Tôi gắn bó với môn văn của chế độ này đã lẩu lầu lâu nên quá rành về nó. Kể từ khi học cấp 2 rồi cấp 3 (hệ 10 năm), tiếp đó mài đũng quần ở khoa Văn 4 năm rưỡi, rồi dính ngay nghề dạy học gần hai chục năm nữa, còn gì mà chẳng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Những ai ở miền Bắc trước năm 1975 trải qua các cấp học phổ thông (hồi ấy, từ cấp 1 tới cấp 3, tức từ lớp 1 đến hết lớp 10, gọi chung là hệ phổ thông, để phân biệt với hệ bổ túc văn hóa; cũng như đại học có hệ chính quy, khác với hệ tại chức, chuyên tu) đều hiểu môn văn trong nhà trường nó là thứ văn gì.
Sau nhiều năm thời thế thay đổi, cho tới nay, về cơ bản môn văn vẫn vậy. Nói ngắn gọn thì, không có văn chương đúng nghĩa trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, mà chỉ có văn học cách mạng, văn học chính trị. Một thứ văn học què quặt, thiển cận, phiến diện, méo mó, phi nghệ thuật, bị chính trị chi phối đến mức thảm hại. Một thứ văn học sống sượng phục vụ tuyên truyền, giết chết nghệ thuật.
Từ hồi học cấp 1, cũng đã lâu quá rồi nên tôi không nhớ cụ thể lớp mấy nữa, ngoài một số bài khá hay, rất văn chương, kiểu “Trung thu độc lập”, “Cây tre” của Thép Mới, vài bài thơ của Huy Cận, Định Hải, thì người ta nhét vào sách tập đọc (bây giờ gọi là sách giáo khoa tiếng Việt) những tác phẩm tuyên truyền sống sượng cho chế độ, cho đảng, bắt trẻ con phải ê a học thuộc.
Tới giờ tôi vẫn thuộc, nào là “Nông dân đã nói thì làm/Đã đi phải đến đã bàn phải thông/Đã quyết là quyết một lòng/Đã phát là động đã vùng là lên/Đã lật lật dưới lên trên/Đã chuyển là chuyển bốn bên chân trời”. Hoặc bài “Đón tin hòa bình”, trong đó có “Cầm vàng còn nghĩ ai cho/Tin này tạc dạ bác Hồ tóc sương/Gian lao mấy chục năm trường/Gian lao tranh đấu dẫn đường cho dân/Tin này là nghĩa tương thân/Liên Xô, Trung Quốc ân cần giúp ta”.
Hoặc bài “Tôi lớn trong lòng chế độ ta/Đời như bừng nở vạn nhành hoa/Lòng trai hăm hở dồn tay búa/Tôi góp mồ hôi dựng nước nhà/Rưng rưng lệ đọng dưới hàng mi/Mẹ nắm tay tôi giọng thầm thì/Thày mày sống đến ngày nay nhỉ/Tôi biết mẹ tôi muốn nói gì”. Cứ như vậy, loại thơ văn sặc mùi chính trị, biết ơn đảng bác ấy đã ám vào bao thế hệ tuổi thơ, biến bọn trẻ thành những cụ non.
Học lên cấp 2, cấp 3, định hướng chính trị trong môn văn ngày càng khủng khiếp, nặng nề. Bao nhiêu tác phẩm lớn của gần nghìn năm văn học dân tộc chỉ được lướt qua như cưỡi ngựa xem hoa. Đám học trò gần như chỉ biết hơi ky kỹ về truyện Kiều, Hịch tướng sĩ, Nam quốc sơn hà, chứ những đỉnh cao Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… lướt thôi.
Mà người ta có gán các đấng bậc ấy vào sách giáo khoa cũng cốt phê phán tư tưởng phong kiến lạc hậu, hạn chế này nọ. Thơ mới, rồi văn chương Tự lực văn đoàn giai đoạn 1930 - 1945 với Nhất Linh, Khái Hưng bị xóa sổ. Ngay cả văn học hiện thực mà họ đặt tên là văn học hiện thực phê phán cũng chỉ mấy tên tuổi Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng. Họ rút phép thông công Vũ Trọng Phụng, coi như rác rưởi; những Thạch Lam, Lê Văn Trương họ không cho bén mảng.
Mà nói đâu xa, họ đã ghét ai thì tác phẩm của người ấy dù hay đến mấy cũng không có chỗ trong nền văn học nói chung, sách giáo khoa nói riêng. Những Hoàng Cầm, Trần Dần, Hữu Loan, Quang Dũng là nhân chứng của một thời đối xử tệ hại với văn chương.
Cộng sản không thích khen ai ngoài khen họ. Ai không đi chung ý nghĩ với họ thì họ coi là kẻ thù, ghét đào đất đổ đi. Mười năm học hệ phổ thông, đứa học trò rút cục cũng chỉ quanh quẩn biết về thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, sau nữa là Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Giang Nam, Thanh Hải…Văn thì cũng lòng vòng trong mấy tác phẩm Người mẹ cầm súng, Sống như anh, Bất khuất, Hòn đất, Đất nước đứng lên, Dấu chân người lính…
Người ta dạy văn nhưng chỉ cốt làm tuyên giáo trong nhà trường, thông qua công cụ sách giáo khoa. Nói như ông Hoàng Ngọc Hiến, đó là thứ văn học phải đạo, còn nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi là thứ văn học minh họa. Văn học trong nhà trường ở miền Bắc, nói cho cùng, đã giết chết biết bao nhiêu giá trị văn học, làm nghèo và hủy hoại biết bao nhiêu tâm hồn thơ trẻ.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 30.06.2023
Ảnh : Hà Nội 1972 (Nguồn Internet)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.