Từ xưa tới nay, cãi đã trở thành "đặc sản" của người Quảng. Đó là sự thật hiển nhiên không cần phải bàn cãi thêm. Khi cãi đã đời với thiên hạ thì người Quảng cũng lại cãi với người Quảng. Trường hợp này thì quả rất ác liệt.
Và dưới đây là một vụ cãi mà người viết đã chứng kiến từ đầu đến cuối.
Số là gần đây, nhạc sĩ Trần Quế Sơn vào Sài Gòn tổ chức họp báo giới thiệu liveshow "Cõi quê" - chương trình âm nhạc gồm những sáng tác của anh lấy cảm hứng từ thơ Bùi Giáng (cả hai đều là người Quảng). Đây cũng là dịp để Trần Quế Sơn tranh thủ cãi với thiên hạ về bài hát "Thưa các em miền Nam". Anh nói "Bài hát này tôi chỉ lấy cảm hứng từ một tứ thơ của ông Bùi Giáng chứ không phải phổ thơ của ông. Vậy mà người ta viết: "Nhạc Trần Quế Sơn - Thơ Bùi Giáng là chưa chính xác, nay tôi xin đính chính lại lần nữa".
Nhưng đó không phải là phần chính của câu chuyện này vì ở dưới có sự xuất hiện của một số "trùm cãi dóng" gốc Quảng gồm Tiểu Vũ, Lý Đợi, Hoàng Công Chương, Lê Công Sơn, Mai Phúc...và còn nhiều cha nội nhà báo người Quảng mà tui không nhớ hết được.
Cuộc họp báo chính thức khai mạc, Lý Đợi đạo mạo bước lên làm MC. Lời đầu tiên Đợi đưa ra cảnh báo ở đây người Quảng đang chiếm đa số nên anh chị cân nhắc trong lời ăn tiếng nói để tránh việc cãi nhau không cần thiết.
"Sau đây mời mọi người nghe nhạc sĩ Trần Quế Sơn bài "Tình quê" để thêm tinh thần đoàn kết giữa các đồng hương xứ Quảng...Trần Quế Sơn hát xong phía dưới vỗ tay rần rần...nhưng góc bên kia có ai đó thì thầm "..."Bài ni chỉ có Mỹ Tâm hát là đã nhất". Ngay lập người kia cãi liền: "Nhạc sĩ hát chính bài của họ nghe có hồn hơn chứ Mỹ Tâm hát răng bằng tác giả được. Mi tồ lô quá..."
Phía trên, Lý Đợi vô đề: "Thưa các anh chị, nhạc sĩ Trần Quế Sơn sinh ra tại huyện Quế Sơn, một vùng quê nghèo khó thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam, nhưng chính mảnh đất nghèo khó này đã nuôi nấng anh trở thành một nhạc sĩ rất nổi tiếng...vân vân và mây mây..."
Thế nhưng, một số người Quảng ở dưới bắt đầu hầm hè bàn tán sôi nổi về những gì "thằng Lý Đợi vừa giới thiệu hồi nãy"...là "tồ lô", hết sức, Quế Sơn răng mà nghèo bằng Tiên Phước được", "chừ ở đó đường sá ngon lành rồi mà hắn dám nói hoang vu..."Nói về nghèo thì phải nói tới Trà My, Chu Lai, Thăng Bình mà thằng Đợi nói Quế Sơn là trật lất cù chìa hết..." Blabla...
Phần đặt câu hỏi là cơ hội cho các nhà báo lý sự. Anh Mai Phúc báo Công Luận (dân Quảng thứ thiệt) lập tức giơ tay.
"Trước khi đặt câu hỏi cho nhạc sĩ Trần Quế Sơn tôi xin "đính chính" lại phần giới thiệu lúc nãy của anh Lý Đợi vì nói như rứa là chưa chính xác, Tôi hỏi anh răng anh nói Quế Sơn là vùng một vùng quê nghèo khó hoang vu của Quảng Nam. Tôi mới về nên biết rõ ở đây giờ phát triển ngon lành rồi, điện đường trường trạm chợ quán khắp nơi, xe cộ tấp nập thì nghèo cái kiểu chi?".
Giải thích qua giải thích lại cuối cùng không ai chịu ai nhưng cũng "tạm bỏ qua" được vì đang họp báo bàn về đêm nhạc nói nhiều sẽ lạc đề.
Tan họp báo mấy ông xứ Quảng lên Facebook lập một cái Group hẳn hoi rồi nhảy vô cãi liền mấy tháng trời xung quanh chủ đề "Quế Sơn có phải là huyện nghèo của Quảng Nam không"...Vụ cãi đến nay chưa có hồi kết.
Hay cãi chưa hẳn là một đức tính tốt, nhưng nó thể hiện tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và sự hiểu biết của người cãi. Trong cuộc sống, người Quảng không chỉ cãi với thiên hạ mà họ còn cãi với chính họ như là cách để giúp nhau tồn tại và phát triển. Cãi cũng là cách cùng dắt tay nhau đi tìm chân lý...Nhưng chân lý thì còn lâu mới thấy, vì thế chắc chắn người Quảng sẽ còn cãi nữa.
Chính vì vậy Quảng Nam là nơi sản sinh ra nhiều nhà báo nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, Lưu Quý Kỳ…
Nói đến làm báo thì phải nói đến tinh thần phản biện (cãi). Lịch sử ghi nhận năm 1922, chí sĩ Phan Châu Trinh đã cãi với... vua Khải Định bằng cách lên tiếng kể 7 tội của vị vua này, trong đó có 2 tội không thể dung tha là làm nhục quốc thể và phung phí của dân.
Tư tưởng phản biện của nhà báo Huỳnh Thúc Kháng cũng được công khai trên báo Tiếng Dân số 175 (1.5.1929): “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”. Ý ông nói cãi không lại thì thà làm thinh chứ không bao giờ thỏa hiệp.
Năm 1930 - 1945, hai nhà báo đồng hương Quảng Nam là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi có cuộc bút chiến, tranh luận sôi nổi trên báo chí về truyện Kiều của Nguyễn Du. Sau đó, hai nhà báo này lại bắt bẻ nhau về chuyện “thơ mới”, cuộc cãi nhau này kéo dài nhiều năm.
Phan Khôi cũng là nhà báo nổi tiếng châm ngòi cho các cuộc bút chiến diễn ra trên khắp mặt báo đương thời.
Trong lịch sử người Quảng Nam đã làm nên nhiều vụ cãi nổi tiếng. Năm 1908 diễn ra phong trào kháng thuế ở Trung kỳ, người dân Quảng Nam đã đứng lên “cãi lại” chính quyền thực dân Pháp và tạo ra phong trào chống thuế lan tỏa khắp Trung kỳ làm lung lay chế độ thực dân ở Đông Dương.
Cãi là phần hồn cốt không thể thiếu của mỗi con người xứ Quảng. Tuy nhiên, cãi không phải là mục đích, mà là phương tiện để giao tiếp, trao đổi, và học hỏi. Vì vậy người Quảng cãi để bày tỏ quan điểm, đấu tranh cho lẽ phải không chịu khuất phục trước cường quyền bạo lực. Một khi đã cãi thì cãi tới cùng chứ không cãi bừa, cãi bậy, cãi bướng.
TIỂU VŨ 01.03.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.