jeudi 15 juin 2023

Dương Quốc Chính - Chính sách dân tộc hay là sự độc tài của đám đông

Người Việt chúng ta có rất nhiều đặc điểm của người Hán về sức sống mãnh liệt và khả năng đồng hóa các dân tộc khác. Chính Việt tộc ở miền Nam Trung Quốc đã bị Hán hóa, nhưng người Việt ở Việt Nam với sức kháng cự mạnh mẽ nên đã thoát khỏi sự đồng hóa đó, dựa vào địa hình, khí hậu và tinh thần chống ngoại xâm.

Nhưng với khả năng kháng cự mạnh mẽ đó, người Việt lần hồi lấn vào Nam để đồng hóa các dân tộc khác y như người Hán vậy. Đó là vì chúng ta không đủ lực để lấn lên phía Bắc, nên đã đè phương Nam.

Việt Nam có 54 dân tộc, nhưng chỉ có hai nhóm chính. Một là nhóm bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc, nhiều đặc điểm về nhân chủng giống Trung Quốc, Mông Cổ, do chủng người từ Mông Cổ tràn xuống. Nhóm thứ hai là chủng người từ Nam Đảo (Indonesia Malaysia) tràn lên, nhóm này từ Ấn Độ sang.

Mình không định viết quá chi tiết về nội dung này, vì đây không phải là mục tiêu của bài viết và cũng có nhiều tranh cãi. Chúng ta chỉ cần tự nhìn nhận bằng chính mắt mình để thấy rằng người Việt/Kinh và rõ rệt hơn là người Việt Nam có hai nhóm người này. Nhìn bề ngoài đã thấy khác nhau rõ ràng, là đủ.

Bán đảo Đông Dương mà người Pháp gọi là Indochina chính là nơi giao thoa của hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc (hai cái nôi của loài người). Phía Nam ảnh hưởng bởi Ấn Độ, phía Bắc ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Indochina đúng ra phải dịch là Ấn Hoa hay Ấn Trung mới chính xác.

Việt Nam vì trải dọc Đông Dương nên cũng có luôn cả hai đặc điểm nêu trên.

Người Tây Nguyên có gốc Nam Đảo, họ gần gũi và từng hòa huyết với các sắc dân Chăm pa, Khmer lân cận, tức là cũng gần với người Campuchia Lào Thái hơn người miền Kinh, nhất là Kinh miền Bắc. Người Kinh miền Nam nếu ở lâu (vài trăm năm thôi) thì cũng có nét pha trộn giữa hai chủng nói trên. Nhưng người Tây Nguyên giữ được nhiều bản sắc và cũng chậm phát triển hơn các dân tộc khác, có lẽ do địa hình hiểm trở của núi rừng?

Người Kinh có sức đồng hóa mãnh liệt, nên họ dễ dàng đồng hóa các dân tộc anh em có nguồn gốc chủng tộc gần giống, chủ yếu ở phía Bắc. Người Tày, Nùng, Dao…phía Bắc rất giống người Kinh, nhưng có lẽ cũng bị đồng hóa vãn.

Mình từng ở Thái Nguyên lâu nên thấy rõ, đây là trung tâm của khu vực miền núi phía Bắc, nên có sự giao thoa của nhiều dân tộc. Có lẽ khoảng 20% là người dân tộc thiểu số sống ở đây. Quanh nhà mình ở có đủ các dân tộc, thế hệ bố mẹ mình, nhiều người nói tiếng Kinh lơ lớ với âm điệu của người dân tộc. Nhưng đến thế hệ mình thì bọn trẻ con giống hệt nhau, không còn dấu vết của tổ tiên người dân tộc. Có lẽ bọn bạn mình đa phần là không biết tiếng của dân tộc thiểu số của nó. Dân tộc ghi ở lý lịch chủ yếu là để được ưu tiên điểm thi đại học thôi! Tóm lại là đa số đã bị/được đồng hóa thành công. Nếu không đọc căn cước công dân chắc không ai biết là người dân tộc thiểu số.

Thái Nguyên cách Hà Nội có 80 km thôi, nên như vậy, nhưng bây giờ, các đặc điểm trên có lẽ đã lan tới thủ phủ của tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc. Người dân tộc xịn chắc chỉ còn ở trên rừng, mới còn giữ được bản sắc văn hóa. Nhưng cũng khó cưỡng lại sự đồng hóa tự nhiên kèm theo sự phát triển văn minh từ người Kinh.

Điều này là khó tránh khỏi, vì là quy luật tự nhiên, giống như thế giới động vật, mạnh được yếu thua, con nào mạnh sẽ tiêu diệt các con yếu hơn. Càng giống nhau, dễ hòa nhập, lại càng dễ bị đồng hóa và ít có nhu cầu chống lại sự đồng hóa đó.

Người Hán và người Kinh có cái “thuyết” gọi là tằm ăn dâu, tức là lấn dần từng bước một theo thời gian, để xâm lược và đồng hóa. Chúa Nguyễn cũng áp dụng cách đó ở Thủy Chân Lạp. Bây giờ đồng bào Kinh vẫn dùng cách này để khai hoang giữa thủ đô, dân gian gọi là học thuyết “cứt trâu để lâu hóa bùn”. Hồ Tây hay sông Tô Lịch bị lấn chiếm hàng ngày cũng là bằng cách đó, dân chiếm đất công cũng bằng cách đó. Dân Hà Nội là hiểu rõ nhất điều này, có khi 20% đất thổ cư Hà Nội là dạng lấn chiếm/xâm lược như vậy? (…)

Người Kinh và người Hán thì là trường hợp đặc biệt, luôn có sự giằng co giữa sự căm ghét và kính phục! Chính là do sự giống nhau về văn hóa và chủng tộc đồng thời lại phải luôn đề phòng khỏi bị xâm lược và đồng hóa. Vừa muốn độc lập lại vừa muốn được bảo kê. Một tay ve vuốt, một tay cầm dao dí vào sườn nhau. Thế nhưng người Hoa ở Bắc Việt thì bị người Kinh đồng hóa mất dấu vết, còn người Hoa ở miền Nam lại có nhiều điểm gây ảnh hưởng văn hóa tới người Kinh ở miền Nam, và họ vẫn giữ được nhiều đặc trưng dân tộc.

Quay lại người Tây Nguyên, chính vì sự khác biệt quá lớn về chủng tộc, văn hóa và sự phát triển, nên người dân tộc ở đây sẽ khó bị đồng hóa hơn các dân tộc khác. Họ cũng sẽ bức xúc hơn nếu bị đồng hóa. Chúng ta cũng có thể thấy, người Campuchia đều là vùng đệm giữa Xiêm/Thái và Đàng Trong/Việt Nam, đều từng là thuộc quốc của hai nước lân bang. Nhưng họ lại có xu hướng gần gũi với người Thái hơn người Việt. Có lẽ do sự tương đồng về văn hóa và chủng tộc? Người ta sẽ khó chịu hơn nếu bị áp đặt bởi một dân tộc có văn hóa xa lạ hơn.

Mấy hôm rồi, mình đọc được nhiều comment rất hung hăng của nhiều người, trong đó có đủ thành phần, trí thức cũng có. Đại ý rằng, người thiểu số bắt buộc phải phục tùng đa số ở địa phương. Người Kinh bây giờ có lẽ chiếm 80% dân số Tây Nguyên rồi nên người đồng bào bắt buộc phải tuân thủ quy định chung. Đám đông lên đồng hò hét đòi báo thù người đồng bào, nợ máu phải trả máu vì pháp luật do đám đông hơn tạo ra và dĩ nhiên những kẻ kia thành “khủng bố” rồi.

Tất nhiên phạm pháp là phải đền tội theo pháp luật, điều đó không phải bàn. Điều cần bàn ở đây là sự độc tài của đám đông. Vì ở Việt Nam đám đông tạo nên luật pháp. Nếu bỏ phiếu (tỏ ra là) dân chủ thì 80% có thể tiêu diệt 20% còn lại. Nhiều người cho rằng đất đai là của nhà nước Việt Nam, người ta bỏ tiền ra mua quyền sử dụng đất, chứ người ta không cướp đất, không thực dân… Người dân tộc thiểu số nói chung hay người đồng bào nói riêng đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi để phát triển, nhưng họ không chịu phát triển, nên họ phải chấp nhận thua thiệt thôi!

Nhiều người bảo người Kinh không có cướp đất, không thực dân, mà đi mua đất của người đồng bào. Đúng rồi! Nhưng mà người Tàu cũng sang Việt Nam mua đất (chui) qua người Việt, để đầu tư bất động sản, rồi sinh con, lấy vợ ở Việt Nam ...thì người Việt lại nhảy dựng lên, lo bị người Tàu cướp đất! Họ cũng đi mua mà, có cướp đâu ! Nhìn dân Việt Nam biểu tình chống luật Đặc khu đó, cũng là do lo ngại người Tàu qua đồng hóa, dù họ chỉ thuê!

Cũng là phản ứng tự nhiên như người đồng bào thôi.

Thực tế thì chính những sự ưu đãi cũng là một cách đồng hóa văn hóa. Người Kinh cho người đồng bào về Hà Nội, Sài Gòn học làm kiến trúc sư hay hát Opera (vì họ có chất giọng tốt), ví dụ thế, thì họ cũng không thể dùng để phát triển hoặc bảo tồn văn hóa của dân tộc họ, mà đã biến họ và con cháu họ (thành phần tinh hoa nhất của dân tộc đó) thành người Kinh một cách từ từ! Kể cả cho họ học Lâm nghiệp miễn phí nhưng họ về làm ở Bộ/Sở Nông nghiệp thì cũng vẫn biến họ thành người Kinh thôi.

Tóm lại, sự đồng hóa có thể do cố tình (thành chính sách công khai hay bí mật) hoặc do vô thức (tự nhiên) là khó tránh khỏi ở tất cả các nước trên thế giới, ở mọi thể chế. Thời Việt Nam Cộng Hòa, chế độ đệ nhất cộng hòa cũng đồng hóa Tây Nguyên ác liệt, đệ nhị cũng gần bằng. Nên sự phản kháng của dân Tây Nguyên với người Kinh là từ xa xưa, Fulro và Đề Ga có từ thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng với chế độ cộng sản thì sự độc tài của đám đông sẽ bị đẩy lên tầm cao hơn nhiều. Do bản chất thể chế nó có tính áp đặt và dễ dàng đàn áp thiểu số nhân danh đa số hơn.

Tuy nhiên, đứng trước sự hội nhập quốc tế với các chuẩn mực dân chủ phổ quát và sự tự do hóa không thể tránh khỏi. Việt Nam vẫn phải có những điều chỉnh chính sách để tránh sự độc tài của đám đông nói chung và trong chính sách dân tộc nói riêng. Đó là để cho nhóm yếu thế được lên tiếng, được quyền lựa chọn cái mà họ muốn, chính là để duy trì sự đa dạng văn hóa và chủng tộc. Về bản chất nó cũng như sự bảo tồn mà thôi.

Để tránh độc tài đám đông thì nhìn sang nước Mỹ, khi hiến pháp Mỹ chia quốc hội lưỡng viện. Số thượng nghị sĩ thì mỗi bang như nhau (bang to hay nhỏ, giàu hay nghèo cũng vậy), số hạ nghị sĩ thì mỗi bang khác nhau, theo dân số. Luật lệ cần sự đồng thuận của lưỡng viện. Đó là một cách để hạn chế độc tài đám đông, bang to đè bang nhỏ.

Ở Tây Nguyên cũng cần phải có chính sách để người đồng bào có quyền phủ quyết một số lĩnh vực. Ví dụ như chính sách đất đai, cần sự đồng thuận tuyệt đối chứ không được đồng thuận theo đa số. Số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân là người đồng bào cũng phải được quy định chặt. Như thời Pháp thuộc, họ quy định luôn tỉ lệ người Pháp, người Việt, Hoa, Khmer trong hội đồng dân biểu Nam Kỳ và Sài Gòn. Tất nhiên cụ thể hơn thì còn phải bàn nhiều. Nhưng nên nhớ, quyền được lựa chọn cuộc sống, cách sống nên được tôn trọng.

Như chuyện đình đám trên báo mấy năm trước là người Kinh “bắt” mấy người Rục từ trên rừng về phố sống, bắt họ mặc quần áo, sống cuộc sống văn minh. Họ có vui thú gì đâu, vì họ nhớ rừng, nhớ cây cỏ muông thú, họ đâu cần cuộc sống văn minh. Đa số chúng ta có thể cho rằng họ mông muội, nhưng đó là sự lựa chọn cần tôn trọng.

Như bố mình nhất quyết không chịu về Hà Nội ở, thích ở quê, dù Hà Nội văn minh, tiện nghi hơn. Nhưng quê chính là núi rừng cây cỏ bầu bạn của ông ấy còn Hà Nội thì xa lạ. Chắc nhiều người trong chúng ta cũng chứng kiến chuyện tương tự. Không có khôn hay ngu ở đây, mà đó là sự lựa chọn. Người đồng bào cũng vậy thôi. Hãy tôn trọng sự lựa chọn của họ.

Người ta có quyền lựa chọn bị/được đồng hóa, thì cũng phải được lựa chọn sự bảo tồn có thể kèm theo sự kém văn minh. Một chế độ dân chủ, văn minh là phải cho phép người dân có cả hai quyền lựa chọn đó. Các khu bảo tồn dành cho người da đỏ ở Mỹ chính là để họ được quyền lựa chọn cuộc sống hoang dã, không cần phải văn minh.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 15.06.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.