Ảnh trên FB của tác giả |
(Bài
viết của bà Phan Thị Châu, nick Facebook Chuối Chín Cây, từng là “chị Hạnh
Dung” chuyên “gỡ rối tơ lòng” trên báo Phụ Nữ TPHCM).
ƠN TRỜI,
TÔI ĐÃ BỊ BẮT!
Bị bắt giữ nhưng thật tình lòng tôi vui.
Vui vì chính mắt mình chứng kiến mọi chuyện để thấy đau cùng nỗi đau của mọi
người. Và tôi sẽ làm NGƯỜI KỂ CHUYỆN một cách trung
thực nhất.
Ra khỏi nhà lúc 9 giờ nhưng do nhầm địa điểm biểu tình,
phải đi loanh quanh đến gần 10 giờ tôi mới hòa nhập được với dòng người biểu
tình đang di chuyển từ công viên 30/4 sang Nhà thờ Đức Bà.
Mặc dầu tất cả đoàn người biểu tình giương cao biểu
ngữ, ngồi hoặc đi trong ôn hòa nhưng đám công an, cảnh sát cơ động, thanh niên
xung phong và một lô lốc áo xanh dương, cùng đám người mặc thường phục cố tình
thọc sâu vào nhóm biểu tình nhằm xé lẻ đoàn người thành từng nhóm nhỏ bị cô
lập.
Chen lấn, dùi cui, hơi cay bắt đầu quật xuống. Máu đã
đổ, tiếng người kêu khóc, phản đối và lần lượt nhiều người bị tống lên xe buýt.
Tôi cũng nằm trong số người bị bắt, kéo lên xe buýt. Nhiều thanh niên, thiếu nữ
bị đánh bể đầu máu chảy thấm vai áo, chúng tôi la ó phản đối hành vi đánh người
và yêu cầu đưa những người bị nạn cấp cứu. Nhưng tất cả bị lờ đi.
Số thanh niên bị đánh nặng nề và bị khiêng quăng lên
xe buýt lúc càng nhiều. Trên chiếc xe buýt của tôi, có khá nhiều thanh niên
không chỉ bị đánh bị đá vào đầu vào mặt, vào bụng, bẻ tay...mặt mũi sưng tím,
máu loang dầm dề vậy mà có hai thanh niên còn bị nhóm mặc đồ dân sự đứng dưới
xe nhoài người vô đánh tới tấp vào đầu và bóp vào hạ bộ để hành hạ dù hai thanh
niên kia đã bị đánh tơi tả và bị quăng lên xe buýt. Trên xe có hai bậc cha, mẹ
run rẩy đề nghị cho họ xuống vì con của họ một đứa hai tuổi, một đứa bốn tuổi
đang bơ vơ dưới đường không biết về đâu. Nhưng người mặc thường phục trên xe
cương quyết không cho xuống. Đã vậy, anh ta còn xỉa xói như muốn đánh người.
Tất cả xe buýt chở người bị bắt về sân Hoa Lư, quận 1
đều được mấy chiếc xe mô tô do công an cầm lái chạy trước, đèn chớp, còi hụ như
rước lãnh đạo. Vào sân mọi người bị phân tán thành từng nhóm nhỏ dưới sự vây
quanh của cảnh sát cơ động. Tất cả điện thoại đều bị buộc tập trung một chỗ và
bị xóa sạch mọi dữ liệu. Riêng điện thoại cùi bắp của tôi, sau khi bị an ninh
kiểm tra kỹ càng, chúng cho phép tôi giữ lại với điều kiện không được sử dụng
trong thời gian bị tạm bắt giữ.
Trên hai trăm người bị bắt giữ tại sân vận động Hoa Lư
ngoài việc bị kêu lên khai báo, bắt lăn tay chụp hình có gắn bảng số như tội
phạm trộm cướp (đối với những người biểu tình không mang theo giấy tờ như tôi)
đều bị vây chặt bởi lực lượng an ninh chìm, nổi. Thậm chí thoạt đầu có người
đau bụng muốn đi toilette họ cũng không cho. Trước tình hình đó mọi người xúm
lại la ó và bảo người kia cứ ị tại chỗ, mọi người sẽ đứng vòng quanh bảo vệ.
Lúc đó mấy tay an ninh mới cho cảnh sát cơ động đi theo canh chừng. Một hình
ảnh rất buồn cười cứ một người đi toilette, nếu người đi là nam thanh niên thì
có tới hai tới ba cảnh sát cơ động đi theo. Còn mấy bà già như tôi thì chỉ có
một người cảnh vệ thôi.
Trời thì hầm hập nóng, đói và khát khiến nhiều người
mệt lả. Bà con bắt đầu lên tiếng phản đối khi thấy an ninh, công an, cảnh sát
cơ động thì ngồi trên ghế chễm chệ uống nước tinh khiết đóng chai , còn bà con
thì áo quần xốc xếch, bầm dập ngồi bệt dưới đất chỉ được cấp một xô nước đá và
một cái ly nhựa xốp. Chẳng biết lúc đầu xô nước ra sao nhưng tới lúc tôi định
uống thì nhìn dưới đáy xô rất dơ nên tôi đành bỏ ly xuống. Mãi về sau, họ mới
thay bằng bình nước của một cơ sở vô danh mà chất lượng nước rất đáng ngờ và
đến gần 17 h thì chúng tôi mới được cấp cho vài chai nước dung tích nhỏ chia
nhau uống để quên đi một ngày đói meo. Chẳng ai đoái hoài gì trong số những người bị bắt giữ đã có vài người quỵ ngã vì lên
cơn đau tim hay bị xuống đường huyết ngã lăn ra đất vì đói và mệt.
Có một tay thanh niên mặt thường phục, mặt mày hợm
hĩnh cứ chĩa máy quay (có lẽ để quay từng gương mặt). Người nào cãi lý, hô hào
nhiều thì anh ta cố ý chĩa máy quay như hăm doạ. Có hai phụ nữ do tranh luận
cũng như đòi hỏi công lý bị lôi đi. Mọi người đồng lòng chống lại thì bị cảnh
sát cơ động khống chế để lôi hai người phụ nữ lên xe cảnh sát đi đâu không rõ.
Hầu như đa phần đều từ chối lăn tay, chụp hình cũng
như ký tên vào biên bản do chính tay công an viết "tự khai nhận tụ tập gây rối an ninh". một số nhỏ bị dụ "cầm bảng số chụp hình, lăn tay đi rồi
được về sớm" (nhưng cuối cùng mấy người bị lừa này cũng phải ở lại với chúng tôi tới chiều và sau đó bị dẫn độ về
công an quận (nơi người biểu tình cư ngụ) để tiếp tục bị tra vấn có lẽ cũng tới
khuya như chúng tôi mới được cho về.
Nói cho công bằng thì cũng có một số khá đông anh em
thanh niên xung phong, cảnh sát cơ động, công an và an ninh cư xử khá tốt: nhũn
nhặn, dịu dàng khi bị chúng tôi từ chối thẳng thừng và phản ứng gay gắt về việc
lăn tay, chụp hình . Hoặc khi thấy một số người quật dùi cui xuống dân biểu
tình, họ hò hét che chắn cho những người già như tôi. Một số khác cũng biết
lắng nghe, dù không nói ra nhưng nhìn ánh mắt của họ tôi thầm hiểu họ chỉ vì công
vụ mà bắt giữ chúng tôi thôi.
Bởi vì như tôi nói với họ: "Gia đình các con có dám ăn cá không ? Bao nhiêu ngư dân bị mất điều kiện để sinh sống. Biển chết, ngư dân đói, môi trường trên cạn cũng như dưới nước đều bị đe dọa. Hoàng Sa đã mất, Trường Sa thì một số hòn đảo ta không còn quyền kiểm soát. Lòng các con đau không? Căm thù không?"
Khi công an quận 2 hỏi "Lần sau bà có tiếp tục đi biểu tình không?". Tôi đã nhìn
thẳng họ trả lời: "Tôi sẽ tiếp tục
đi cùng mọi người trong những cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc và để yêu
cầu chính quyền có biện pháp tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường.."
Và các cậu ấy vẫn lặng lẽ khi tôi nói tiếp: " Cô tin với trái tim của NGƯỜI VIỆT
CHÂN CHÍNH, các con cũng sẽ làm như cô nếu như các con không mặc sắc phục này,
phải không?"
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.