Nhân chuyện thiên hạ đang lời ra tiếng vào về đề thi môn văn, về bài văn dài 22 trang... nhà cháu ngẩn ngơ nhớ lại chuyện dạy văn, học văn, làm văn, thi văn những năm chưa xa.
Trong các môn học ở nhà trường, văn luôn được coi là môn chính, cùng với toán. Thậm chí ngày xưa, xưa xửa xừa xưa, chỉ học mỗn môn văn. Bắt đầu từ “nhất là một, nhị là hai” rồi tam tự kinh, rồi đến tứ thư ngũ kinh. Cứ thuộc kinh sách như cháo, xôi kinh nấu sử thật nhừ là có thể đi thi, giành lấy cái bảng vàng trạng nguyên bảng nhỡn. Chả cần toán lý hóa sinh siếc gì cho mệt.
Văn mặc nhiên được coi là thứ tiêu chuẩn để đánh giá con người, cả về tri thức và đạo đức. Hồi xưa khen nhau, ai đó được xếp vào hạng “văn hay chữ tốt” không khác gì bây giờ được phong giáo sư tiến sĩ, anh hùng, huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu nhân dân này nọ.
Hồi tôi bắt đầu đi học (thực ra chả muốn học, chỉ muốn chơi hoặc đi đánh dậm, nhưng thày bu cứ ép, bảo “nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi” – người mà không học không biết được lẽ đời, lúc còn trẻ con mà không đi học, rồi khi già làm được trò gì). Bu còn đèo thêm, nó không đi học, sắm cho nó cái cặp tre và cái giỏ để đi nhặt cứt, sau này nhớn lên cũng chỉ ra Phòng đạp xích lô như cậu Đại là cùng. Chả là trong làng có ông Đại, nhà nghèo, mấy anh em không học hành gì, ông có hai anh là ông Bình, ông Vọng đều ra Phòng đạp xích lô, ba anh em xích lô chuyên nghiệp. Tôi không sợ theo ông Đại, còn muốn ra Phòng tung tẩy là khác, nhưng hãi phải đi nhặt cứt.
Từ cấp 1 tới đại học (hê hê, loại cứng cổ rắn đầu biếng học như tôi mà cũng đại học) thập niên 1960 - 1970, tôi chỉ học văn. Thực ra không học văn cũng chả biết học gì bởi nhà cháu đây rất dốt toán lý hóa sinh ngoại ngữ.
Cả đời không làm được bài toán số học khó nào (chỉ cộng tiền là giỏi), toán quỹ tích, hình học không gian, tính hóa trị, toán gien sinh học lại càng không. Chỉ thạo nghề chép lại quay cóp bài của bạn. Có 7 cái hằng đẳng thức đáng nhớ, học suốt ba tháng không thuộc, không ứng dụng được vào làm toán. Bảng tuần hoàn của Mendeleev dán đầy tường nhà chỉ để trang trí, không biết chất nào ở vị trí nào, số mấy, ký hiệu ra sao.
Vậy nhưng có nhẽ ăn ở hiền lành, đập con cá rô để rán cũng ngại nó chết đau đớn, được trời phật độ nên thoát hết các kỳ thi, hết cấp 1 thì vào cấp 2, hết cấp 2 lên cấp 3, xong cấp 3 vào đại học, tốt nghiệp đại học thì đi làm và... nghèo cho tới giờ. Nguyên do, chỉ thạo mỗn môn văn. Giờ vẫn không hiểu tại sao mình lại tốt nghiệp phổ thông (cấp 3, hết lớp 10) khi chưa hề làm được nửa bài toán quỹ tích.
Các cụ bảo “một nghề cho chín, hơn chín mười nghề”. Nói thế thôi, chín nghề văn chỉ có từ toi đến toi. Kiếp sau, nếu thày bu lại ép đi học, hoặc trốn hẳn, hoặc sẽ chuyển sang môn toán, quyết không chép bài quay cóp nữa.
Cả đời theo đòi học văn, có lẽ điều may mắn duy nhất là được làm trò của các đấng bậc tài giỏi, như thầy Ngô Minh Phất (Trường cấp 2 Thụy Hương), thầy Tòng, cô Diệp, cô Nga (Trường cấp 3 Núi Đối, Kiến Thụy, Hải Phòng), và đặc biệt các thầy cô Đinh Gia Khánh, Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Hượu, Nguyễn Tài Cẩn, Bùi Duy Tân, Đỗ Hồng Chung, Lê Hồng Sâm, Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Nguyễn Kim Đính… Học các thầy giỏi, nhưng ra đời cho tới giờ vẫn chỉ là kẻ tầm thường và nghèo, đó tại lỗi của bản thân chứ không phải của các thầy.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 28.06.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.