dimanche 23 mai 2021

Trung Quốc ăn cắp công nghệ 5G của Canada ?


Đăng ngày:

Vào đầu những năm 2000, tập đoàn Nortel là tên tuổi lớn trong ngành viễn thông, có trên 90.000 nhân viên và giá trị chiếm đến 1/3 thị trường chứng khoán Canada. Theo tạp chí chuyên ngành Wired, Nortel kiểm soát thị trường chuyển giao dữ liệu bằng cáp quang, và phòng thí nghiệm thuộc loại hàng đầu thế giới đã sáng chế ra màn hình cảm ứng 10 năm trước iPhone, và sở hữu hàng ngàn bằng sáng chế về liên lạc không dây.


Tuy nhiên đến 2009 Nortel sụp đổ. Vào thời đó, người ta cho rằng Nortel phá sản là do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên các chuyên gia về tình báo mạng đưa ra thêm một nhân tố khác. Trong 9 năm hoạt động từ 2000 đến 2009, tập đoàn này liên tục bị tấn công tin học. Chẳng hạn năm 2004, tài khoản email của tổng giám đốc và các nhà nghiên cứu chính của Nortel bị xâm nhập, 1.500 tài liệu siêu mật bị đánh cắp. Nhưng đang thành công rực rỡ, ông chủ tập đoàn không chú ý.

Trong khi đó, cũng chính từ 2004 mà Hoa Vi (Huawei), công ty viễn thông Trung Quốc bắt đầu chinh phục thị trường Bắc Mỹ với giá cả không ai cạnh tranh nổi, nhất là đối với Nortel. Pierre Bissonnette, cựu tổng giám đốc Huawei Canada, trước đó là nhà quản lý của Nortel nhìn nhận « Hoa Vi bán thiết bị thấp hơn cả giá thành sản xuất của Nortel ». Phải chăng đó là một sự tình cờ, hay do Hoa Vi biết được giá thành của tập đoàn Canada nhờ tin tặc ?

Brian Shields, từng là người chịu trách nhiệm an ninh mạng của Nortel và SCRS, cơ quan tình báo Canada đều tin như vậy. Kể cả Mandiant, công ty chuyên nghiên cứu các cuộc tấn công tin học, năm 2013 khẳng định việc xâm nhập được Nortel phức tạp đến nỗi chỉ có tầm cỡ Nhà nước mới làm được. Hơn nữa, tất cả vụ tấn công đều từ Thượng Hải, cụ thể là từ một đơn vị quân đội Trung Quốc tại đây.

Một chỉ dấu khác : ngay sau Nortel tan rã, Hoa Vi âm thầm tuyển mộ 20 nhà nghiên cứu giỏi nhất của tập đoàn Canada. Trong đó có trưởng phòng thí nghiệm gốc Hoa là Wen Tong trở thành sếp phòng thí nghiệm Hoa Vi, thuyết phục công ty Trung Quốc đầu tư 600 triệu đô la vào 5G, chương trình mà ông ta bắt đầu nghiên cứu ở Nortel. Chỉ vài năm sau, ê-kíp Wen Tong lập ra chuẩn 5G và đăng ký hàng trăm bằng sáng chế. Nhờ cựu chuyên gia của Nortel mà đến năm 2016 Hoa Vi đã áp đặt được tiêu chuẩn 5G của mình, cạnh tranh với Qualcomm, trở thành cái tên hàng đầu trong cuộc cách mạng tin học mới đang làm thay đổi thế giới.

Bắc Kinh tranh giành ảnh hưởng với Washington, từ Mỹ la-tinh đến Trung Đông

Cũng về Trung Quốc, Courrier International dịch bài viết của tờ Connectas nhận xét « Với các vaccin, Trung Quốc quyến rũ châu Mỹ la-tinh ». Hạ tầng cơ sở, tín dụng và nay là dược phẩm, từ một thập niên qua Bắc Kinh luôn tìm cách tranh thủ sân sau của Mỹ.

Từ 1990 đến 2009, Trung Quốc đã đầu tư 7 tỉ đô la vào khu vực ; và từ 2010-2015 con số này đã tăng vọt lên 46 tỉ đô la. Năm 2019, Brazil, nhà sản xuất đậu nành hàng đầu thế giới đã xuất sang Trung Quốc đến 80% sản lượng, nhượng cho Bắc Kinh 13 thương cảng, và dự kiến bán thêm 15 cảng nữa. Achentina cũng bán 80% đậu nành cho Trung Quốc, ngược lại Bắc Kinh đầu tư vào dầu khí và cho vay để xây dựng các cảng, đường xe lửa.

Nhờ hướng ra Thái Bình Dương, Chilê ký hiệp ước tự do mậu dịch với Trung Quốc - nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng và khai thác lithium ở nước này. Bắc Kinh còn là chủ nợ chính của Bolivia, còn Venezuela được vay đến trên 62 tỉ đô la. Tại Ecuador, Trung Quốc tài trợ khoảng 12 dự án hạ tầng năng lượng.

Trong khi « ngoại giao khẩu trang » chưa thấy mang lại tác động, Trung Quốc ồ ạt cung ứng vac-xin cho các nước châu Mỹ la-tinh, nhờ đó cải thiện được hình ảnh. Chẳng hạn tổng thống Jair Bolsonaro, vốn là nhà lãnh đạo chống Trung Quốc nhất ở châu lục, vài ngày sau khi nhận được nguyên liệu để sản xuất vac-xin Coronavac đã bỏ lệnh cấm giao mạng 5G cho Hoa Vi (Huawei).

Còn tại Trung Đông, Bắc Kinh lợi dụng cuộc xung đột Israel-Palestine để tranh giành ảnh hưởng với Mỹ. Le Figaro nhận thấy điều bất thường là lần này Trung Quốc lớn tiếng đả kích Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, tuy xưa nay vẫn dè dặt đứng phía sau Nga trong hồ sơ này. Tờ báo cho biết nhân đại dịch, Trung Quốc dấn lên trong thế giới Ả Rập : thử nghiệm vaccin ở Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất rồi cung ứng hàng loạt cho Maroc, Ai Cập, Irak, Algérie.


Nói về Tập Cận Bình, coi chừng « phạm húy »

Tại Hoa lục, The Economist ghi nhận tình trạng người dân tránh « phạm húy » tên Tập Cận Bình. Năm ngoái, đại gia địa ốc Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) cả gan nói về ông Tập như một « tên hề cởi truồng », đã bị lãnh án 18 năm tù vì tội tham nhũng.

Hôm 06/05, Vương Hưng (Wang Xing), một đại gia công nghệ Trung Quốc đăng một bài thơ cổ lên mạng Fanfou, chế giễu một hoàng đế Trung Hoa xưa đốt sách. Có người cho rằng ông này thực ra muốn mỉa mai Tập Cận Bình. Ông Vương vội vàng xóa bài, và các nhà kiểm duyệt cũng xóa tất cả những bình luận. Nhưng giá cổ phiếu công ty Mỹ Đoàn (Meituan) của ông nhanh chóng lao dốc, chỉ trong bốn ngày đã mất 26 tỉ đô la, khiến tài sản Vương Hưng bị bốc hơi 2,5 tỉ đô la.

Không khí hiện nay khiến ngay cả những người ủng hộ chính quyền cũng không dám nhắc tên Tập Cận Bình khi tụ họp với nhau, kể cả những bối cảnh vô hại. Họ chỉ nói « người mà ai cũng biết rồi đấy », « đại nhất », « anh cả » hoặc « bác của chúng ta ». The Economist cho biết trong một cuộc gặp riêng mới đây giữa các nhà ngoại giao, nhà quản lý, cán bộ ngân hàng mà câu chuyện chuyển sang chính trị, mọi người đều được yêu cầu tắt điện thoại cho an toàn.


Trung Đông khói lửa: Netanyahou và Hamas đều có lợi trong xung đột

Tình hình Trung Đông được tất cả các tuần báo Pháp chú ý. L’Obs dành 9 trang báo để nói về « Israel : Cú sốc giữa hai lớp trẻ », « Netanyahou-Hamas, kẻ thù số một của nhau ». L’Express phê phán « Netanyahou, Abbas, Hamas, những kẻ đào mồ chôn hòa bình », nhận xét các bạn bè Ả Rập của Nhà nước Do Thái đang bối rối, cũng như chính sách của ông Joe Biden bị xáo trộn bởi cuộc xung đột Israel-Palestine. Le Point nhận định « Israel dễ tổn thương trước Hồi giáo », và nạn bài Do Thái. Courrier International dịch các bài viết của báo chí Mỹ, Ả Rập, Do Thái, cho rằng giải pháp hai nhà nước tồn tại song song chỉ là ảo tưởng.

L’Obs cho rằng thủ tướng Israel và Hamas đều cần lẫn nhau vì năm lý do. Trước hết, ông Benjamin Netanyahou đang ở thế rất chông chênh, không lập được chính phủ liên minh. Trước đó một hôm, Yair Lapid, lãnh đạo đảng Yesh Atid (trung tả) đã loan báo một thỏa thuận liên kết với nhiều đảng từ Meretz (cực tả), Yamina (cánh hữu dân tộc chủ nghĩa) đến Havoda (đảng Lao Động) và Raam (các đảng Ả Rập). Nhưng những loạt đạn rốc-kết của Hamas từ Gaza đã làm thay đối ván cờ, thủ lãnh Yamina từ chối tham gia một chính phủ liên minh được các đảng Ả Rập ủng hộ. Thủ tướng bỗng chốc có thể tiếp tục tại vị cho đến khi tổ chức một cuộc bầu cử Quốc Hội mới – lần thứ năm chỉ trong vòng hai năm rưỡi.

Thứ nhì, đây là sự trả thù của Hamas với Abbas. Tất cả đều đối nghịch giữa Netanyahou và Hamas : lý tưởng, ý đồ chính trị cho đến cách điều hành. Nhưng khi lá cờ màu xanh lá cây của phong trào Hồi giáo cực đoan này phấp phới trên nóc đền thờ Al Aqsa, đóng vai bảo vệ quyền lợi của người Palestine, Hamas đã đẩy Fatah của ông Mahmoud Abbas ra ngoài lề.

Thứ ba, xung đột có lợi cho cả Netanyahou lẫn Hamas thay vì hòa bình. Thứ tư, thủ tướng Israel đã gián tiếp giúp đỡ Hamas, gây khó cho Fatah, qua việc làm ngơ trước việc Qatar viện trợ tiền bạc cho phong trào này (90 triệu đô la năm 2018 và 360 triệu đô la năm nay). Cuối cùng, từ 2019 Israel chủ yếu tấn công vào tổ chức Thánh chiến Hồi giáo ở Gaza, còn Hamas chỉ phản đối lấy lệ.

Trước mắt theo L’Obs, Benjamin Netanyahou và Hamas đều chiến thắng trong cuộc xung đột lần này : thủ tướng Israel được yên vị còn Hamas giành được ngọn cờ từ Fatah. Tuy nhiên nếu không đạt được ngưng bắn lâu dài, Hamas sẽ gặp khó khăn. Khi chứng tỏ khả năng dội bão lửa lên Jerusalem, Tel Aviv hoặc Eilat ở cách 250 kilomet, phe Hồi giáo này đã vượt qua lằn ranh đỏ, khó thể tiếp tục là đồng minh cơ hội. Báo Daraj của Liban được Courrier International dịch lại thì cho rằng khi dịch chuyển cuộc xung đột từ Jerusalem về Gaza, Hamas đã biến cuộc chiến của người Palestine thành cuộc xung đột giữa Tel Aviv với Teheran.


Israel trước lực cản Hồi giáo và tâm lý bài Do Thái

Bài xã luận của Le Point cho rằng Israel không còn thế thượng phong khi bên trong bị chia rẽ, thường dân bị vũ khí quân Hồi giáo đe dọa, cư dân gốc Ả Rập - mà dân số không ngừng tăng lên - chống đối, và cô đơn trước thế giới bên ngoài. Chính quyền Dân Chủ Mỹ chỉ ủng hộ lấy lệ, nhiều nước châu Âu chỉ giới hạn ở việc kêu gọi kềm chế thay vì ủng hộ Israel trước cuộc tấn công của quân Hồi giáo, phe tả ở châu Âu và Mỹ thì luôn bênh vực Palestine.

Đôi bên trong ngõ cụt vì cả hai phía đều muốn giữ nguyên trạng. Cái giá của một thỏa thuận là không thể chấp nhận được đối với nhiều người Palestine vì phải từ bỏ phần lớn Jerusalem và chấp nhận quyền hồi cư của người Do Thái. Với Israel thì phải công nhận chủ quyền Palestine ở thánh địa Núi Đền thuộc Đông Jerusalem, từ bỏ một phần vùng « Đất Hứa » trong Kinh Thánh.

Tuy đã có hiệp ước Abraham đạt được năm ngoái dưới thời Donald Trump, giữa Israel với Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Maroc, Soudan và Bahrein ; nhưng phe Hồi giáo Hamas và những nước bảo trợ là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar luôn muốn cản trở việc hình thành một liên minh khu vực giữa các phe ôn hòa. Tác giả Etienne Gernelle trên Le Point nhấn mạnh, chính người Hồi giáo mới sát hại người Hồi giáo nhiều nhất.

Trên Le Figaro số cuối tuần, nhà triết học Alain Finkielkraut cho rằng dù Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngưng bắn nhưng vẫn chưa giải quyết được gì. Vị giáo sư của Viện Hàn lâm Pháp nhận định chủ trương không khoan nhượng của Hamas và cả của phe cực đoan Israel đã khiến Nhà nước Do Thái rơi vào ngõ cụt. Theo ông, nếu cuộc xung đột Israel-Palestine khiến đám đông xuống đường trong khi dửng dưng trước số phận người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, người Công giáo Trung Đông bị đàn áp, chiến sự liên miên ở châu Phi, tình hình Miến Điện, số phận phụ nữ Afghanistan trước sự quay lại của Taliban, cuộc chiến kéo dài ở Syria…là vì tâm lý bài Do Thái.

An ninh, cực hữu, quan liêu : Những vấn đề xã hội Pháp

Tựa chính các tuần báo kỳ này tập trung vào những vấn đề của nước Pháp. Trang bìa L’Express đăng ảnh cảnh sát chống bạo động tuần tra trong đêm, với dòng tựa « Mất an ninh, giữa lo ngại và thực tế ». Le Point tấn công vào nạn quan liêu của chính quyền. Courrier International dành trang nhất cho hình vẽ bà chủ tịch đảng cực hữu Pháp ngồi trên băng ghế rải thức ăn cho những chú chim bồ câu, chạy tựa « Làm thế nào Marine Le Pen tập hợp được lực lượng ? ». Cực hữu đã thành công trong việc áp đặt những chủ đề tranh luận như tính thế tục, an ninh, toàn cầu hóa tại Pháp. L’Obs dùng màu xanh lơ làm nền, với hình viên thuốc con nhộng trong suốt, nửa trên chứa những viên thuốc đủ màu, nửa dưới là những tai nấm, với dòng tít « LSD, nấm, thuốc lắc…Ảo giác để chống lại trầm cảm ? »

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.