mercredi 5 mai 2021

Nguyễn Mỹ Khanh - Bi kịch Nhân-Quả


Trước khi mạng xã hội phổ biến, hầu hết những người tôi quen biết từ phía Bắc hiểu sai be bét về chính quyền Saigon. Tổng thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu còn bị gọi là “thằng”, từ “ngụy” được dùng triệt để, và hàng tỉ thứ tầm bậy kinh khủng khác tồn tại một cách nghiệt ngã.

Sau khi mạng xã hội phổ biến, nhiều bài viết, hình ảnh, clip đăng lên vén dần bức màn bụi, trả lại nhiều điều đúng với vị trí cũ vốn từng. Dần dà, nhiều việc sáng tỏ đầy thuyết phục, nhận thức của nhiều người chuyển biến rõ rệt, nhiều bài viết công tâm từ các bạn phía Bắc rất đáng trân trọng.

Lạ mà hay là có thứ rất phi chính trị, đầy nhân văn đã bay ngược chiều, chính là dòng nhạc trữ tình miền Nam trước 1975. Như dòng chảy tự nhiên, chẳng biết tự bao giờ đã lan rộng khắp phố phường, đồng quê miền Bắc. Không chỉ quán xá, hè phố, nơi công cộng, mà cứ bước lên xe là nghe, từ taxi cho tới xe khách, xe tải.

Hỏi thì nhận được câu trả lời của đám đông: đơn giản vì nó cho cảm xúc chân thật, đi thẳng vào lòng người. Ừ nhỉ, không một lời tuyên ngôn, nhưng lý thuyết nghệ thuật và xã hội cơ bản lại là: xã hội nào thì sinh ra tác phẩm/ loại hình nghệ thuật tương thích. Một xã hội kém văn mình sẽ không thể sinh ra những tác phẩm nghệ thuật sống lâu và sống dai mặc cho mưa bão dập vùi. Từ đó dễ dàng hình dung những tầng lớp người trong xã hội đó và người lãnh đạo họ ra sao.

Đơn giản vậy thôi mà vẫn còn có những người đầu ba thứ tóc rồi mà chưa thể chấp nhận được sự thật. Giống như trẻ con bị mặc định trong câu chuyện cổ: đây là mụ phù thủy cực kỳ xấu xí và xấu xa, nên mãi không thể thoát ra khỏi ma trận tự xây sau những thu nạp từ thời thơ bé. Họ không thể tin rằng bên trong lớp da xù xì hình dáng con cóc mà người đời đơm đặt, chính là một hoàng tử khôi ngô tuấn tú thật sự.

Đó thật sự là bi kịch của họ.

Cho nên tôi không ghét mà trái lại rất thương những người này, họ như dòng sông bị nhiễm độc cần rất nhiều thời gian lọc lắng lại.

Mấy năm nay tôi kiên nhẫn đọc những stt của một vài vị trí thức lớn tuổi. Lạ lắm, cứ gần 30/4 là các vị này tìm và copy những bài viết nhận định kỳ quặc sai bét về chính quyền, quân đội, tổng thống miền Nam cũ. Rồi khéo léo kéo người vào comment tranh luận, rồi sung sướng lọc và công bố kết quả.

Khổ nổi, bài của tác giả lạ hoắc, tầm nhìn non nớt, phiến diện, sai bét và kém cỏi thì bình luận kiểu gì?

Đâu phải mấy vị trí thức ấy kém tới mức không nhận ra chất lượng bài và người viết không đáng tin cậy, nhưng vì sao vẫn cố đưa lên, hết năm này tới năm khác. Phải chăng là cố gắng tìm cách tẩy xóa tiềm thức một cách khốn khổ, hay đi tìm đồng minh để hả hê trong phút chốc là “nó phải xấu xa thì ta mới đẹp”, rằng thì là ta không thể từng nhận định sai lầm???

Một khi còn có người già trí thức như vậy, thì hành động cá nhân trẻ con đi đốt phá cờ người ta chỉ là sự bùng phát ở điểm cuối của sợi cáp quang truyền dẫn thông tin sai mà ra. Nhân-Quả rõ ràng. Các vị trí thức già chả biết có nhìn thấy mà thức tỉnh chưa?

Sự việc em du học sinh tấn công cờ vàng hôm 30/4 tôi tin rằng do cá nhân em đó, nó không đại diện cho suy nghĩ chung của thế hệ GenZ ngày nay. Em đó sẽ thay đổi thái độ khi được nhận biết đầy đủ thông tin thật về lá cờ và những người Việt dưới lá cờ đó.

Tôi trách là trách những người lớn, người già, người trí thức có hiểu biết, có đầy đủ thông tin rồi, nhưng tới giờ vẫn ngoan cố níu kéo lại ý thức hệ cũ, chỉ vì muốn hả hê cá nhân mà vô tình hại thế hệ sau.

Hòa giải hay hòa hợp dân tộc, không phải lo cho thế hệ trẻ, nhất là GenZ vì với các em thế giới phẳng lâu rồi. Mà phải bắt đầu từ việc cần ủi phẳng những cái đầu già ngoan cố thèm khát vu khống và bêu rếu xã hội và chính thể miền Nam cũ. Nhưng lại hèn, không dám viết stt bày tỏ thẳng mà mượn bài ất ơ của kẻ vô danh đăng lên Facebook.

Tôi KHINH những HÀNH ĐỘNG HÈN ấy!

NGUYỄNMỸ KHANH 05.05.2021 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.