Vậy là hơn 40 ngày ông Phạm Minh Chính trên cương vị thủ tướng.
Ông đi nhiều nơi, gặp gỡ một số ngành. Cảm nhận ông là con người kỹ trị hành động chứ không phải khuôn mẫu giáo điều. Cảm nhận ông là người tự tin vào quyền lực của mình chứ không nhìn trước ngó sau. Ông cố gắng phát huy thế mạnh của mình: Có kinh nghiệm thực tiễn quản trị với cải cách tiến bộ ở Quảng Ninh. Có kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức và nhìn người khi là tướng an ninh và đặc biệt khi là trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng.
Cảm nhận nữa là các phát ngôn, hành động của ông tuy ông chưa bao giờ làm công tác chính phủ nhưng đã được ông từ lâu nghiền ngẫm, tự chuẩn bị cho mình làm thủ tướng chính phủ.
Chính vì sự đúc kết kinh nghiệm và nghiền ngẫm này các phát ngôn của ông không hề bộc phát.
Hãy xem một ví dụ.
Tiếp xúc với cử tri Cần Thơ đầu tháng 5, ông Phạm Minh Chính chỉ ra rất đúng bốn khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt.
Thứ nhất là tình trạng lão hóa dân số đáng báo động, nếu không có dự báo chiến lược thì sẽ bị động trong 5-10 năm tới.
Thứ hai là cạn kiệt tài nguyên.
Thứ ba là biến đổi khí hậu.
Thứ tư là an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang rất khó lường, ví dụ như tình hình dịch bệnh.
Gã xin bàn chen khúc này. Mặc dù ông Chính chưa nói thẳng khó khăn và cản trở cốt lõi, là thể chế chính trị hiện nay không phải là mô hình Dân chủ, tiến bộ, khoa học, để tạo nền tảng cho một quốc gia phát triển thịnh vượng. Nhưng ông đã đưa ra định hướng cơ bản là đúng để đưa đất nước phát triển.
Đó là dựa trên ba trụ cột: Con người; thiên nhiên và văn hóa, truyền thống, lịch sử.
Đó là tiếp tục thực hiện ba trụ cột hành động đổi mới:
" Đầu tiên là xóa quan liêu bao cấp. Hiện nay một số nơi còn cơ chế xin cho nên Việt Nam vẫn phải tiếp tục xóa quan liêu bao cấp.
Thứ hai là thừa nhận và phát triển đa thành phần kinh tế, gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể.
Thứ ba là hội nhập quốc tế."
Phần trên gã bình "cơ bản là đúng" có nghĩa là vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ. Nếu không nhìn đầy đủ thì cái "cơ bản đúng" kia sẽ dễ bị trôi dạt rồi có thể mất hút.
Thứ nhất.
Xóa quan liêu bao cấp cơ bản là phải xóa sự bao cấp của hệ thống đảng trên hệ thống quản trị của chính quyền và hệ thống Dân chủ của Nhân dân.
Muốn xóa được bao cấp tư tưởng chính trị là thống soái này cần phải có "Luật về đảng cầm quyền" nếu như quốc gia chưa thể thực hiện mô hình văn minh đó là Tam quyền phân lập và đa nguyên chính trị.
Thứ hai.
Đa thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể mà thiếu đa thành phần sở hữu đất đai - trong đó có sở hữa đất đai của tư nhân - thì đa thành phần kinh tế kia luôn không hoàn thiện phát triển đúng nghĩa. Nói đúng hơn là phát triển què quặt. Giản đơn kinh tế Việt Nam hiện nay luôn có hai trụ cột. Xây dựng và nông nghiệp. Xây dựng và nông nghiệp luôn vướng chuyện sở hữu không khác con chim đại bàng bị nhốt trong lồng.
Thứ ba.
Hội nhập quốc tế còn phải thêm chữ minh bạch, bình đẳng các mối quan hệ. Khó mà hội nhập quốc tế thực chất, toàn diện nếu Việt Nam thiếu sự minh bạch, bình đẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Đặc biệt cũng trong cuộc tiếp xúc cử tri trên ông Chính đã khẳng định "cán bộ là gốc, mọi sự thành bại đều do cán bộ". Ông nhận định không nên cứng nhắc trong công tác cán bộ mà cần tìm ra giải pháp tốt nhất.
Gã xin bàn, thế nào là không nên cứng nhắc, thế nào là tìm ra giải pháp tốt nhất?
Khi ông Chính đặt vấn đề này là ông quá hiểu công tác chọn cán bộ lãnh đạo hiện nay còn cứng nhắc (khuôn mẫu) và chưa có giải pháp tốt nhất.
Cái khó nhất thưa tân thủ tướng, chính là giải pháp tốt nhất này đây. Tốt nhất công tác chọn lãnh đạo là chọn đúng người tài, đức nhất vào vị trí lãnh đạo. Tiếc rằng những người tài đức nhất ấy đôi khi lại bị cái định chế chính trị, cơ cấu loại từ vòng gửi xe rồi, vì họ không có tiêu chuẩn đảng viên và kinh qua trưởng đảng cao cấp.
Phải chăng không nên cứng nhắc và có giải pháp tốt nhất là liên quan đến tiêu chí đảng viên này đây?
Nếu vậy, thưa thủ tướng toàn Dân sẽ ủng hộ ông để tiến cử cho ông những thực tài như ông muốn.
Gã rất chú ý lời cuối của ông Chính khi tiếp xúc cử tri Cần Thơ: "Việc càng khó, càng phức tạp, nhạy cảm, càng phải phát huy dân chủ. Dù là vấn đề hạ tầng hay công tác cán bộ, phải huy động nguồn lực của sự đại đoàn kết ..."
Gã cảm nhận trong ông thủ tướng đã, đang và sẽ tìm ra các cốt lõi mà quốc gia phải vượt qua để phát triển thịnh vượng.
Xin có niềm hy vọng vào ông dù còn quá nhiều bâng khuâng. Bởi từ nói "phát huy Dân chủ" đến hành động tôn vinh Dân chủ là một khoảng cách nghìn trùng.
Và hành động cụ thể nhất là chính ông nên gặp gỡ những người luôn phản biện xã hội trên tinh thần xây dựng vì lợi ích Dân tộc, lắng nghe họ, kết nối họ và thực thi điều ông nói: huy động nguồn lực đại đoàn kết.
Cụ Hồ nói: Đoàn kết, đại đoàn kết-Thành công, đại thành công.
LƯUTRỌNG VĂN 14.05.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.