vendredi 19 janvier 2024

Lưu Trọng Văn - Năm mươi năm nỗi đau dân tộc

 

Vậy là tròn 50 năm Hoàng Sa bị cộng sản Trung Quốc cưỡng chiếm.

1. Gã nhớ như in ngày 27.07.2011, lần đầu tiên giới trí thức Sài Gòn tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cả 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh ngày 19.1.1974 tại Hoàng Sa.

Khi luật gia Lê Hiếu Đằng mời gã phát biểu, lời thưa đầu tiên của gã là: Thưa bà Huỳnh Thị Sinh vợ của hải quân thiếu tá Việt Nam Cộng Hòa Ngụy Văn Thà, người đã chỉ huy hạm tàu Nhật Tảo HQ-10, hy sinh anh dũng ở Hoàng Sa.

Mọi người mời bà Sinh đứng dậy và đồng loạt vỗ tay chào đón bà. Bà Sinh đã không kìm được nước mắt, chỉ biết đứng trân ra lau nước mắt.

Thoắt cái 13 năm trôi qua rồi cái sự kiện lần đầu tiên các liệt sĩ Hoàng Sa được các nhân sĩ trí thức Sài Gòn tưởng niệm.

2. Hôm nay tròn 50 năm ngày thiếu tá Ngụy Văn Thà cùng 73 đồng đội của mình bị quân cộng sản Trung Quốc thảm sát khi bảo vệ Hoàng Sa, và cũng là 50 năm - nửa thế kỷ quần đảo thiêng liêng của Tổ tiên ở Biển Đông bị cưỡng chiếm.

Gã lướt trên không gian mạng, nổi bật bài viết của ông Đặng Ngọc Tùng, người khi là ủy viên trung ương đảng, chủ tịch Công đoàn Việt Nam đã công khai vận động xây Tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh ở Hoàng Sa bất chấp mọi e ngại, cản trở.

Nhưng rất tiếc ông chỉ làm được Tượng đài tưởng niệm Vòng tròn Gạc Ma bất tử tưởng niệm các liệt sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ Trường Sa.

Nỗi đau đáu làm đài tưởng niệm Hoàng Sa vẫn không thôi trong ông. Gã đọc trên Facebook của ông Đặng Ngọc Tùng bài viết tâm huyết của ông và muốn chia sẻ với bạn đọc của mình.

50 NĂM NỖI ĐAU DÂN TỘC

Đặng Ngọc Tùng

50 Năm - Hoàng Sa rời xa đất mẹ Việt Nam!

Tổ tiên Việt Nam là những người đầu tiên phát hiện ra hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và xác lập chủ quyền trên hai quần đảo này. Các Triều đình Nhà Nguyễn liên tục cử các đội hùng  binh ra Hoàng Sa để thực hiện chủ quyền. Thực dân Pháp đã xây đài khí tượng thủy văn trên quần đảo Hoàng Sa, đưa những người Việt ra làm nhiệm vụ trên đài khí tượng thủy văn trên đảo Hoàng Sa.

Sau hiệp định Genève năm 1954, chính phủ Pháp bàn giao việc quản lý đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (từ vĩ tuyến 17 trở xuống).

Lợi dụng tình hình nguy cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc đã xua quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19.1.1974 . 74 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã vĩnh viễn nằm lại vùng biển Hoàng Sa, (lúc đó tôi và nhiều sinh viên khác trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định đã xuống đường biểu tình chống quân Trung Quốc xâm lược), và Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa từ ngày đó đến nay.

Nhiều lần chuyện trò với ngư dân đào Lý Sơn, tôi lại càng thấm về nỗi đau này!”

3. Riêng gã, xin gửi bạn đọc bài thơ gã đã đọc trong cuộc tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa, và bản gốc chép tay bài thơ gã đã tặng cho bà Huỳnh Thị Sinh.

LỊCH SỬ PHẢI SANG TRANG

Hoàng Sa –19.1.1974

Các anh ngã xuống

Lợi, Đào, Trứ, Đông, Trí

Thêm, Cường, Thà… ơi!

            Dù quá muộn

            Hôm nay tên các anh Non sông đã gọi.

            Dù quá muộn

            Hôm nay Non sông kính cẩn nghiêng mình

Cùng Thắng, Hiền, Nam, Chúc, Khoa, Thoa …

14.3.1988

Ngã xuống ở Trường Sa.

Ôi 138 chàng trai nước Việt

            Chưa xanh cỏ, đỏ ngực bao giờ

            Trên mộ các anh

            Dù có úa tàn những sắc cờ vàng, đỏ

            Vẫn vẹn nguyên giọt nước mắt mẹ Việt Nam máu đỏ, da vàng.

Mẹ Việt Nam ơi

Giọt nước mắt của Người trắng trong mặn chát

Sẽ hóa giải mọi sắc cờ.

Sông núi hồn thiêng Tụ Nghĩa, Tụ Nhân đâu phải lời bọt mép.

Không thể nào khác được

Lịch sử phải sang trang!

4 .Theo kỹ sư hàng hải Đỗ Thái Bình, nhóm Nhịp cầu Hoàng Sa - Trường Sa đã tổ chức cuộc tưởng niệm 50 năm trận hải chiến Hoàng Sa tại biển Đà Nẵng và Bảo tàng Hoàng Sa. Tham gia cuộc tưởng niệm này có các con của những chiến binh Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận Hải chiến 19.1.1974: Nguyễn Thị Thanh Thảo, sinh 1969, con gái Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí; Đỗ Thị Thanh Tuyền, sinh 1973, con gái liệt sĩ Đỗ Văn Long, người nhái hy sinh đầu tiên; Lương Thanh Quế, sinh 1974, con gái liệt sĩ Lương Thanh Thú; Đinh Tiến Dũng, sinh 1972, con trai liệt sĩ Đinh Văn Thực.

Các cựu binh tham gia trận Hải chiến 19.1.1974: Trần Văn Hà, cựu binh tàu HQ-10, Lữ Công Bảy, Trịnh Văn Quý, Nguyễn Văn Sáu, cựu binh HQ-4, Huỳnh Đắc Lộc, cựu binh HQ-16.

Cuộc hội ngộ tưởng niệm công khai này suôn sẻ không gặp bất cứ trở ngại nào là một tín hiệu vui.

LƯU TRỌNG VĂN 19.01.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.