dimanche 23 mai 2021

Đoàn Bảo Châu - “Thần y” Võ Hoàng Yên, lỗi tại ai?


Mấy năm trước tôi có stt về “hiện tượng Võ Hoàng Yên” và đã nhận được không ít gạch đá. Khi một đám đông đang trở nên cuồng tín thì tiếng nói thật của một vài cá nhân sẽ chìm nghỉm yếu ớt như đá ném ao bèo.

Tôi viết ở đây không chỉ để nói về Võ Hoàng Yên, mà muốn cộng đồng hãy cảnh giác với tất cả những bậc thầy đang khoác những cái áo cao siêu, huyền bí trước công chúng. Một chỉ dấu có thể nhận thấy một người thầy có chân chính hay không là cách ông ta ứng xử với đồng tiền. Với người “đắc đạo” và có năng lực thì đồng tiền ít khi là mục đích.

Người dân thấp cổ bé họng bao giờ cũng là những người thiệt thòi nhất trong một xã hội đầy đạo đức giả, đầy những kẻ khoác trên mình một cái áo lộng lẫy hay nghiêm cẩn của cán bộ, thầy cúng, sư sãi.

Trước hết, hãy nói về sự phi lý trong phương pháp của Võ Hoàng Yên. Ai đã từng tìm hiểu về não bộ con người, về thần kinh học sẽ thấy ngay sự phi lý. Mỗi một chức năng nói, nghe, nhìn, điều khiển cơ bắp, phản xạ có điều kiện đều là một chuỗi liên hệ của mấy chục tỉ, thậm chí toàn bộ cả 90 tỉ tế bào nơ ron. Một người bị câm, điếc, liệt thì có nghĩa cả một mảng não, hay cả tỉ tế bào nơ ron đã chết, hay đường truyền tín hiệu giữa các nơ ron về một chức năng nào đấy đã bị hỏng, vậy tại sao mấy cái véo tai, vặn đầu, vặn cổ lại có sức mạnh thần thánh để là sống lại cả tỉ tế bào đã chết, cả mảng não đã hỏng như vậy?

Chỉ có mấy trường hợp là các diễn viên được sắp đặt cho những clip quảng cáo, hay ồ, à ngọng nghịu để tán thưởng sự hò reo của dám đông với hy vọng làm thế sẽ được thầy chữa trị và tiến triển trong tương lai. Hay đơn giản là đau thấy ông bà ông vải khi bị tra tấn thì phải rên lên mà thôi.

Nhưng câu hỏi quan trọng cần đặt ra là tại sao lại có “hiện tượng Võ Hoàng Yên” và khi cả một cộng đồng bị lừa thì trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm này thuộc Bộ Y tế. Khi thấy một hiện tượng như vậy, các vị lãnh đạo ngành y tế phải lập ra một ủy ban để xác minh tính chân thực của một phương pháp, chỉ khi được kiểm chứng, có giấy phép mới được hành nghề.

Nhưng ở Việt Nam, một xã hội khi cán bộ thường làm việc thiếu trách nhiệm, thường chỉ làm việc gì mà có lợi trước mắt hay bị thúc giục bởi sức ép công luận. Thì mấy cái trò lừa đảo rẻ tiền sẽ có đất để “thăng hoa” thành “thần y”, thành những “cao nhân” rồi mặc sức ăn trên ngồi trốc, trên những đồng tiền mà người nghèo chảy máu mắt mới có được.

Người dân luôn phải cảnh giác. Ra đường, lớ ngớ là mất tiền với công an giao thông, vào chốn công quyền là phải có phong bì, vào chùa là có sư sãi kiểu “Ba Vàng” phán bao kiếp trước có lỗi, giờ phải làm lễ để chuộc lại, dính với việc luật pháp là phải chạy chọt đến sức tàn lực kiệt rồi kết quả vẫn chẳng ra sao. Một xã hội luôn rao giảng “do dân, vì dân” nhưng thằng dân là những thằng muôn đời lầm than khốn khổ.

Võ Hoàng Yên chỉ là một cá nhân mọc lên bởi sự vô trách nhiệm của cơ quan chức năng, của lòng tin ngây thơ của những người dân ít học, bởi sự thờ ơ của đa phần người Việt “khôn ngoan”. Của cả một hệ thống “báo chí” nửa vời, viết không cần biết tới sự thật cuối cùng là gì, chỉ cần có chương trình lên sóng, có bài in cho ngày mai, cho tuần sau là xong.

Trong khi ấy thì tiếng nói của vài người có lương tri trên mạng xã hội thì nhợt nhạt và dễ bị chìm nghỉm bởi cả một đội ngũ dư luận viên đông như quân Nguyên, một đội quân ngu dốt, mất dạy, thô bỉ, rồi cả một đội ngũ cuồng tín của những ông thánh sống sẵn sàng đánh đòn hội đồng những tiếng nói thẳng thắn, trung thực.

Đừng vội tin những gì mà cộng đồng ca ngợi. Hãy đặt lòng tin vào khoa học, hãy tư duy như những nhà khoa học. Cả tin, cuồng tín là việc cá nhân, nhưng việc tuyên truyền những điều giả dối vô tình hay cố ý thì đều là tội ác.

ĐOÀNBẢO CHÂU 22.05.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.