mercredi 6 mars 2024

Hoàng Nguyên Vũ - Đồ đểu tràn lan cửa Phật

Tôi quy y ở một chùa nghèo ở Hải Dương. Chùa xưa, các sư trồng rất nhiều chuối, đó là một nguồn thu của chùa. Phật tử nơi này toàn các cụ già, dân nghèo. Họ công đức tiền lẻ, các sư cũng chẳng kêu than, cứ cái hạnh của mình mà tu.

Chùa có nhiều tượng cổ, từng bị trộm mất vài pho. Các sư cố gắng gom góp tiền làm pho tượng thay thế, cũng chẳng kêu phật tử cúng dường.

Bao năm qua rồi, tôi chưa bao giờ nhận được một cuộc gọi cúng dường hay đóng góp này nọ từ chùa này. Đôi khi trách mình hơi xao nhãng, nhưng cũng thấy tâm an vì còn những nơi chữ tu không đi liền chữ tiền. Vậy đấy.

Khi vào Sài Gòn, tôi hay đến một ngôi chùa nổi tiếng ở Sài Gòn. Vị sư trụ trì có nụ cười khá hiền. Tôi quen ông khi chúng tôi có chuyến công tác đến một nhà tù, sư thầy nói chuyện với các phạm nhân về Phật pháp để cảm hóa họ. Hôm đó có biểu diễn văn nghệ, thầy hát rất hăng, hát cả Đan Trường Cẩm Ly, song ca với phạm nhân nữ, rất dễ thương, không phản cảm.

Ngày ấy, thầy nói về Phật, rất ấm áp và gần gũi.

Thấm thoắt một cái mười năm trôi qua. Tôi lại đến chùa gặp thầy, lúc này thầy đã là một vị sư rất nổi tiếng trên mạng xã hội. Tôi phải xếp hàng để lấy cái hẹn, vì lúc này có một việc rất cần phỏng vấn.

Phía trước tôi là một số Phật tử ruột, người giới thiệu là chủ tiệm vàng, kim cương; kẻ giới thiệu là chủ doanh nghiệp lớn. Thầy ngồi đó, trên cái ghế gỗ chạm trổ long trọng như một vị vua, các cô Phật tử cung phụng như trong cung điện.

Thầy không còn nhớ tôi nhưng khi biết tôi làm truyền thông, thầy muốn tôi trợ giúp làm hình ảnh cho thầy trên mạng xã hội để nhiều con dân chú ý hơn. Tôi từ chối và sau cuộc đó, tôi không gặp lại thầy nữa vì thầy đã là một người hoàn toàn khác. Sau đó thầy cũng gặp nhiều khủng hoảng phát ngôn rồi kiện tụng nhau ì xèo, tôi kệ.

Không ít các sư của hôm nay ăn sung mặc sướng không khác gì ông hoàng, kẻ hầu người hạ, tìm mọi cách moi tiền bá tánh. Và cách dễ thấy nhất là mê tín hóa chùa chiền, tự cho mình có quyền điều khiển âm binh, trục vong này nọ. Giải hạn, biến nghèo thành giàu, biến khổ thành sướng mà chẳng thấy thầy nào nói biến ác thành thiện.

Có thầy còn nói nếu đi theo thầy sẽ giàu có lên, tai qua nạn khỏi để không ít ông ít bà đã ùn ùn theo các thầy để giàu hơn nữa. Đã thế, các thầy suốt ngày lên mạng xã hội rao giảng đạo lý, cái gì cũng nói mà toàn nói những cái không thuộc về mình. Ví dụ, đi tu mà cũng nói về tình yêu đôi lứa, thậm chí cả…tình dục. Rồi cuộc sống vợ chồng, có sư thao thao bất tuyệt như mình rành lắm. Xong, khổ, còn nói cả chuyện làm ăn buôn bán, giời ạ.

Nói về nhân quả thì không theo một giáo lý nào, toàn mắng nhiếc và hù dọa mấy cái đồn nhảm ở đâu như kiếp này thế này thì do kiếp trước thế kia. Đấy, vậy mà con dân tin sái cổ.

Lỗi tại ai? Dĩ nhiên là tại Phật tử. Sự u mê thái quá, thần thánh hóa sư sãi, cộng với cái tham sân si cao độ, muốn gặp thầy để giàu để sang, để thể hiện đẳng cấp. Thì các thầy - vốn cũng có đầu óc kinh doanh, lại xem việc tu hành như trang sức, kiểu gì chẳng cho các phật tử như thế này toại nguyện?

Nhiều người cứ nói thời mạt pháp, nhưng thực sự nó đến từ đâu? Nó đến từ các Phật tử tham sân si; nó đến từ các sư dùng đủ loại nghệ thuật để mụ mị bá tánh hòng mong ghế lớn lọng vàng. Họ đã đi một con đường sai hoàn toàn, không có tu tập gì mà chỉ là thể hiện, là chứng tỏ, tôn vinh, tạo ra những hình mẫu tăng bảo đầy ảo, đầy danh vọng và săc mùi tiền bạc.

Thương những bậc chân tu đúng nghĩa một đời tu tập mang pháp bảo đến bá tánh, đơn độc giữa cái nơi chốn mà đồ đểu tràn lan vào cửa Phật đến thế này đây!

HOÀNG NGUYÊN VŨ 06.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.