Cách đây 50 năm tại Trung Quốc, « Thông tư ngày 16 tháng Năm »
của Mao Trạch Đông đã khởi động « Đại
cách mạng văn hóa vô sản », mở đường cho mười năm thanh trừng đẫm máu
và tàn phá đất nước. Tuần báo L’Obs đưa chúng ta trở lại với bước ngoặt lịch sử, vẫn là một khoảng tối
không được bộ máy tuyên truyền Trung Quốc đề cập đến dù nửa thế kỷ đã trôi qua (tt).
Hình 10 (AFP): Ngay từ đầu phong trào,
Mao Trạch Đông bổ nhiệm bà vợ thứ tư là Giang Thanh (Jiang Qing) đứng đầu « Nhóm Cách mạng Văn hóa »
trong Trung ương Đảng. Đây là cơ hội cho cựu diễn viên khao khát nổi tiếng, thanh
toán ân oán với tất cả những ai dám ít nhiều chống lại bà ta. Kể từ năm 1967,
Giang Thanh tung ra « chiến dịch làm
trong sạch nghệ thuật », cái cớ để trả thù nhiều nghệ sĩ. Bà áp đặt
những vòng kim cô tư tưởng siết rất chặt. Chỉ có tám « chương trình biểu diễn kiểu mẫu » đúng đắn về ý thức hệ
được cho phép diễn, trong đó có hai vở múa ba-lê là « Hồng sắc nương tử quân » và « Bạch Mao Nữ ». Trong ảnh, Giang Thanh đeo kính, đứng giữa cùng
với nhóm múa, tháng 4/1967.
Hình 11 (Bridgeman Images): Cách mạng Văn hóa lan rộng, vượt ra ngoài vòng
kiểm soát. Các phe nhóm Hồng vệ binh đối địch tấn công lẫn nhau, dù tất cả đều
lớn tiếng khoe trung thành với Mao. Tại một số nơi, đã trở thành một cuộc nội
chiến thực sự. Tình hình hỗn loạn cho đến nỗi Mao Trạch Đông phải yêu cầu tổng
tham mưu trưởng quân đội Lâm Bưu tái lập trật tự kể từ 1967. Sau khi lợi dụng
giới thanh niên để lật đổ những kẻ thù trong Đảng, Mao bèn tống khứ họ. Những « kẻ nổi loạn », bị kết án là
đồng lõa với tư sản, bị hành quyết công khai và hàng triệu Hồng vệ binh bị đày
về nông thôn để « được quần chúng
cải tạo ». Ảnh chụp tháng 8/1968.
Hình 12 (Tân
Hoa Xã/SIPA) : Những cuốn « Mao
chủ tịch ngữ lục », thường được gọi là Hồng bảo thư (Sách quý màu đỏ),
được xuất bản trước khi diễn ra Cách mạng Văn hóa. Với tính thực dụng, Đảng tuy
đã tước quyền Mao sau thất bại của Đại nhảy vọt, cho rằng sẽ làm cho Mao bớt
tức giận bằng cách thúc đẩy quần chúng tôn thờ cá nhân Mao chủ tịch. Sau khi
Cách mạng Văn hóa được khởi động, những cuốn sách đỏ này trở thành một thứ Kinh
thánh mà mỗi người dân đều phải học thuộc lòng. Lâm Bưu ra lệnh quân đội phải tổ
chức những buổi học bắt buộc (trong ảnh là các phi công quân sự, chụp năm
1969), sau đó phổ biến ra tất cả các cơ quan hành chính.
Hình 13 (AFP) :
Nhân Đại hội Đảng lần thứ 9 năm 1969, Lâm Bưu được ca ngợi là « người bạn chiến đấu thân thiết nhất
của Mao chủ tịch » và « người
kế nghiệp được toàn thể nhìn nhận ». Nhưng Mao nghi ngờ phó thống soái
của mình tìm cách qua mặt. Sự thất sủng của Lâm Bưu là một trong những chương nhiều
nghi vấn nhất của thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Theo thông tin chính thức, thì
ngày 13/09/1971, Lâm Bưu bỏ trốn sang Liên Xô sau khi âm mưu lật đổ bị vạch
trần. Chiếc máy bay chở ông cùng với gia đình và những người thân tín bị rơi
xuống Mông Cổ, không có ai sống sót. Trong bức ảnh chụp vào tháng 9/1970, Lâm
Bưu đứng phía sau Mao Trạch Đông.
Hình 14 (AFP) :
Lâm Bưu đã bị trừ khử, thủ tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai) được Mao cho phép phục
hồi nền kinh tế, giáo dục và hành chính. Do bệnh nặng, Chu Ân Lai được người
dưới quyền thân tín vừa được phục hồi danh dự là Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping)
trợ giúp. Các nhà tư tưởng cực đoan do Giang Thanh cầm đầu, bèn tung ra chiến
dịch « đả kích Khổng Tử ».
Cuộc chiến mới đánh vào các giá trị truyền thống thực ra nhắm vào Chu Ân Lai và
Đặng Tiểu Bình, bị lên án là muốn kết liễu cách mạng và đẩy Trung Quốc vào con
đường tư bản chủ nghĩa. Cuộc chiến giữa hai phe kéo dài cho đến khi Chu Ân Lai
mất rồi đến lượt Mao Trạch Đông năm 1976. Trong ảnh là một vở múa phê phán
Khổng giáo, năm 1974.
Hình 15 (AFP) :
Mao Trạch Đông qua đời ngày 09/09/1976. Ngày 10/10, người kế vị được chỉ
định là Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng) được quân đội ủng hộ, đã bắt giam Giang
Thanh và các đồng minh của bà ta. Tin này được mọi người hồ hởi đón nhận. Ngày
01/11, một cuộc diễu binh (ảnh) được tổ chức để chào mừng tân lãnh tụ. Nhưng
Hoa Quốc Phong trị vì không được bao lâu : do phản đối mọi thay đổi về
chính trị, ông bị Đặng Tiểu Bình tước bỏ quyền hành vào tháng 12/1978.
Hình 16 (AFP) :
Sự sụp đổ của « Tứ nhân
bang » tức « bè lũ bốn
tên », nhóm tư tưởng cực đoan do Giang Thanh cầm đầu đánh dấu hồi kết
của Cách mạng Văn hóa. Bị kết án đã đàn áp 730.000 người và làm cho 35.000
người chết, họ bị lãnh những bản án nặng nề năm 1980. Phiên tòa xử « bè lũ bốn tên » được truyền
hình tường thuật, giúp lên án Cách mạng Văn hóa mà không đặt lại vấn đề về di
sản của Mao cũng như tính chính danh của Đảng. Ảnh chụp các bị cáo trước tòa
ngày 27/11/1980, gồm Trương Xuân Kiều (Zhang Chunqiao), Vương Hồng Văn (Wang
Hongwen), Giang Thanh,
Diêu Văn Nguyên (Yao Wenyuan).
Hình 17 (AFP) : Bị toàn thể mọi người
căm ghét, Giang Thanh chỉ lên nắm quyền được là nhờ sự hỗ trợ của Mao, và duy trì được vị thế
nhờ nương theo những xu hướng cực đoan nhất. Khi Mao Trạch Đông chết, bà ta tìm
cách nắm trọn mọi quyền hành, khiến cả tổ chức Đảng và quân đội phải liên minh
để chống lại. Trong khi các trợ thủ im lặng hoặc thú tội, Giang Thanh là người
duy nhất phẫn nộ phản đối trong phiên tòa xử « bè lũ bốn tên » năm 1980. Bị lãnh án tử hình treo rồi
chuyển thành án chung thân, Giang Thanh tự sát năm 1991. Trong ảnh là Giang
Thanh trong phiên tòa ngày 25/01/1981.
Hình 18 (AFP) :
Đặng Tiểu Bình và vợ thứ ba là Trác Lâm (Zhuo Lin) (bên phải trong ảnh) năm
1969. Bị thất sủng thời Mao năm 1968, được Chu Ân Lai triệu hồi, giao quyền và
sau đó lại bị thất sủng lần nữa khi Chu qua đời năm 1976, Đặng Tiểu Bình xuất
hiện trước mắt Đảng và dân chúng đang bị khủng hoảng như một người cứu rỗi, có
thể lật qua trang sử đẫm máu của Cách mạng Văn hóa. Các cải cách cơ bản đưa ra
tháng 12/1978 đã chấm dứt các thập kỷ sai lầm chính trị khiến đất nước lụn bại.
Bùng nổ kinh tế do Đặng châm ngòi đã đẩy Trung Quốc lên vị thế các cường quốc
hàng đầu thế giới. (Cũng chính Đặng Tiểu Bình đã khởi động cuộc chiến biên giới
Việt-Trung năm 1979).
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.