Đăng ngày:
Trung Quốc nắm chìa khóa về đại dịch Covid
Le Point đề cập đến « Điểm mới về xuất xứ SARS-CoV-2 ». The Economist quan tâm tới việc « Joe Biden ra lệnh cho tình báo điều tra về nguyên nhân Covid-19 ». Giả thiết con virus rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm là rất có thể, nhưng còn xa mới chứng minh được. Một nhà nghiên cứu Pháp khi trả lời L’Express cho rằng « Khả năng biết được sự thật nằm trong tay người Trung Quốc ».
Le Point cho biết hai nhà nghiên cứu Pháp Étienne Decroly và Bruno Canard ở Marseille từ mùa xuân 2020 ban đầu cũng cho rằng chỉ là tin đồn, nhưng càng xem xét kỹ càng đặt ra nhiều nghi vấn. Cuối 2020, cả hai cùng với các chuyên gia quốc tế khác lập ra « nhóm Paris », nghiên cứu những dữ liệu hiếm hoi có được. Họ đánh động công luận, đăng ba lá thư ngỏ trên Wall Street Journal và Le Monde.
The Economist nhắc lại, từ đầu năm 2000 khả năng virus thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán hay một phòng thí nghiệm gần đó đã được nêu ra, nhưng bị bác ngay. Thậm chí tháng 2/2020 một số nhà khoa học còn dùng trang báo của The Lancet lên án ý tưởng này, và đa số báo chí đều nghe theo, cho rằng đó là thuyết âm mưu. Tuy nhiên những tháng gần đây tranh luận lại nổi lên trong giới chính trị và các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như các blog nhiều ảnh hưởng của những nhà báo chuyên về khoa học.
Tổng thống Donald Trump ra đi, giả thiết phòng thí nghiệm mới được nêu lại
Vì sao giả thiết tai nạn phòng thí nghiệm được đặt lại lúc này ? Ông Bruno Canard nhận định trước hết về phương diện chính trị : những người ghét Donald Trump trước đây không chịu công nhận vì không muốn tạo uy tín cho tổng thống Mỹ.
The Economist cũng cho rằng hướng này được thúc đẩy, một phần là do sự ra đi của tổng thống Donald Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo, những người hăng hái bảo vệ giả thiết tai nạn thí nghiệm nhất.
L’Express dẫn nguồn từ New York Times cho biết tình báo Mỹ đang phải phân tích « một lượng rất lớn » dữ liệu tin học, dựa trên cơ sở các liên lạc viễn thông ở Trung Quốc, sự dịch chuyển của nhân viên phòng thí nghiệm và tiến triển địa lý của đại dịch ở Vũ Hán. Chính quyền Biden cũng thúc đẩy tình báo các nước đồng minh chú ý giả thiết này và chia sẻ thông tin. Trong khi chờ đợi, cựu tổng thống Donald Trump nói rằng : « Đối với tôi, chuyện này đã rõ ràng ngay từ đầu, nhưng họ đả kích tôi kịch liệt, như thường lệ ».
Nhưng đặc biệt là lá thư của 18 nhà khoa học lừng lẫy đăng trên Science hôm 13/05, từ chối bác bỏ giả thiết tai nạn thí nghiệm và kêu gọi điều tra sâu hơn. Le Point nhấn mạnh, một số nhà khoa học ký tên trong lá thư trên Science là những ngôi sao quốc tế về virus corona. Chẳng hạn ông Ralph Baric còn là thầy của « Batwoman » Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), chuyên gia về virus corona của Viện Virus Vũ Hán, nơi lưu giữ bộ sưu tập virus corona lớn nhất thế giới.
Đã nhiều lần virus độc hại thoát khỏi các phòng thí nghiệm
Về giả thiết virus từ một hang động gần Vũ Hán lây cho một vật chủ và con vật này lây sang người, đã xem xét đến 80.000 mẫu vật của nhiều loài vật khác nhau nhưng vẫn không tìm được vật trung gian ! Phái đoàn điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến Trung Quốc không khám phá được gì, đặc biệt vì có xung đột lợi ích. Có nhiều câu hỏi mà Bắc Kinh có thể trả lời nhưng họ không hỏi. Sự thật đang trong tay Trung Quốc. Có thể một ngày nào đó các tài liệu liên quan sẽ được một người có lương tâm tiết lộ, nhưng điều này không chắc.
L’Obs và The Economist nhắc lại, những vụ mầm bệnh thoát ra từ các cơ quan nghiên cứu vẫn thường xảy ra. Hồi năm 1967, một virus thuộc loại Ebola thoát ra ở Marburg làm 7 người chết. Vụ tử vong cuối cùng vì virus đậu mùa là do con virus này rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Anh năm 1978. SARS-CoV-1, virus gây dịch SARS 4 lần thoát ra khỏi phòng thí nghiệm và lây lan ra các nước : năm 2003 ở Singapore và Đài Loan, năm 2004 thoát khỏi một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh đến hai lần.
Tháng 12/2019, trên 100 sinh viên và thành viên của hai trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở Lan Châu (Lanzhou) bị nhiễm bệnh sốt cấp tính Brucellosis thường chỉ có ở động vật. Đáng báo động hơn cả là virus cúm H1N1 lan tràn trên thế giới từ năm 1977, nay được biết xuất xứ từ một phòng thí nghiệm Đông Bắc Á, có thể là ở Trung Quốc hay Nga.
Trung Quốc lai tạo virus corona ở Vũ Hán nhiều hơn người ta tưởng
Nay các luận án của các sinh viên Trung Quốc bị tiết lộ chỉ khẳng định điều mà người ta đã biết, đó là Trung Quốc đã đùa với lửa từ lâu. Họ dùng một con virus, biến đổi nó để xem có lây nhiễm cho tế bào người hay không. Việc « nhào nặn » các gien là phương pháp nguy hiểm không nên làm, chỉ nên thực hiện khi tìm thấy một virus gần giống với một mầm bệnh có khả năng gây dịch bệnh.
Các nhà ngoại giao Mỹ khi thăm Viện Virus Vũ Hán năm 2018 đã cảnh báo về an toàn sinh học tại đây, nêu nguy cơ virus corona có thể gây ra đại dịch. Bà Thạch Chính Lệ đầu năm 2020 nói rằng một trong những nỗi lo đầu tiên của bà là con virus có thể thoát ra được.
Nhóm của Thạch Chính Lệ nhiều năm trời nghiên cứu khả năng lây nhiễm cao hơn của virus corona đối với con người. Trong báo cáo năm 2015, họ cho biết đã lai tạo một virus corona trên loài dơi và loài chuột, có thể tự sinh sản trong các tế bào hô hấp của người. Một số người cho rằng có thể con virus còn bị cho là lai tạo giữa con corona trên dơi và tê tê.
Đúng vào ngày lời kêu gọi của 18 nhà khoa học nổi tiếng được đăng, những người ẩn danh như « The Seeker » trên Twitter tiết lộ ba luận án tiến sĩ và thạc sĩ thực hiện dưới sự chỉ đạo của Thạch Chính Lệ, từ 2014 đến 2019, cho thấy Viện Virus Vũ Hán đã lai tạo virus nhiều hơn là giới khoa học vẫn nghĩ.
Lấy cớ bị « chính trị hóa », Bắc Kinh từ chối cung cấp dữ liệu Covid
Bắc Kinh bị chạm nọc : hôm 21/05 trong thượng đỉnh về y tế do EU và G20 tổ chức, Tập Cận Bình cổ vũ các nhà lãnh đạo thế giới « kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan chính trị hóa » đại dịch Covid. Đến 25/05, đại diện Trung Quốc tại World Health Assembly, thiết chế quan trọng của WHO, tuyên bố điều tra về nguyên nhân Covid tại Trung Quốc đã kết thúc, nay phải chuyển hướng điều tra sang các nước khác.
Chính quyền Trung Quốc từ chối cung cấp các dữ liệu dịch tễ chủ yếu về 174 ca Covid đầu tiên ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019, trong khi những tài liệu này hết sức quan trọng để có thể dập dịch sau này. Đặc biệt là vụ ba nhà nghiên cứu của Viện Vũ Hán bị nhiễm bệnh vào tháng 11/2019, trước khi dịch Covid được chính thức công bố.
Courriel International dịch một bài viết của Wall Street Journal đặt vấn đề, phải chăng hầm mỏ được canh gác cẩn mật nhất Trung Quốc chứa đựng các thông tin về Covid ? Tại mỏ đồng Mặc Giang (Mojiang) ở Vân Nam, có liên quan đến Viện Virus học Vũ Hán, tháng 4/2012 có sáu thợ mỏ nhiễm một căn bệnh kỳ lạ sau khi vào dọn dẹp phân dơi, và ba người đã tử vong.
Chính quyền Trung Quốc phong tỏa lối vào mỏ này, nói rằng có voi rừng. Nhưng một nhà báo mới đây lọt vào được, sau đó bị thẩm vấn suốt 5 tiếng đồng hồ và xóa hết các hình ảnh chụp được, cho biết cư dân được lệnh không trả lời báo chí nước ngoài. Le Point nêu thêm một nghi vấn khác : tất cả các nước có trại nuôi chồn để lấy lông đều phát hiện được các ca SARS-CoV-2, còn Trung Quốc, nhà sản xuất lông chồn lớn nhất thế giới không khai báo ca nào.
Pháp tham gia tập trận với Bộ Tứ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương
Về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nguyệt san Le Monde Diplomatique lưu ý trong Journal du Dimande đầu tháng Năm, các đại sứ Úc và Ấn Độ tại Pháp hoan nghênh tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho tập trận chung với Bộ Tứ. Tuy nhiên khái niệm về liên minh này vẫn mơ hồ, mạnh ai nấy theo đuổi mục tiêu riêng của mình.
Theo đại tá Hải quân Jean-Mathieu Rey, chỉ huy lực lượng Pháp tại Châu Á-Thái Bình Dương, Pháp hiện có 7.000 quân, 15 chiến hạm và 38 phi cơ hiện diện thường xuyên. Chưa kể từ cuối tháng Ba cho đến tháng Sáu, hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, tàu ngầm nguyên tử tấn công Éméraude, nhiều phi cơ (trong đó có 4 chiếc Rafale và 1 A330 tiếp liệu), nhóm tàu đổ bộ Jeanne d’Arc với tàu chở trực thăng Tonnerre, chiến hạm tàng hình Surcouf…Tất cả đều tham gia một loạt cuộc tập trận với Úc, Ấn, Nhật, Mỹ.
Năm 2019 một chiến hạm Pháp đã đi qua eo biển Đài Loan, khiến Bắc Kinh bực tức, nhưng đây là lần đầu tiên Pháp tham gia với quy mô lớn. Nhất là tổng thống Emmanuel Macron chủ trương triển khai quân sự « trong trục Ấn Độ-Thái Bình Dương » với đich nhắm là Trung Quốc. Trong chuyến thăm Úc năm 2018, ông Macron tuyên bố : « Trung Quốc đang dần thiết lập sự thống trị (…). Nếu chúng ta không hành động, sắp tới tự do và các cơ hội của chúng ta sẽ giảm đi ».
Thế chiến thứ ba sẽ do Trung Quốc gây ra?
L’Obs trong bài xã luận « Trung Quốc trên con đường một cuộc chiến tranh thế giới » đặt vấn đề, phải chăng chúng ta đang trong « thời điểm Spoutnik » - cú sốc của Mỹ do Liên Xô phóng vệ tinh vào vũ trụ lần đầu - khi Bắc Kinh đưa được robot Chúc Dung (Zhurong) lên Hỏa tinh hôm 15/05 ? Trước đó ngày 14/05, Mỹ, Nhật, Úc, Pháp tập trận chung tại Biển Hoa Đông với mục tiêu không giấu diếm là bảo vệ Đài Loan. CIA và quân đội Mỹ tin rằng đại chiến thế giới lần thứ ba sẽ diễn ra tại Biển Đông, khởi sự từ việc Trung Quốc tấn công Đài Loan, và sẽ đẫm máu hơn hai trận đại chiến trước đó.
Mối quan ngại này được châu Âu chia sẻ. Nhưng còn một nỗi lo khác : Bắc Kinh đã số hóa dữ liệu y tế và giải mã trình tự ADN của hàng trăm triệu công dân Trung Quốc, và Hoa Vi (Huawei) đặt mục tiêu bổ sung thêm hồ sơ của nửa tỉ người bên ngoài Hoa lục trong 10 năm tới. Như vậy, liệu Đệ tam Thế chiến đã bắt đầu mà không phải bắn một phát súng nào ?
Bắc Kinh có thể chiếm Đá Ba Đầu, nhưng mất Philipppines
Riêng về Biển Đông, The Economist nhận định Philipppines đang điều chỉnh lại mối quan hệ với Mỹ, vì việc ngả sang Trung Quốc chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.
Tuy Philipppines thắng kiện tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, nhưng Rodrigo Duterte khi lên nắm quyền năm 2016 lại từ bỏ lợi thế này cho quan hệ với Trung Quốc. Khi sang gặp Tập Cận Bình, Duterte tuyên bố đã đến lúc phải chia tay với Hoa Kỳ. Ông ca ngợi những lợi ích của chủ trương thân Bắc Kinh : sẽ được đầu tư lớn với Con đường tơ lụa mới (BRI), ngư dân được quay lại bãi cạn Scarborough, và viễn cảnh Trung Quốc giúp khai thác dầu khí trên biển.
Tuy nhiên Jay Batongbacal của đại học Philipppines nhận định, tất cả hầu như là số không. Các dự án BRI hoặc nhỏ bé (chỉ vài cây cầu ở Manila), hoặc gây tranh cãi (đập thủy điện tại khu bảo tồn thiên nhiên). Ngư dân Philipppines sợ hãi không dám quay lại Scarborough vì từng bị tàu Trung Quốc tông vào. Căng thẳng trên biển khiến không thể khai thác dầu khí, dẫn đến việc phải tiêu thụ than đá quá nhiều ; người Hoa đổ xô vào gây ra nhiều vấn đề xã hội.
Tổng thống Philipppines phải nhìn nhận rằng ông ta đã thất bại, và kết quả là lại quay về phía Mỹ. Cách đây một năm, Duterte loan báo hủy hiệp ước song phương về thăm viếng quân sự (VFA), nhưng đã gia hạn hai lần, và bộ Quốc phòng cũng như Ngoại giao đều muốn duy trì vĩnh viễn. Duterte cũng bắt đầu bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Và trên thực tế, quan hệ an ninh với Mỹ luôn chặt chẽ, Washington nhiều lần tập trận chung và tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Philipppines nếu bị tấn công kể cả từ phía dân quân biển Trung Quốc. The Economist kết luận, Bắc Kinh có thể giành được Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) nhưng đã mất đi Philipppines.
Xa lộ ở Montenegro và đại học Phục Đán ở Hungary : Dấu ấn lũng đoạn của Trung Quốc
Tại châu Âu, Courrier International trích dịch bài viết của tờ Vreme xuất bản tại Belgrade, nói về « Montenegro, đất nước đã tự gán nợ ». Việc xây dựng một đoạn xa lộ dài 42 kilomet do Trung Quốc tài trợ, chưa bao giờ hoàn tất và không mang lại lợi ích kinh tế, đã khiến chủ quyền của quốc gia nhỏ bé vùng Baltic này đang bị đe dọa.
Montenegro, đất nước có 620.000 dân nằm trên tuyến đường chiến lược của Trung Quốc tại châu Âu, trong khuôn khổ cơ chế hợp tác « 16+1 » tập hợp các nước Trung Âu và Đông Âu. Cuối tháng 2/2014, chính phủ Montenegro do ông Milo Djukanovic lãnh đạo đã ký hợp đồng với Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) xây đoạn xa lộ trên tuyến đường nối với Serbia, tuy không có nghiên cứu tiền khả thi. Đến tháng 10/2014, Exim Bank Trung Quốc ký thỏa thuận cho vay 942 triệu đô la - trong khi Montenegro dùng đồng euro, một rủi ro về tỉ lệ hối đoái - trong 20 năm với 6 năm ân hạn. Công trình phải do các công ty Trung Quốc thực hiện 70%. Những bất đồng sẽ do Bắc Kinh giải quyết chứ không phải những định chế quốc tế, và nếu không trả được nợ, Trung Quốc sẽ tịch thu các tài nguyên chiến lược.
Thế nhưng xa lộ này không hề hiệu quả. Để trả nợ vay bằng tiền thu phí, cứ mỗi 3 giây đồng hồ phải có xe chạy qua, 24 giờ trên 24, cả bảy ngày trong tuần trong suốt 14 năm. Món nợ này chiếm 30% GDP của Montenegro. Dấu hiệu tham nhũng : số liệu kế toán của CRBC cho thấy đã chi lương 86,3 triệu euro cho 1.436 công dân Trung Quốc trong năm 2018, tức mỗi lao động Trung Quốc lãnh đến 5.000 euro một tháng ! Nhưng người ta không biết gì hơn vì nhiều tài liệu đươc xếp loại mật. Dự án lên đến 1 tỉ euro nhưng không được gọi thầu công khai. Hơn nữa, xa lộ này hủy hoại một phần khu bảo tồn thiên nhiên thượng nguồn sông Tara, mà trong những năm gần đây UNESCO, Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu không ngớt cảnh báo. Chưa xây dựng xong đã đến kỳ hạn trả nợ đợt đầu 30 triệu euro vào tháng Sáu.
Còn tại Hungary, tờ Heti Vilaggazdasag phê phán thủ tướng Viktor Orban vay nợ Trung Quốc đến 1,5 tỉ euro để lập một chi nhánh của đại học Phục Đán (Fudan) ở Budapest từ nay đến 2024. Bằng cấp do trường này cấp cho con cái giới tinh hoa ở Hoa lục và các nước đồng minh Bắc Kinh, nhờ được Hungary công nhận, sẽ có giá trị trên toàn Liên hiệp Châu Âu. Theo tờ báo, sẽ có nhiều sinh viên châu Á, châu Phi theo học, và đây là nguồn cung cấp nhân viên tình báo vì Phục Đán xưa nay vẫn hợp tác chặt chẽ với cơ quan tình báo Trung Quốc.
Tựa chính các tuần báo Pháp
L’Obs tuần này đăng ảnh chủ tịch đảng cực hữu Pháp, một đảng đã được « bình thường hóa cực độ », đặt vấn đề « Marine Le Pen đã tiến gần đến quyền lực như thế nào ».
Chiếm trọn trang nhất L’Express là hình vẽ một con mắt, với hàng tựa « Camera, nhận diện khuôn mặt, điện thoại thông minh : giám sát tất cả, rồi thì sao ? ». Chủ đề của Le Point dành cho câu hỏi « Làm thế nào trở thành người bảo vệ sinh thái thực sự ? ». Courrier International tập trung cho cuộc xung đột Israel-Palestine ở Trung Đông với các bài viết về thánh địa « Jerusalem, trái tim của mọi sự xâu xé », còn The Economist đặt vấn đề « Hai Nhà nước hay một ? ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.