lundi 12 octobre 2020

Điều tra của Le Monde về vụ 39 người Việt chết trong xe tải ở Anh (1)

 


Đôi lời
 : Nhật báo Pháp Le Monde số đề ngày 13/10/2020 có bài điều tra mang tựa đề tạm dịch « Một năm sau vụ chiếc xe tải tử thần, điều tra về thị trường khủng khiếp liên quan đến kinh doanh di dân » của ba tác giả Eric Albert, Julia Pascual và Simon Piel, nhân vụ án được đưa ra xử ở Luân Đôn hôm 05/10. Vì bài điều tra rất dài, Thụy My sẽ đăng làm nhiều kỳ. Về danh tính các nạn nhân, xin phép để nguyên tên không dấu trong bài báo, trừ một số cái tên đã được biết rõ.

Trong đêm 22 rạng 23/10/2019, 39 người Việt Nam bị chết vì nghẹt thở trong một chiếc xe container lạnh đã đưa họ từ Bỉ sang Anh bất hợp pháp. Một năm sau, các cuộc điều tra khác nhau đã giúp tái hiện lại thảm kịch và đánh giá tầm cỡ của các mạng lưới đưa người vượt biên.

Những chuyến xe ra vào liên tục bắt đầu vào khoảng 10 giờ 30, khuất xa các tầm nhìn, trên một con đường nhựa dẫn vào ngõ cụt, phía bên ngoài khu công nghiệp Bierne ở miền bắc. Ở đó chỉ có những cánh đồng trồng bắp hoặc lúa mì, và một trang trại cũ kỹ mà người ta cho rằng bị bỏ hoang.

Bốn tài xế taxi (Mohamed A., Sergiio M., Anis C. và Benyamine H.) lần lượt thả xuống khoảng hai mươi người mà họ đã đón trước đó ba tiếng đồng hồ tại vùng ngoại ô Paris, từ Créteil (vùng Val-de-Marne) hay Aulnay-sous-Bois (vùng Seine-Saint-Denis).

Những chiếc xe hơi khác từ Bỉ cũng đến nơi sau đó, trên xe có khoảng mười hai người, toàn là người Việt. Tổng cộng có 39 người Việt Nam quyết tâm đi lậu qua biển Manche để đến Anh quốc. Có cả nam lẫn nữ và thiếu niên, tuổi từ 15 đến 44, chủ yếu quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, thuộc phía bắc miền Trung Việt Nam.

« Phía bên kia »

Hôm thứ Ba 22/10/2019 ấy, thời tiết se se lạnh. Trong khi chờ đợi leo lên phía sau chiếc xe container sẽ đưa họ lên chiếc phà tên MV Clémentine để đi từ cảng Zeebruges của Bỉ, 39 di dân này trú trong một nhà kho, nơi họ có thể giấu mình trong những đụn rơm. Rồi Nhung, Hung, Tho, Nam, Linh và những người khác được lệnh tắt điện thoại di động, họ leo lên rờ-moọc phía sau chiếc xe container lạnh màu trắng.

Một khi cửa đóng lại, tài xế người Bắc Ireland 23 tuổi, Eamonn Harrison lên đường hướng về phương bắc. Lúc đó chưa đến 12 giờ trưa, trong buổi sáng mùa thu hôm ấy. Chỉ vài giờ nữa là họ sẽ đến Anh, « phía bên kia », từ được những người nhập cư thận trọng sử dụng khi trao đổi qua internet với đám môi giới. Cảng đến sẽ là Purfleet, ở cửa sông Thames.

Họ không biết rằng ở Bierne, những chuyến xe lui tới con ngõ cụt đã gây chú ý nơi Laetitia, một nhân viên xã hội đang mang thức ăn đến cho một bà cụ - cư dân duy nhất ở đối diện với ngôi nhà kho nông sản. Được báo tin, gia đình bà cụ đã gọi cho hiến binh, nhưng khi nhân viên công lực đến nơi thì tất cả đã biến mất. Hoặc là gần như vậy.

Hai phụ nữ Việt Nam đang lang thang trên đường, giống như đi lạc. Hiến binh thẩm vấn họ nhưng không có thông tin gì. Tuân theo ý kiến của công tố viện địa phương, hiến binh để họ ra đi. Hai phụ nữ này không biết rằng nhờ đi trễ, họ đã giữ được mạng sống.

Trong đêm 22 rạng 23/10/2019, vào khoảng 1 giờ sáng, một chiếc xe tải thứ hai ở bên kia bờ biển Manche tiếp nhận chiếc rờ-moọc đông lạnh được đưa lên phà MV Clémentine. Tài xế là Maurice Robinson, một người Bắc Ireland 25 tuổi, rời cảng Purfleet với « chuyến hàng ». Vài phút sau, anh ta dừng lại giữa hai nhà kho của khu công nghiệp Waterglade ở Gray, mở chiếc rờ-moọc và phát hiện các xác chết đang nằm trong đó, 31 nam và 8 nữ. Họ không chết vì lạnh - hệ thống lạnh không được mở - mà vì nghẹt thở, vì quá nhiều người bị dồn vào một không gian chật hẹp.

Vì sao họ lại bị nhồi nhét như vậy ? Các nhà điều tra tham gia vụ này đưa ra giả thiết một chiếc xe tải thứ hai được dự kiến điều đến điểm xuất phát ở Bierne. Do không thấy xe tới, nhóm môi giới có thể đã quyết định đưa cả 39 người lên cùng một chiếc rờ-moọc do Eamonn Harrison điều khiển.


Tám tiếng đồng hồ trên đường

Zeebruges và Purfleet cách nhau 8 tiếng đồng hồ chạy xe. Bên trong chiếc rờ-moọc của xe tải, nhiệt độ lên đến 38 độ. Một trong số các nạn nhân chụp ảnh selfie, cho thấy mồ hôi của cô đang nhỏ từng giọt lớn. Tất cả giờ chỉ còn mặc đồ lót. Hoảng sợ, một số người cố gắng dùng thanh sắt phá cửa nhưng không thành công.

Thiếu oxy để thở, Phạm Thị Trà My, một cô gái 26 tuổi gởi tin nhắn cuối cùng cho gia đình : « Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi ! Con đường đi nước ngoài không thành. Mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được ».

Tin nhắn cuối cùng được các nạn nhân viết ra kết thúc vào lúc 19 giờ 30. Khi dỡ hàng, các nhân viên bốc xếp ở cảng ngửi thấy « một mùi hôi thối nồng nặc ».

Về phía nhóm đưa người vượt biên bắt đầu lo lắng. Họ biết rằng đã nhét quá nhiều người vào container. Ronan Hughes, một người Bắc Ireland đưa coi là một trong những kẻ cầm đầu, gởi tin nhắn đến Maurice Robinson, tài xế chiếc xe. « Để cho họ nhanh chóng hít thở, nhưng đừng cho ra ngoài ».

Tại khu công nghiệp, các hình ảnh từ camera giám sát cho thấy chiếc xe tải dừng lại. Khi mở chiếc rờ-moọc phía sau xe, một làn hơi nóng thoát ra. Robinson sững sờ đứng nhìn cảnh tượng của ngày tận thế, rồi gọi cho ông chủ. Phải đến 15 phút sau, anh ta mới quyết định gọi xe cấp cứu.

Cảnh sát cũng vội vã đến. Robinson bị bắt. Ngay lập tức vụ này gây chấn động với tầm vóc quốc tế, cứ như là 39 thi thể đã tiết lộ cho đa số về tình trạng đưa người vượt biên đã được bình thường hóa. Mỗi ngày, có những người nam cũng như nữ chấp nhận rủi ro đến tính mạng để vượt qua biên giới. Một ê-kíp điều tra chung Anh, Bỉ, Pháp, Ireland liền được thành lập.

(Còn tiếp)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.