Tuy nhiên theo chính người lái taxi kể lại, khi đó còn có rất nhiều người đi đường chạy xe qua, và dù anh cố kêu cứu, họ vẫn không giúp, thậm chí có người còn lấy điện thoại ra ghi hình.
Đây là một trường hợp khá điển hình của xã hội Việt Nam ngày nay. Nó cho thấy phần lớn người Việt, bất kể viên chức hay dân thường, đã đạt đến mức vô cảm cùng tột: thấy người hoạn nạn lớn, có thể dẫn đến cái chết nhưng không cứu.
Chúng ta đều biết vô cảm là trạng thái trơ lì, không xót thương, lạnh lùng trước nỗi đau của người khác. Ngày nay nó trở thành một tâm bệnh phổ biến do nhiều nguyên nhân. Trong đó trách nhiệm lớn nhất là của thể chế, do để sự giả dối tràn lan từ xã hội đến nhà trường, gây ra sự khủng hoảng niềm tin về lý tưởng chân thiện và dẫn đến phần đông chọn lối sống ích kỷ.
Hai tôn giáo lớn nhất Việt Nam là Phật giáo và Thiên Chúa giáo đều có những lời răn, dụ ngôn về điều này.
Với Phật giáo, phụng sự tha nhân là một hạnh tu xuyên suốt kể từ khi Đức Phật thành đạo cho đến ngày nay. Tứ vô lượng trong đạo Phật là từ bi hỉ xả đều dạy con người quan tâm đến nỗi đau đồng loại. Để đạt đến cứu cánh thì người Phật tử phải bắt đầu bằng việc giữ con tim rung cảm trước nỗi khổ đau và bất hạnh của tha nhân, mà những chuyện đời thường của Đức Phật với chúng sinh là những bài học sáng ngời về hạnh xả thân phụng sự.
Trong Thiên Chúa giáo, dụ ngôn Tin Mừng về người Samari nhân hậu có bối cảnh khá giống chuyện anh tài xế bị cướp do Chúa Giêsu kể.
Theo đó có một người bộ hành gặp cướp giữa đường, bị chúng đánh đập đến chảy máu nằm lăn lộn trên đất. Khi đó có một vị tư tế và một thầy Lêvi đi ngang qua nhưng dù nhìn thấy họ vẫn không dừng lại cứu giúp. Chỉ có một người Samari (giống dân bị người Do Thái thời đó khinh bỉ) là xót thương nạn nhân như anh em và đã cứu giúp bằng tất cả điều kiện của mình.
Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn vượt qua những định kiến rằng không phải chúng ta, với những định danh của xã hội hay tôn giáo làm tiêu chuẩn, mà chính lương tâm của chúng ta sai khiến biết xả thân giúp người trong hoạn nạn mới là kẻ thân cận với Ngài bởi nó chứng tỏ rằng đó gương mặt thật sự của tình yêu.
Không chỉ lời răn tôn giáo, cha ông ta cũng răn dạy con mình "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng". Vậy tại sao hôm đó không có ai giúp người lái taxi? Tôi đành an ủi mình rằng họ là những người vô tôn giáo và vô ơn với cả tổ tông mình, bởi dù cho rằng họ sợ dao nhọn máu me, thì họ cũng có thể đứng xa xa mà kêu cứu!
Rollo Reece May, một nhà tâm lý học hiện sinh người Mỹ, tác giả của cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến người đọc Tình Yêu và Ý Chí có viết: “Hận thù không phải là thứ đối lập với tình yêu mà đó chính là sự vô cảm”.
NGUYỄNĐÌNH BỔN 19.05.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.