vendredi 21 mai 2021

Thám hiểm vũ trụ : Hai võ sĩ Mỹ-Trung không cùng một hạng cân


Đăng ngày:

Cho dù không có tấm ảnh nào gởi đi từ Hỏa tinh để xác nhận, cơ quan không gian Trung Quốc loan báo robot Chúc Dung (Zhurong) đã hạ cánh xuống hành tinh đỏ hôm 15/05. Việc đi vào bầu khí quyển Hỏa tinh và thắng lại được khó khăn cho đến nỗi chỉ mới có Mỹ nắm được kỹ thuật này.

Tập Cận Bình không bỏ lỡ cơ hội nhấn mạnh « dấu ấn đầu tiên của Trung Quốc trên Hỏa tinh ». Thành công này cùng với việc một xe tự hành thám hiểm mặt khuất của Chị Hằng năm 2019, mang về được các mẫu đá Mặt Trăng năm 2020, đưa vào quỹ đạo bộ phận đầu tiên của một trạm không gian tháng Tư, cho thấy Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều công sức cho việc chinh phục vũ trụ.

Một ngân sách hàng năm 10 tỉ đô la, nhiều vệ tinh quan sát Trái Đất, số hỏa tiễn hùng hậu, chương trình thám hiểm cực nam Mặt Trăng, hệ thống định vị cạnh tranh với GPS của Mỹ, Galileo của châu Âu và Glonass của Nga : Trung Quốc hiện được cho là đứng thứ nhì thế giới trong lãnh vực không gian. Như vậy Bắc Kinh có thể cạnh tranh được với quốc gia đứng đầu là Hoa Kỳ chăng ? Le Monde cho rằng không đơn giản như thế.

Hai võ sĩ quyền Anh này không thi đấu trong cùng một hạng cân. Chỉ riêng về ngân sách, NASA mỗi năm có đến 23 tỉ đô la. Nhưng đó không phải là nhân tố duy nhất của công nghiệp vũ trụ Hoa Kỳ, vì khoảng cách công nghệ còn rất xa để Trung Quốc có thể đuổi kịp.

Phi hành gia Mỹ đầu tiên đã bay lên không gia từ năm 1961, còn Trung Quốc mãi đến 2003. Hoa Kỳ mang về trên 380 ký lô mẫu đất đá Mặt Trăng từ 1969 đến 1972, trong khi Trung Quốc đến nửa thế kỷ sau mới lấy được vỏn vẹn 2 ký. NASA hạ cánh lần đầu xuống Hỏa tinh từ năm 1976 với hai phi thuyền Viking, và xe tự hành đầu tiên Sojourner có từ 1997. Trạm vũ trụ quốc tế mà Mỹ là nhân tố chính cùng với Nga, Canada, châu Âu, Nhật Bản đã quay quanh Trái Đất từ 1998, rất quy mô so với dự án của Trung Quốc. Các tàu thăm dò khoa học Mỹ đã ngang dọc Thái dương hệ từ lâu, một số đã quay về…Chưa kể 12 phi hành gia Mỹ đã đi bộ trên Mặt Trăng trong chương trình Apollo.

Vì vậy so sánh chỉ là khập khiễng. Nhưng Bắc Kinh thì hãnh diện khi được coi là người cạnh tranh với Mỹ : trong quyền Anh, võ sĩ thượng đài cũng « ké » được hào quang như nhà vô địch.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.