Một ngày trước chuyến thăm của tổng thống Mỹ
Barack Obama, Việt Nam hôm nay, 22/05/2016, tiến hành bầu cử Quốc hội.
Tổ chức được coi là dân cử của Việt Nam, theo AP, thực chất hầu hết gồm
những đại biểu đã được đảng Cộng sản quyết định trước.
Cuộc
bầu cử kết thúc vào cuối ngày Chủ nhật, nhiều giờ trước khi ông Obama
đến nơi, và danh sách đắc cử vào Quốc hội – được bầu lại mỗi 5 năm – sẽ
được loan báo trong vòng 20 ngày.
Khoảng 69 triệu cử tri chọn lựa
500 đại biểu trong số 870 ứng cử viên để bầu vào Quốc hội khóa 14. Theo
Hội đồng Bầu cử Quốc gia, trong số đó có 458 người là đảng viên, 339 là
nữ, 204 thuộc các sắc tộc thiểu số.
Nhưng tất cả hầu như chỉ là
hình thức, theo Human Rights Watch, đảng Cộng sản đã chọn lựa trước
những ai được vào Quốc hội, bao nhiêu ghế được dành cho những người
không phải là đảng viên.
Báo
chí trong nước cho biết, có 5 tỉnh đạt trên 80% cử tri bỏ phiếu trong
buổi sáng, nhiều khu vực đạt tỉ lệ 100%. Theo báo Tuổi Trẻ, đến 10 giờ
30 sáng gần một nửa số cử tri ở Saigon đã tham gia bầu cử ; hàng ngàn cử
tri trại tạm giam, trung tâm cai nghiện cả nước cũng đã « nô nức » đi bầu.
Tuy
nhiên trên mạng xã hội lâu nay đã có những lời kêu gọi không đi bầu,
hoặc là đi nhưng gạch tên các ứng cử viên như một cách phản đối cuộc bầu
cử mang tính hình thức. Bên cạnh đó cũng có ý kiến không tẩy chay bầu
cử Quốc hội, mà nên nghiêm túc tham gia, sử dụng lá phiếu với phương
châm chỉ bầu cho những người mà mình biết rõ về phẩm cách và năng lực.
Trang Dân Làm Báo cho biết, tại Hà Nội đã có những nhóm nhỏ nhà hoạt động và dân oan biểu tình phản đối "bầu cử giả hiệu".
Ở Saigon, nhiều nhà tranh đấu và những người từng đi biểu tình vì môi
trường bị ngăn chận không cho ra khỏi nhà. Tại Nghệ An, đúng vào ngày
bầu cử, hàng trăm ngư dân xã Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, đội khăn trắng "làm đám tang cho cá và người". Ngư dân là những người chịu ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa cá chết hàng loạt ở Vũng Áng, Hà Tĩnh mới đây.
«
Trong giới đấu tranh dân chủ thì Trung thấy kêu gọi tẩy chay bầu cử. Có
nhiều hình thức : một là không đi, hai là có thể xé thẻ cử tri, ba là
đi bầu nhưng không bầu cho ai hết mà gạch tên các ứng cử viên.
Trung
thì đã đi bầu và gạch tên tất cả các ứng cử viên do Mặt trận Tổ quốc
của đảng Cộng sản đưa ra. Thật ra (cuộc bầu cử này) rất là hình thức.
Chẳng hạn ngay trong gia đình Trung, họ không cho bản thân Trung đi bầu
giùm ba mẹ, nhưng khi ba Trung ra thì vẫn bầu giùm được cho mẹ Trung.
Rồi những người hàng xóm trong khu phố cũng (cử) một người đi bầu giùm
cho cả nhà.
Nói chung là hình thức và tốn kém để làm
một chuyện biểu diễn như vậy. Người dân cũng biết thế nên mới có chuyện
một người đi bầu cho cả nhà, chứ thật ra cũng chẳng ai quan tâm cả.
Trong khu phố và trong địa bàn bầu cử của Trung là như vậy, chứ không ai
cả nhà đi bầu hết. Ở Việt Nam thì đâu cần giấy ủy quyền cho việc này,
quan trọng là số lượng cho thi đua thành tích thôi.
Hôm
nay dịp bầu cử cũng là dịp tổng thống Obama qua Việt Nam, một số người
đấu tranh dân chủ bị canh, và bản thân nhà Trung cũng bị canh. Mà Trung
vẫn đi bầu thôi, vì phạm vi quản chế là trong phường 4 quận Tân Bình,
cho nên đi thì mình cứ đi, khi nào ra khỏi phường họ mới chặn. Trên mạng
Facebook, Trung thấy ở rải rác một số điểm có những nhóm lẻ tẻ tụ tập
lại biểu tình, tức là vẫn có biểu tình nhưng là những nhóm nhỏ riêng lẻ
thôi ».
Tổng thống Mỹ Obama lúc vừa bước xuống sân bay Nội Bài khuya 22/05/2016. |
Tổng
thống Barack Obama phải cân nhắc ủng hộ các nước Đông Nam Á như Việt
Nam, đang phải đối đầu với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển
Đông. Nếu nhân dịp này, Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí, thì
sẽ là dấu hiệu cho sự cam kết chiến lược giữa hai quốc gia cựu thù. Tuy
nhiên, các dân biểu Mỹ cổ vũ tổng thống đòi hỏi cải thiện nhân quyền và
trả tự do cho các nhà hoạt động chính trị trước khi bỏ cấm vận.
Khi
đặt chân đến Hà Nội và nhất là thành phố Hồ Chí Minh, tức Saigon cũ,
ông Obama sẽ nhìn thấy một đất nước năng động, nhiều người đã thoát khỏi
đói nghèo trong những năm gần đây. Nhưng theo AP, Việt Nam đang phải
vật lộn với nợ công, hậu quả chiến tranh như bom mìn còn sót lại, và các
vấn đề môi trường như hạn hán, nhiễm mặn.
Như để tỏ thiện chí,
cách đây hai hôm chính quyền Việt Nam đã trả tự do cho linh mục Tađêô
Nguyễn Văn Lý, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng. Tuy nhiên
Washington và các tổ chức nhân quyền chỉ trích chính quyền Việt Nam sử
dụng các đạo luật còn mơ hồ để trấn áp những người bất đồng chính kiến.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.