dimanche 16 mai 2021

Nguyễn Gia Việt - Nhà thờ tổ sân khấu 133 Cô Bắc


Cái chuyện "Nhà thờ tổ sân khấu" Nam Kỳ còn nhiều tập lắm, nhưng ai cũng nhận ra, đâu phải hễ muốn xây phủ này phủ nọ là làm nhà thờ tổ của riêng mình, mập mờ nhà thờ tổ hay phủ đồng cốt nữa là xong đâu.

Mọi người biết rằng Giỗ Tổ của giới sân khấu đều được diễn ra vào hai ngày 11 và 12/8 Âm lịch hàng năm.

Nơi đặt bàn thờ tổ, nơi tri ân, ghi nhớ công ơn của các tiền nhân khai sáng nghề hát, nơi bàn bạc chuyện người sống, vun bồi nghề nghiệp cũng là nhà thờ tổ chính là trụ sở Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu -Tương Tế ở số 133 đường Cô Bắc Sài Gòn. Hàng năm Giỗ Tổ do Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu -Tương Tế tổ chức.

Tại 133 Cô Bắc, bàn thờ Tổ ở đây được dùng làm nơi cúng Tổ từ năm 1948 đến sau ngày 30 tháng 4.

Thời trước 1975 khi đó không có cảnh "chi bộ đảng" trong giới sân khấu, giới nghệ sĩ chỉ là một hội đoàn nghề nghiệp thông thường như hàng ngàn hội đoàn xã hội khác.

Năm 1948 nhờ quan hệ với ông Arondelle Đô Trưởng thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn, ông Hội đồng Phát (Nguyễn Văn Phát) đứng ra xin mảnh đất số 133 đường Cô Bắc để lập Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu -Tương Tế. Ông Võ Đình Ban bỏ tiền ra cất căn nhà, nghệ sĩ cải lương thời đó tăng cường những suất hát để vun bồi vào.

Hội đồng Phát lãnh chức hội trưởng, ông Năm Châu làm Tổng Thơ ký. Soạn giả Nguyễn Phương trong bài “Ai là Hội Trưởng đầu tiên của Hội Sĩ Ái Hữu -Tương Tế Saigon?” khẳng định ông Nguyễn Văn Phát là người đứng đơn xin lập Hội, người đứng tên Hội trưởng từ khi thành lập đến năm 1955.

Ngôi nhà 133 Cô Bắc ghi dấu chân các bậc tiền bối sân khấu Sài Gòn xưa như Trần Hữu Trang, Năm Châu, Năm Phỉ, Bảy Nam, Phùng Há, Thanh Nga... Hàng năm số 133 Cô Bắc là nơi cúng tổ, bà Phùng Há, bà Kim Chưởng và nhiều nghệ sĩ lão thành khi còn sống đều về đây cúng tổ.

Số 133 Cô Bắc là chính danh.

Nghi thức cúng tổ không rườm rà nhưng trang nghiêm, mang màu sân khấu hát bội và cải lương xưa như múa Điểm Hương, múa Xang Nhựt Nguyệt, múa Tứ Thiên Vương trụ bộ dâng bốn cuộn liễn có viết bốn câu: Quốc Thái Dân An, Phong Hòa Vũ Thuận, Hà Thanh Hải Yến, Nông Ngư Đắc Lợi.

Rồ cách nay vài năm, số 133 Cô Bắc hô biến thành một quán ...cà phê (Không biết nay quán còn bán không?).

Kép Nam Hùng làm đơn gửi khắp nơi mà không kết quả. Trong một bài báo ông nói:

"Nhà thờ Tổ nghề tại địa chỉ 133 Cô Bắc, quận 1, TP.HCM là của tất cả anh em nghệ sĩ. Ngày xưa, các nghệ sĩ cùng mượn tiền mua ngôi nhà để làm nhà thờ Tổ. Sau một thời gian, anh em nghệ sĩ cùng chung tay đóng góp và đã trả xong nợ. Đây là nơi thờ phụng Tổ nghề, Hội Sân khấu lại cho thuê nhà thờ Tổ thì tôi không đồng ý".

Vậy là từ đó "Tổ" bay tứ phương. Mạnh ai nấy làm giỗ tổ, bàn thờ lớn bàn thờ nhỏ, tùy vào thứ hạng của nghệ sĩ. Rồi tổ bay về quận 9 ngồi coi...hầu đồng, xài lễ nghi của hầu đồng.

Có những cái nhìn rất trái tai gai mắt mà biết sao được !

Một triều vua một triều thần, rau nào sâu nấy mà.

NGUYỄNGIA VIỆT 14.05.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.