mardi 16 janvier 2024

Hiệu Minh - Tin đồn về tổng bí thư : Nghĩ kỹ trước khi đăng bài

Hồi tháng 10-2018, mạng xã hội loạn tin về hai cụ tổng bí thư và chủ tịch nước cùng mất, trong đó có cụ Đỗ Mười hơn 100 tuổi và cụ Lê Đức Anh.

Cụ Đỗ Mười thì mất thật, nhưng cụ thứ hai thì không.

Cuối cùng cụ Lê Đức Anh đang nằm cũng phải ngồi dậy trả lời phỏng vấn, khi đó mới hết đồn. Thế mà nhiều Facebooker đưa tin như cụ đã chết rồi.

Hơn tuần nay lại có chuyện úp mở về tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng kiểu bóng gió, một thành mười, mười thành một trăm và dường như cả nước đợi quốc tang. Nhưng ngày 15/01 thì có ảnh và video chiếu cảnh tổng bí thư dự khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, chả hiểu còn đồn đại gì nữa không.

Đơn giản là nhiều người đọc tin, xem ảnh, không tìm hiểu kỹ, sóng mạng là phải. Đây là những lỗi thường gặp hay gây bão mạng

• Không đọc kỹ đã bắt đầu phản hồi, chia sẻ bừa bãi;

• Tìm “rận” hơn tìm giải pháp;

• Chế giễu hơn là đóng góp xây dựng;

• Dùng từ quá thẳng làm người đọc khó chấp nhận;

• Cảm tính và không logic;

• Cứ cho một người có uy tín, một tờ báo uy tín viết…coi như đúng.

Có nhiều cách để gửi thông điệp. Than về cái điều ai cũng biết, ai cũng nói rồi, thì chắc chắn không ai thích. Sáng tạo hay quan điểm mới của người viết mới là quan trọng. Muốn thông điệp được đọc thì hãy theo vài nguyên tắc sau:

1. Nghĩ cho kỹ trước khi nhấn nút send: Thời dùng công văn có thể tìm cách vào tủ lấy lại, thời internet vô phương cứu;

2. Tôn trọng người đọc: Trong mọi trao đổi, tôn trọng người đọc là yếu tố thành công số một. Tìm cách hạ đo ván ý tưởng của người khác không phải là cách hay nhất. Định rao giảng về dân chủ nhân quyền nhưng ai nói khác ý lại bảo “hãy câm mõm”;

3. Bàn luận thẳng vào vấn đề;

4. Nghĩ thật kỹ trước khi viết. Thời internet có thể gây ra bão mạng vì những thông điệp không được nghĩ thấu đáo, tin giả mạo, tin đồn sẽ nhiễu loạn xã hội;

5. Giải pháp, giải pháp và giải pháp. Phê phán mặt yếu bằng cách đưa ra giải pháp thích ứng;

6. Ví dụ, ví dụ và ví dụ;

7. Chính xác và logic. Chỉ cần một vài con số sai sẽ làm người đọc tự hỏi về độ tin cậy của người viết. Chia sẻ tin giả mạo sẽ làm người viết mất uy tín;

8. Tránh cảm tính. Bạn hay thù sẽ làm phản hồi thành cảm tính;

9. Ngắn gọn và đủ ý;

10. Tự tin. Viết xong rồi, tung lên mạng, hãy đợi người ta khen, chê và…nghe chửi.

Nguyên tắc vàng: (1) Đưa tin chính xác và khách quan; (2) Tránh gây phương hại; (3) Độc lập; (4) Trách nhiệm và minh bạch.

Chữ T-H-I-N-K của tiếng Anh được ghép trí tuệ như sau

  T – Is it True? Có đúng không?

  H – Is it Hurt? Có gây phương hại?

  I – Is it Illegal? Có vi phạm luật?

  N – Is it Necessary? Có cần thiết?

  K – Is it Kind? Điều mình viết có mang lại điều tốt đẹp?

Những ai vào đây xin đọc thêm bài Fact and Opinion trước khi tranh luận: Fact là sự thật, Opinion là quan niệm. Sự thật chỉ có một, Quan niệm có nhiều hơn một.

HIỆU MINH 15.01.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.