái đó đang cười, và chắc mọi người trong xe đang hân hoan lắm.

Và cứ thế, lâu lâu lại có tiếng vỗ tay và lại một chiếc xe buýt lướt qua. Mình chẳng hiểu tiếng vỗ tay đó phát ra từ phe nào. Nhưng từ phe nào thì với mình, âm thanh đó là thứ tiếng động cổ võ cho phong trào, nó như thúc ép mình và những người xung quanh tiến tới.

Lại một tiếng vỗ tay nữa to hơn, lần này có cả lác đác tiếng hét phấn khích. Từ đám đông, mình thấy một người mặc áo trật tự đô thị và một TNXP đang dìu một người mặc áo TNXP khác thoát khỏi vòng vây. Có vẻ như người này vừa bị đánh, mình thấy anh ta thở hơi lên, mặt thất thần, bước đi không vững, bên mắt trái bị sưng đỏ chuyển sang tím bầm.

Kể từ thời phút này, dòng người bắt đầu giải tán. Một vài người lác đác tiến về hướng mình, dần dần đông lên. Cũng có một vài người bị bắt bớ nhưng bị phản ứng của những người đi chung nhóm nên không bị giải đi.

10 giờ 20 phút. Đoàn người tỏa ra các hướng, thưa dần. Loa giải tán của chính quyền cũng không phát nữa. Một người đàn ông mặc áo sơ-mi trắng, dáng người phốp pháp, đeo kính, là người nãy giờ ngồi trong xe đọc loa kêu gọi đồng bào giải tán (như cái máy) đã ra khỏi xe, ngồi trước cổng sở VH, cười nói với một thanh niên khác.

MỘT THANH NIÊN XUNG PHONG

Trước khi đi biểu tình, mình chẳng dám xem bất kỳ clip nào về sự đàn áp từ chính quyền ở trên mạng. Những thứ đó, nếu xem, mình có cảm giác như đang kích động bạo lực trong con người mình. Những clip đó, quá kinh khủng với mình, người với người, cớ sao lại đối xử thô bạo như vậy.

Khi đó trong mắt mình, những người mặc áo công vụ là những kẻ đốn mạt, là cặn bã của xã hội. Nhưng ngày hôm nay suy nghĩ này đã lung lay.

« Làm sao vào được đường sách hả em ». Một phụ nữ dẫn con tiến tới gần một thanh niên xung phong hỏi chuyện. Bằng thái độ cực kỳ thành khẩn, người này trả lời : « Dạ chị thông cảm, đang có chặn đường, chị không vào được, hay là chị chờ buổi chiều quay lại nha ».

Mình không biết anh này có diễn hay không, nhưng giọng nói và thái độ của anh rất thành khẩn, kèm theo tay chân lóng ngóng như kiểu con nít làm chuyện gì đó sai bị người lớn gặng hỏi. Giữa hơn chục người mặc đồ công vụ xung quanh, thái độ và lời nói của anh như một điểm sáng.

Mình đồ rằng, đây chẳng phải là công việc mà anh muốn làm, nhưng anh chỉ chưa đủ can đảm để dứt ra guồng máy đó. Đâu đó trong nội bộ họ, vẫn còn những con người như thế.

Mình có quá thơ ngây không?
-----
Đoàn người thưa dần, mình lững thững bước đi vô định. Cảm giác trống trải tột cùng. Dự định đã bất thành, một cảm giác đớn hèn nhu nhược như úp trào ngay cổ họng.

Mình mở Firechat lên, hỏi mọi người có di chuyển sang chỗ khác không? Ai đó trả lời đoàn người kéo sang phố Tây. Mình bước nhanh chân hướng về đó, lòng khấp khởi.
Nếu đoàn người sang đó chắc có lợi thế lớn lắm, chỗ đó sẽ thu hút sự chú ý của người nước ngoài, và hơn nữa, người nước ngoài nếu có quay phim chụp hình cũng sẽ không bị an ninh bắt bớ. Đó cũng là một lợi điểm!

Chợt tiếng báo hiệu tin nhắn cắt ngang dòng suy nghĩ, là Toàn. Cậu ấy hỏi thăm tình hình của mình, mình nói là đang hướng về phố Tây. Vài phút sau, Toàn hồi báo, bảo mình nên về nhà đi, ở Hà Nội « fail », an ninh Saigon thì thắt chặt, lần này căng hơn hôm 1 tây.

« Uh, tui biết rồi, tkz ông » - mình trả lời mà lòng buồn rười rượi…
----
Thôi thì, một lần lạ bằng tạ lần quen, nếu ai hỏi mình có vì sợ hãi mà không xuống đường nữa không, mình sẽ trả lời Có.

Mình có sợ họ, sợ đồng bào của mình bị đánh đập, sợ mình bị bắt bớ, nhưng lương tâm mình không cho phép mình ngồi yên.

Có những khoảnh khắc sẽ đi vào lịch sử, hãy kể cho con cháu mình nghe sự dũng cảm của chúng ta. Đừng kể cho bọn chúng nghe chúng ta đã sợ hãi và yếu đuối như thế nào!

Có những hình ảnh sẽ đi vào lịch sử. Dăm ba năm nữa, những người mặc đồ công vụ nhìn lại những hình ảnh ngày hôm nay sẽ phải che mặt xấu hổ.

Còn chúng ta, những con người lương tri lương thiện, sẽ coi những tấm hình này là niềm tự hào trong cuộc đời mình. Hạnh phúc nào mà không chông gai, đúng không?

Saigon ngày 8/5/2016


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.