Cũng lâu rồi mình không gặp bạn ấy. Lần gần nhất là trong một hội thảo quốc tế ở Hà Nội gần 5 năm trước.
Tám năm trước, sau sự kiện Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, sự kiện Văn Giang (Hưng Yên) nổ ra. Ban biên tập nhắc: Thay vì bày tỏ bức xúc chỉ trên facebook, chúng ta hoàn toàn có thể mổ xẻ vụ này trên báo. Và văn phòng Hà Nội, Đoan Trang và Ban Thời sự đã cùng thảo luận đề xuất mổ xẻ sự việc này. Chúng tôi đã đặt nó dưới cái nhìn căn cơ gốc rễ hơn từ việc xây dựng chính sách.
Đoan Trang được giao nhiệm vụ. Tòa soạn đánh giá cao khả năng phân tích chính sách của cô. Được giao nhiệm vụ, Trang ngạc nhiên: "Ôi! Em được giao thật ạ?"
Và cô đã cùng đồng sự làm rất tốt. Chặt chẽ, quyết liệt và xây dựng.
Vệt bài điều tra và phân tích "Vì sao nông dân Văn Giang quyết liệt giữ đất?" không thấy cấp trên hay ai ngăn cản hay phê bình gì, dù loạt bài khá gay gắt.
TBT Ba Nhỏ (Phạm Phú Tâm) sau này vẫn nhắc: Nếu thật sự nói một cách có trách nhiệm, có tình, có lý thì chúng ta vẫn làm được nhiều điều. Đừng tự trói tay mình, không phản biện mà lại đi than thở.
Trang hạnh phúc vì điều đó, mãi tận khi rời khỏi báo, cô vẫn nhắc.
Ngày sinh nhật Báo 7 năm trước. Trang viết:
"Tôi may mắn được đến với Pháp luật TP.HCM trong những ngày rất khó khăn của mình, khi mà “di chứng” của thời gian ở trong trại tạm giam vẫn còn đè nặng, khi tôi sống trong tâm lý của một người làm bất kỳ cái gì cũng bị nghi ngờ, và khi bản thân tôi cũng không tin ai được.
Có lẽ chỉ đến khi vào Pháp luật TP.HCM làm phóng viên, tôi mới thấy mình trở lại “là người bình thường”. Tôi nhớ tôi đã sửng sốt và cảm động đến suýt khóc, khi được giao “trực tòa soạn”: “Em ấy à? Em cũng “được” trực à?”. Tôi cũng nhớ tôi đã sung sướng như thế nào khi được phân công đi đưa tin về kỳ họp của Quốc hội, đi phỏng vấn đại biểu Quốc hội. Không ai đề cập đến “quá khứ phản động” (oan) của tôi. Không ai coi tôi như “thành phần phức tạp” trong tòa soạn. Không ai nghi ngờ tôi.
Tháng 9/2010, tôi đã có những ngày rất vui ở Sài Gòn, khi phóng viên hai miền gặp nhau để kỷ niệm 20 năm thành lập báo. Cái cảm giác về tình đồng đội, tình bạn bè, yêu thương nhau như một gia đình, đã trở lại.
Tất nhiên, sự bình yên là điều không bao giờ một kẻ đã bị coi là “có vết” như tôi có được, hay nói đúng hơn, nó trôi đi quá nhanh. Cũng như bây giờ đây, có lẽ tôi không còn cách nào trở lại báo Pháp luật TP.HCM được nữa. Nhưng không bao giờ tôi có một mảy may nghĩ khác về tòa soạn. Không có Pháp luật TP.HCM, sẽ không có loạt bài về Văn Giang mà tôi đứng tên, cùng những bài viết về Biển Đông, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ Việt – Mỹ, lịch sử Việt Nam, v.v. Tôi vẫn thường nói – điều mà nhiều người có thể nghĩ là tôi khiêm tốn giả vờ, nhưng đó là sự thật: “Chỉ đến khi làm ở Pháp luật TP.HCM, em mới thực sự làm báo và thực hiểu nghề báo ở Việt Nam”...
.... Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (cụ thể là theo Luật Báo chí), tôi không phải nhà báo, vì không có thẻ. Nhưng tôi đã là phóng viên của báo Pháp luật TP.HCM, đã là một thành viên trong ngôi nhà ấy, và tôi đã cảm động đến mức nào khi một bạn đồng nghiệp nói với tôi rằng: “Cho dù có thế nào, mọi người vẫn coi Trang là thành viên của báo Pháp luật TP.HCM”.
Ngày hôm nay tôi không đến tòa soạn được. Nỗi nhớ mọi người, nhớ quá khứ, nhớ buổi chiều nắng vàng ở Sài Gòn ba năm về trước, nhớ những đêm “nhậu bờ kè” ba năm qua, làm tôi ứa nước mắt. Bao giờ tôi sẽ có lại những ngày đó?...".
Đấy là những dòng Đoan Trang viết 7 năm trước về tờ báo của mình, khi cô không còn là phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM nữa.
NGUYỄNĐỨC HIỂN 07.10.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.