Hôm nay, nhà cháu đọc "Đông chu liệt quốc" của Phùng Mộng Long tiên sinh, do cụ Nguyễn Đỗ Mục dịch, đến đoạn này. Sống chết đều có số cả, chứ không phụ thuộc vào tin đồn, bác sĩ hoặc thầy cúng, hoặc sư chùa Ba Vàng. Dẫu chùa Quán Sứ có dâng sao giải hạn thu phí thì cũng thế thôi.
"Tấn Cảnh công nói:
– Vậy thì cái hạn lớn của ta thế nào?
Thầy cúng nói:
– Tôi xin liều chết mà nói thẳng rằng cứ như bệnh tình của chúa công thì e không kịp nếm lúa mạch mới.
Đồ Ngạn Giả bảo thầy cúng rằng:
– Chỉ trong một tháng nữa thì lúa mạch chín. Chúa công dẫu có bệnh, nhưng tinh thần còn tráng kiện, đã đến nỗi nào! Nếu chúa công được nếm lúa mạch mới thì ta chém đầu nhà ngươi!
Đồ Ngạn Giả nói xong, liền đuổi thầy cúng ra. Sau đó bệnh Tấn Cảnh mỗi ngày một nặng thêm.
Tấn Cảnh công ốm nặng, ngày đêm mong đợi thầy thuốc nước Tần, bỗng nằm mộng thấy hai đứa bé con ở trong lỗ mũi chui ra. Một đứa nói: “Cao Hoãn nước Tần là danh y đời bây giờ, nếu hắn đến chữa thuốc thì chúng ta tất bị hại, biết làm thế nào mà tránh được?” Đứa kia nói: “Chúng ta tránh vào phía trên mạng mỡ, phía dưới quả tim thì hắn làm gì ta nổi”.
Được một lúc thì Tấn Cảnh công kêu đau bụng rầm rĩ cả lên, không thể chịu được. Nguỵ Tướng đưa Cao Hoãn vào. Cao Hoãn xem mạch xong, nói với Tấn Cảnh công rằng:
– Bệnh này không thể nào mà chữa được nữa!
Tấn Cảnh công hỏi:
– Tại sao ?
Cao Hoãn nói:
– Bệnh này ở phía trên mạng mỡ, phía dưới quả tim, dẫu đốt cũng không thấu được, dẫu châm cũng không tới được, còn chữa làm sao, chẳng qua cũng là mệnh trời!
Tấn Cảnh công khen rằng:
– Nhà ngươi thật là danh y! Lời nói hợp với trong mộng của ta lắm!
Nói xong truyền đem lễ vật tiễn đưa Cao Hoãn trở về nước Tần. Bấy giờ có một người tiểu nội thị tên gọi Giang Trung, hầu hạ mỏi mệt quá, đang giữa ban ngày, bỗng chợp mắt ngủ đi, thấy mình công Tấn Cảnh công bay lên trên trời; khi tỉnh dậy, nói chuyện với những người xung quanh, lại vừa gặp Đồ Ngạn Giả vào cung thăm bệnh, nghe được cái mộng ấy liền nói với Cảnh công rằng:
– Trời là dương minh, bệnh là âm ám, nay thấy bay lên trên trời, thế là bỏ chỗ âm ám mà tới chỗ dương minh, bệnh chúa công tất gần đến ngày khỏi.
Tấn Cảnh công hôm ấy thấy trong mình cũng hơi dễ chịu, lại nghe lời nói của Đồ Ngạn Giả, có ý mừng thầm. Bỗng có kẻ điền nhân đem lúa mạch mới vào dâng. Tấn Cảnh công muốn ăn ngay, liền sai nhà bếp đem một nữa giã nhỏ ra để nấu cháo. Đồ Ngạn Giả căm tức người thầy cúng về việc nói họ Triệu chết oan, mới tâu với Cảnh công rằng:
– Ngày trước thầy cúng nói: Chúa công không kịp nếm lúa mạch mới, nay câu nói ấy không nghiệm, xin triệu đến mà bảo cho hắn biết.
Tấn Cảnh công theo lời, triệu người thầy cúng đất Tang Môn vào, rồi sai Đồ Ngạn Giả quở trách rằng:
– Lúa mạch mới đã để đây rồi, nhà ngươi còn dám bảo là chúa công không kịp nếm nữa hay thôi?
Thầy cúng nói:
– Chưa chắc!
Tấn Cảnh công nghe nói tức thì biến sắc. Đồ Ngạn Giả nói:
– Bề tôi mà dám nguyền rủa vua thì tội đáng chém!
Đồ Ngạn Giả truyền đem người thầy cúng ra chém. Người thầy cúng thở dài mà than thân rằng:
– Thương hại cho ta, vì giỏi một nghề nhỏ mọn mà đến nỗi thiệt đời!
Quân sĩ đem đầu người thầy cúng đất Tang Môn vào nộp, lại vừa gặp nhà bếp dâng bát cháo lúa mạch; bấy giờ trời đang trưa, Tấn Cảnh công toan cầm lấy bát cháo lúa mạch để ăn, tự nhiên bụng phát chướng lên, muốn đi ra ngoài, vội vàng gọi Giang Trung, bảo cõng ra nhà xí. Giang Trung cõng ra đến nơi thì Tấn Cảnh công đau bụng quá, chân đứng không vững, ngã lăn xuống hố xí. Giang Trung lóp ngóp ẵm lên thì đã tắt hơi. Chung quy vẫn là không kịp nấu lúa mạch mới mà giết oan người thầy cúng cao tay ở đất Tang Môn".
NGUYỄN THÔNG 15.01.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.