mardi 11 juillet 2023

Nguyễn Xuân Nghĩa - Câu chuyện nhập tỉnh rồi tách tỉnh

 

Đã có một lần Đảng - Nhà nước nhập tỉnh rồi tách tỉnh. Lý do nhập tỉnh nghe cũng OK, tách tỉnh cũng OK. Từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhập lại thành Nghệ Tĩnh ; Hà Tây, Hòa Bình, Sơn Tây nhập lại thành Hà Sơn Bình. v.v…

Bảy, tám năm sau Nghệ An trở về Nghệ An, Hà Tĩnh trở về Hà Tĩnh. Phú Yên trở về Phú Yên, Khánh Hòa trở về Khánh Hòa. Nhập hay tách đời sống nhân dân, kinh tế đất nước trì trệ vẫn hoàn trì trệ. Hình như các ông lãnh đạo phát kiến ra chuyện nhập rồi tách tỉnh chỉ để cho thảo dân biết mấy ông cũng suy tư về quốc gia, cũng đang làm việc vì quốc gia đại sự.

Có một câu chuyện thế này:

Vì hai tỉnh nhập vào một, đang làm Bí thư tỉnh ủy, hét ra lửa ở tỉnh cũ bỗng xuống làm phó Bí thư, hữu danh vô thực ở tỉnh mới. Đang làm chủ tịch tỉnh khi chưa nhập, nhập vào chỉ làm phó chủ tịch tỉnh chung (Một nước không thể có hai vua). Tương tự, một ông khi tỉnh mình chưa nhập làm chánh án, nhập vào chỉ làm phó, một ông đang làm giám đốc đài phát thanh, nhập vào chịu phận làm tôi tớ. Từ trưởng phải xuống làm phó. Ai mà chẳng ấm ức?

Ấm ức là vậy nhưng mấy ai có cách giải tỏa ấm ức. Ngoại trừ ông Phó giám đốc đài phát thanh một tỉnh nọ.

Ông giám đốc đài phát thanh là người tỉnh N (khi chưa nhập) phụ trách chung, còn ông phó giám đốc (là cựu giám đốc của tỉnh H khi chưa nhập) phụ trách vài công việc cụ thể. Một trong vài công việc cụ thể của ông phó là phụ trách chương trình văn hóa, văn nghệ. 

Không biết từ lúc nào sau ngày hai tỉnh nhập làm một tỉnh, mỗi đêm có chương trình đọc truyện đêm khuya, hay ban ngày có chương trình Câu chuyện truyền thanh, Câu chuyện cảnh giác v.v…của đài. Trong các câu thoại, nhân vật lưu manh, trộm cướp, mất dạy, hèn nhát... phát thanh viên đều nói bằng phương ngữ và âm ngữ của người tỉnh H (khi chưa nhập). Còn lại, các nhân vật tiến bộ, văn minh, thật thà, chân chất, dũng cảm ... phát thanh viên trình bày bằng phương âm và phương ngữ của người tỉnh N.

Ban đầu người dân và mấy ông cán bộ người tỉnh H (cũ) (tức là tỉnh nói giọng của nhân vật xấu xa, phản diện trong truyện) không để ý. Phải 5, 6 năm sau có một cán bộ tinh ý phát hiện ra, rỉ rê to nhỏ với ông giám đốc. Ông giám đốc ức lắm. Ai mà không ức? Chửi cha không bằng pha tiếng! "Chỉ vì phải làm phó của ông mà bao nhiêu nhân vật xấu xa, gian manh, xảo quyệt v.v…trong truyện nó gán cho người tỉnh ông, còn các nhân vật thật thà, lương thiện nó đều vơ vào là người tỉnh (cũ) của nó.

Đáng tiếc là khi ông biết chuyện này thì vụ việc diễn ra đã nhiều năm, từ ngày hai tỉnh nhập làm một. Ông đang tìm một cớ gì đó để trừng trị tay phó, tiễn tay phó về đuổi gà cho vợ thì trung ương phổ biến chủ trương tách tỉnh, cán bộ của tỉnh nào về lại tỉnh đó. 

Từ đó dân tỉnh ông mới được nghe phương, âm ngữ của các nhân vật ngay thẳng, thật thà ... trong chương trình Câu chuyện truyền thanh, Đọc truyện đêm khuya là người tỉnh ông, còn của các nhân vật lưu manh, côn đồ, gian ngoan, xảo quyệt gắn vào người tỉnh bên kia.  

Phải 5, 6 năm sau, khi hai ông giám đốc cả hai bên nghỉ hưu, vụ việc chửi nhau trên đài phát thanh của hai tỉnh liền kề mới chấm hết.

NGUYỄN XUÂN NGHĨA 09.07.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.