Năm 2008, vào một cuối chiều se sẽ sương thu, là thứ chẳng mấy khi chạm vào vùng tiểu khí hậu ven biển như Đà Nẵng, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc từ Sài Gòn về quê, đến thăm nhà mới của tôi.
Cuộc trò chuyện ngẫu hứng giữa hai anh em văn nghệ biến thành bài phỏng vấn trên báo Thanh Niên sau đó. Tựa đề rút từ một câu trong cuốn nhật ký đi biển loằng ngoằng của tôi: "Hãy nhớ lấy những cái tên không được phép lãng quên". Là tên quần đảo Hoàng Sa đã bị cướp.
Cũng là lần đầu tiên trên mặt báo chính thống xuất hiện dòng chữ tưởng như đương nhiên từ buổi cha ông mình mở nước, "bởi quân xâm lược Trung Quốc".
Kim Cúc cho tôi xem những thước phim hiếm vào thời điểm ấy: Thảm sát Gạc Ma ngày 14.3.1988.
Từ phía sau chúng tôi, bỗng vỡ òa tiếng khóc trẻ thơ. Hóa ra cháu gái đầu lòng lên năm đã rời búp bê, đến sau lưng tôi từ lúc nào. "Ông ơi, bọn ni giết người mình!…"
Cháu gào to, chỉ ngón tay bụ bẫm vào màn hình laptop khiến hai chúng tôi nhìn nhau ái ngại, tự trách đã sơ ý để lọt vào mắt tuổi thơ một cảnh cực kỳ man rợ.
Chừng nửa giờ sau, cháu thình thịch chạy trở ra phòng khách, mặt đỏ phừng, mắt long lanh, xòe cuốn tập vẽ trước mặt khách: "Bà Cúc ơi, quân mình đã đánh chết hết tụi nó rồi nè!". Ôi, trong tranh của cháu, cái lũ "tàu lạ" cứ như kiến dưới chân "quân mình", những vị thần khổng lồ.
"Họa sĩ" ấy giờ là sinh viên Nguyễn Tôn Nữ Sao Khuê có phim ngắn Alma, về chiến tranh Nga-Ukraina, công chiếu tháng Tư 2023 tại Thư viện thành phố Vancouver, Canada.
VĨNH QUYỀN 19.01.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.