vendredi 28 mai 2021

Nguyễn Đức Hiển - Sự hấp dẫn của bà Phương Hằng


Một số người làm báo nhất định ôm giữ niềm tự hào "báo chí chuyên nghiệp" sẽ không đồng ý điều này: Mạng xã hội đang lấn sân báo chí, nếu báo chí không vươn ra thì báo chí (theo cách hiểu hạn hẹp ôm giữ ấy) sẽ chết chứ mạng xã hội không chết.

1. Làm báo không còn là đặc quyền của một bộ phận nhỏ dân số, xuất bản thông tin không là đặc quyền của nhà báo. Internet và mạng xã hội đã kết liễu nó từ thập kỷ 90, và tại Việt Nam từ gần 20 năm trước với sự ra đời của Yahoo! 360.

Mạng xã hội trong đó có YouTube đã có đầy đủ chức năng và nghiệp vụ của báo chí: Tìm kiếm thông tin, phân tích thông tin và chuyển tải nó đến công chúng.

Vậy thì, vấn đề là bỏ qua tự ái cổ hủ để xuất hiện hấp dẫn trên các nền tảng, thay vì kiêu hãnh đạo cao đức trọng rồi để YouTuber lấy hết công chúng. Đừng bực bội khi thấy tối qua nhiều khán giả mở tivi nhưng không xem truyền hình mà lại xem YouTube bà Hằng. Báo chí có chán nản và giận dỗi cho rằng dân trí thấp và thị hiếu rẻ tiền cũng không thay đổi được gì, nếu bạn không làm mình hấp dẫn hơn để giành lấy công chúng.

Chuyện tôi nói, không mới. Ai làm báo cũng biết báo chí cần đi theo phương hướng đa phương tiện, đa nền tảng. Thoạt đầu, xu hướng làm báo này đã gây ra những phản ứng. Tại một cuộc hội thảo về xu hướng phát triển báo chí, Nhà báo Lê Quốc Minh (Tổng Biên tập báo Nhân dân; thời điểm ấy là Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) trình bày một tham luận cho rằng: "Công chúng ở đâu, Báo chí phải ở đấy!" và nhận được những ý kiến ái ngại, không hài lòng. Cho dù anh Minh chỉ nói về việc phải chiếm lấy công chúng.

Hiện nay thì đã rõ, báo chí đã đa nền tảng. Nhưng vấn đề là chúng ta đang giữ sự đạo mạo thông tin của báo in và đưa y chang lên các nền tảng như mạng xã hội. Và thế thì chẳng khác nào ông già ngâm thơ Đường giữa một đám đông khán giả thích Rap. Phải biến nội dung bài thơ Đường ấy thành bài Rap, có gì sai đâu? Miễn là giữ được thông tin.

2. Chính vì sự già nua ấy của báo chí, nên bà Phương Hằng hấp dẫn. Những chuyện bà Hằng nói (bỏ qua những nội dung và thái độ mà nhiều người không đồng ý) thì cũng là các vấn đề nghiêm túc : Trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ; sự trung thực trong vận động từ thiện. Thế thì tại sao lại 600.000 người xem trực tiếp; mấy triệu lượt xem sau đó và hàng ngàn kênh YouTube dẫn về?

Thứ nhất, bà ấy hấp dẫn vì bà ấy giàu. Khi bạn có nhiều ngàn tỉ trong tay, người ta thích nghe bạn nói. Cũng là nội dung ấy, cũng chính là bà Phương Hằng nhưng nếu bà bán bún ở sát nhà tôi thì bà nói chuyện đó ai tin ai nghe? Trừ khi bà ấy làm YouTube về nồi bún siêu to khổng lồ. Nhưng ở đây, bà Hằng giàu, bà nói về chuyện tiền bạc, thì tiếng nói của bà hấp dẫn. Thân thế (không phải thân thể, dù bà ấy thỉnh thoảng dừng lại yêu cầu khán giả khen đẹp) là sự hấp dẫn đầu tiên.

Thứ hai, bà ấy nói về giới showbiz bằng những thông tin mới và độp thẳng. Khi nhiều phóng viên văn hóa văn nghệ đánh mất thiên chức phê bình, và đưa tin thực ra chỉ là sáng tạo một cách kém cỏi trên nền thông cáo báo chí, thì bà Hằng nói chuyện hậu trường nghệ sĩ và phê bình về lối sống lẫn đạo đức đối xử với đồng nghiệp lẫn Tổ nghiệp. Điều nhiều người ấm ức mà chửi thầm chứ không dám nói.

Khi nhiều YouTuber sợ hãi "vùng cấm", "ổ kiến lửa"; sợ hãi những cuộc "truyền tấn công" và "tặng sách giáo dục công dân, sách giáo khoa đạo đức" của giới showbiz thì bà Hằng, một mình, kêu gymmer Duy Nguyễn mang mấy cuốn sách đó tới để gởi tặng lại. Thậm chí còn thách thức: ăn hiếp được Duy Nguyễn chớ có ngon thì lên Đại Nam mà ăn hiếp tui! Điểm hấp dẫn thứ hai này nó tạo sự tin cậy "Nói được làm được", không sợ đối đầu.

Thứ ba, bà Hằng chuyển tải thông tin đến công chúng không bằng sự đạo mạo. Ba tiếng liên tục độc thoại nhưng bằng ngôn ngữ đối thoại nên người xem không bị chán, ai cũng cảm giác bả đang nói với mình. Tôi thì tin bà Hằng không học nghiệp vụ dẫn chương trình ngày nào, vì nếu có học thì chắc không nói hay như vậy. Tôi chưa bao giờ đủ kiên nhẫn nghe một MC truyền hình nói một mình liên tục 5 phút cả, trừ những bản tin thời sự quan trọng mà tôi bắt mình phải xem.

3. Công chúng bị bà Hằng dẫn dắt: Tôi cũng nghĩ là sẽ nguy hiểm khi con tôi nghe và coi đó như một chuẩn mực truyền thông. Rất may nó chỉ nghe Sơn Tùng và những bài rap vớ vẩn mà tôi không thể nghe, dù chiều con. Sự lo ngại về thứ ngôn ngữ và thái độ giao tiếp công chúng ấy có thể bị giới trẻ bắt chước, nghĩ cũng chính đáng.

Nhưng một điều không thể phủ nhận là có thể có người vừa dè bỉu bà ấy hôm qua thì hôm nay trong cuộc họp vẫn lén lút mở YouTube nghe bà ấy nói khi sếp đang phát biểu. Vậy thì vấn đề là báo chí phải xông lên "cướp mic" bằng cách làm cho mình hấp dẫn lên như bà ấy chứ không phải ngồi đấy mà lo. Bà Hằng là một level khác hẳn đám Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng hay thánh chửi Dương Minh Tuyền. Đám kia tấu hài, còn bà Hằng đích thị truyền thông những nội dung có tính báo chí rất cao.

Không phải tự nhiên hôm nay nhiều nhà báo giỏi (đa phần có xu hướng làm báo hiện đại) quan tâm đến live stream tối qua của bà Hằng. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu tích cực. Có thể không quan tâm đến những thứ bạn cho rằng lá cải, nhảm nhí, rẻ tiền hàng chợ trong đó, mà cuộc live tối qua lần nữa cho thấy báo chí cần phải thay đổi cho phù hợp với mỗi nền tảng khác nhau.

Và cuối cùng, cái tít bài về sự hấp dẫn của bà Phương Hằng nhưng thực ra là câu chuyện nghiệp vụ báo chí.

NGUYỄNĐỨC HIỂN 26.05.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.