samedi 8 mai 2021

Hoa Nguyễn - Bàn về khía cạnh giáo dục và thấy gì qua việc du học sinh giật cờ vàng VNCH ở Sydney


Làm Đại diện giáo dục và đại diện di trú cho Úc 13 năm, đây không phải lần đầu tiên tôi chứng kiến du học sinh từ Việt Nam sang xúc phạm cờ vàng và những giá trị thuộc về Việt Nam Cộng Hòa.

Trong phạm vi hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân, tôi xin chia sẻ dưới đây để giúp mọi người có cái nhìn khách quan với sự việc, và cùng nhau tìm cách giúp thế hệ trẻ từ Việt Nam sang có được sự giáo dục tử tế hơn. Đồng thời cùng nhau tìm giải pháp chấm dứt những chuyện như thế này.

1. Bị tẩy não bởi hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa, sốc văn hóa với phương Tây và những đụng độ cá nhân có thể xảy ra trước đây với cộng đồng người Việt :

Cháu Thịnh giật cờ này kém con gái tôi một tuổi, chắc mới sang Úc nên thấy vẫn đang học ở lớp tiếng Anh. Úc là quốc gia ôn hòa, tôn trọng nhân quyền và ghét bạo lực. Có những lỗi ở trong trường học sẽ bị phạt nặng.

Ở Úc người ta tránh công kích cá nhân, trẻ con được dạy từ bé “nếu không nói được điều gì tử tế thì im lặng chứ không được dùng lời nói làm tổn thương người khác. Trong mọi trường hợp phải biết kiềm chế, không được phép dùng vũ lực. Dùng vũ lực để đạt được điều mình muốn là hành vi thấp kém nhất.”

Các cháu ở Việt Nam mới sang rất hay mắc các lỗi mà Úc kiêng kỵ này. Đơn cử như nhận xét về một bạn tây học cùng lớp là “béo” và cho là bình thường, (vì ở Việt Nam là bình thường). Nhưng ở Úc, đây là lỗi công kích cá nhân - body shaming, (như bây giờ showbiz Việt cũng bắt đầu sử dụng khái niệm này.)

Môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông của Úc dạy rất khác chương trình Việt Nam vì, họ nói sự thật. Bảo tàng di dân Úc đã có những thước film tư liệu về chiến tranh Việt Nam và di dân đến Úc, người Việt mà xem thì sẽ khóc rất nhiều. Du học sinh, sinh viên không mất tiền vào. Nên vào xem để hiểu được lịch sử nước mình qua con mắt khách quan của quốc tế.

Một số du học sinh nhất là các em học phổ thông trong độ tuổi teen, khi đi du học đã bị sốc ngay lần đầu tiếp nhận sự thật. Cách họ phản ứng lại rất khác nhau - nhưng nhiều cháu quay ra hận thù, có những suy nghĩ y như các cháu ở trường Marrickville học sinh mà tham gia giật cờ vàng này là “ trường đứng về bên ba sọc”.

Một khía cạnh mọi người tránh nói đến là việc du học sinh cũng chịu sự bạc đãi từ chủ gốc Việt khi đi làm thuê. Cháu này thấy đăng tin xin đi làm lên hội sinh viên Việt Nam ở New South Wales (NSW) cách đây 1 năm. Có một cựu du học sinh Úc thế hệ đầu tiên, hiện là một triệu phú đô la ở Melbourne, đã từng đi làm thuê cho cộng đồng Việt và được trả được lương 2 đô/giờ kèm “thưởng” là những lời mắng chửi “đồ Bắc Việt khát máu” hàng ngày. Cuối cùng sức chịu đựng có hạn, anh này đã nghỉ việc.

Anh ấy sau này đã thông cảm cho chủ. Anh ấy đã vượt qua trải nghiệm cá nhân buồn đó để không hành xử ăn thua với những người chủ gốc Việt. Nhưng không phải ai cũng hiểu và vượt qua được như vậy. Các cháu càng nhỏ thì lại càng khó vượt qua, cuối cùng chỉ “oán đổi dài dài”.

2. Vai trò của gia đình trong giáo dục con em

Cha mẹ nào mà không yêu thương con, nhưng không phải cha mẹ nào cũng có khả năng giáo dục con mình.

Mỗi khi cha mẹ của một du học sinh hỏi tôi kinh nghiệm để chuẩn bị cho con họ lên đường đến Úc, tôi rất vui. Có những cha mẹ rất cẩn thận. Họ dặn dò con họ kỹ lưỡng trước khi đi du học, rằng không được hỗn hào, gây gổ với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, những người đã bị cộng sản truy bức phải bỏ tổ quốc ra đi, chịu bao tang thương bất công.

Có những người họ dặn con họ, yêu tổ quốc không phải là yêu cộng sản. Hãy đứng ngoài mọi vấn đề tranh cãi, chỉ tập trung vào việc học. Chứng kiến chuyện đấy tôi rất cảm động. Nhưng cũng có những cha mẹ chỉ lo làm ăn đánh quả, tin rằng “có tiền là có tất cả”. Con cái họ là phản ánh lại cách hành xử của họ. Thường con cái họ cũng không thành đạt ở Úc. Kể cả gia đình thu xếp tìm cách cho ở lại thì cũng tự mình cô lập khỏi vòng xã hội ở Úc, không thực sự có bạn bè bản địa hay tham gia được vào mạng lưới xã hội ở đây.

3. Vai trò của bạn bè

Những cháu được dạy dỗ tử tế và cha mẹ khuyến khích tự lập, tự tìm hiểu thế giới thì không gặp vấn đề gì trong kết bạn ở Úc. Thường các cháu thâm nhập và quen với cuộc sống bên này rất nhanh. Còn những cháu không có vốn xã hội, không tự lập và được nuông chiều ở Việt Nam thì thường cô độc và không có bạn bè tốt.

Bạn bè rủ rê kích động nhau ở tuổi teen, cộng thêm không có sự bảo ban, quản lý từ cha mẹ, cộng thêm sự tự do ở Úc khiến dễ “yên hùng”. Có những hội nhóm con nhà giàu, thuê chung nhà ở chung, đánh điện tử từ sáng đến đêm, không đi học, thỉnh thoảng ra đường đi chợ Việt ăn quán Việt cả đám với nhau đờ đẫn như “người rừng”. Cha mẹ ở Việt Nam, tất nhiên, không hay biết gì hết.

4. Tác động của những nhóm dư luận viên cộng sản vươn tầm xa bơm thêm thù hận

Tôi có đọc tuyên bố của nhóm DLV47 kêu gọi đại sứ quán Việt Nam can thiệp cho cháu này; tôi cười suýt sặc. Cháu này không phải nhân viên ngoại giao hay đại diện cho chính phủ Việt Nam. Hành động của cháu này vi phạm luật và các giá trị Úc (khi xin visa, các cháu đã phải cam kết tôn trọng các giá trị Úc nhưng chả mấy công ty du học của Việt Nam giải thích cho các cháu biết là cái gì). Đại sứ quán Việt Nam hiểu rõ lập trường quan điểm của Úc trong việc ứng xử với lịch sử và cộng đồng.

Chính phủ Úc thậm chí đã duyệt chi kinh phí nhiều triệu đô la để xây bảo tàng người Việt ở Úc. Trong chính trường Úc, nhiều chính trị gia là từ nền tảng Việt Nam Cộng Hòa. Người Việt khi xưa đi tị nạn sang Úc chỉ có bộ quần áo vắt trên người, nhưng họ có nghị lực mạnh hơn cái chết, có xuất phát điểm ở tự do bát ngát nên khi có cơ hội ở một xã hội có sự dịch chuyển xã hội (social mobility), có sự thăng tiến xứng đáng với năng lực, họ trở nên thành đạt. Ở Việt Nam chỉ có con các quan chức cộng sản là đường quan lộ thênh thang, con em nông dân công nhân (những giai cấp mà họ đã lợi dụng) còn lâu mới được đổi đời !

Nguy hiểm là những ngôn từ và mồi câu của bọn dư luận viên này lại trúng mong ước của các cháu “được nổi tiếng, được quan trọng, được công nhận“ nhân danh “yêu nước”. Chúng lừa đảo bọn trẻ con đáng thương, đến khi bị trục xuất về Việt Nam, sống ở Việt Nam một, hai năm mới nhận ra - lúc đó cay đắng tràn trề, dễ sa vào tệ nạn xã hội.

(Về vụ hù dọa lại những người đại diện cộng đồng Việt ở đây, mấy nick mà anh Tuan Le post chửi tục tĩu bậy bạ đó - chắc chắn là dư luận viên và hội bạn bè hư hỏng. Viet gangster ở Úc chả hơi đâu mà đi tham gia “bảo vệ bọn cộng sản con gây sự”. Giang hồ càng phải thấu tình đạt lý, bởi đụng đến gươm đao là nguy hiểm cho cả đôi bên nên phải cân nhắc. Thằng nhóc này đâu có cỡ gì đâu. Người thân làm chủ một quán bar chả nói lên điều gì cả. Một giang hồ Việt ở Úc khi được nhờ đi đòi giúp món nợ đã từng rút tiền đưa cho người nhờ nói “nếu chỉ là 50,000 thì hãy cầm lấy - đụng đến mạng người ở đây không dễ thế”. Giang hồ ở đây có não.)

5. Chiến lược xa hơn của cộng sản đối với các cộng đồng người Việt ở hải ngoại

Hai năm nay Hội Sinh Viên Việt Nam ở Úc đã vất vả chống chọi với sự phá hoại của dư luận viên từ Việt Nam. Lôi kéo theo không được thì phải tìm mọi cách phá. Đầu tiên là làm member, sau đó post và comment các ý kiến ủng hộ cộng sản Việt Nam. Hội Sinh Viên tất nhiên là không phải chỗ để tuyên truyền chính trị nên họ siết chặt lại thủ tục đăng ký, phải chứng minh được là du học sinh ở Úc mới được đăng ký - thế là lòi cái đuôi dư luận viên ra. Họ cho bot xóa tự động các comment gây chia rẽ, tuyên truyền cho cộng sản vào trang hội của họ.

Thấy một hội sinh viên hơn 63 ngàn thành viên không ủng hộ mình thì quay ra lập các hội giả hội sinh viên, ăn cắp thông tin, logo, hình ảnh từ bên hội này đắp sang hội kia lừa các cháu khác mới sang. Ngoài ra, cộng sản phân công chi bộ cộng sản ở Úc chọn các cháu du học sinh có tiềm năng để làm cảm tình viên, hứa hẹn tương lai tốt đẹp ở Việt Nam. Hỗ trợ các cháu này tiến lên chiếm các vị trí quan trọng trong hội sinh viên, nếu không được thì ứng cử trở thành chủ tịch hội sinh viên một trường (ví dụ trường Đại học Latrobe).Thỉnh thoảng kéo nhau lên đại sứ quán chụp ảnh.

Cộng đồng người Việt ở Úc tính cả du học sinh là hơn 1 triệu, tương đương cộng đồng người Việt ở Pháp. Ở Mỹ là đông nhất, nhưng hiện tại hoạt động yêu nước diễn ra ở Úc và Châu Âu mạnh mẽ hơn, do cộng đồng người Việt ở Mỹ bị chia rẽ vì nhiều thứ. Một cộng đồng người Việt khác đang lớn mạnh với nửa triệu người ở Đài Loan, đất nước tự do dân chủ bậc nhất châu Á !

Cộng đồng người Việt ở hải ngoại tính tổng cộng đã trên 6 triệu người và còn tăng nữa, do tình hình kinh tế chính trị xã hội Việt Nam ngày càng kém nên nhiều người vẫn tiếp tục ra đi. Nhận thấy sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đảng cộng sản Việt Nam đã thực thi chính sách “cảm tình viên” để phá hoại từ bên trong.

Cục C2 Tình Báo Quốc Phòng Việt Nam đã lập cơ sở ở Melbourne. Đặc tình của họ chưa hoạt động đã lộ. Nhưng việc họ ngang nhiên tuyên truyền “yêu nước là yêu Đảng” ở Melbourne cho thấy sự bành trướng công khai của họ mà cộng đồng chúng ta nên xem xét nghiêm túc. Chúng ta đã phải rời bỏ Tổ Quốc ra đi tìm tự do mà họ còn theo tới tận bên này, chúng ta không thể để yên được.

6. Cơ hội giáo dục và gửi thông điệp đáp trả của cộng đồng người Việt

Việc cháu bé giật cờ vàng đặt cộng đồng người Việt tự do ở Úc Châu vào một thế vô cùng nhạy cảm. Tuy nhiên chỉ là bài test đầu tiên cho chúng ta trước khi bị tấn công ồ ạt. Chúng ta cần biến nó thành “tương kế tựu kế”. Cộng đồng ta cư xử văn minh, công bằng, phi bạo lực và chính danh. Việc yêu cầu cháu này phải xin lỗi công khai trên truyền thông là cần thiết. Nếu không làm, thì ta tiến hành lấy chữ ký gửi bộ di trú để hủy visa trả về nước theo luật định. Cộng đồng người Việt tự do ở Úc Châu cũng nên ra thông cáo về việc này để cảnh báo với các cháu về hậu quả và; ngăn chặn hiệu quả việc tiêm nhiễm của dư luận viên cộng sản làm hại tương lai các cháu ở Úc.

7. Kết luận

Tất cả chúng ta đều cần thời gian để có thể học và thay đổi.

Khi bị xúc phạm và tổn thương bởi ai đó, điều đầu tiên cần cân nhắc là mục đích hành động của kẻ thủ phạm. Chính là để chúng ta mất kiềm chế, nổi điên, dẫn đến nhiều hành động sai lầm sau đó. Cộng sản là cao thủ về ma giáo và bậc thầy về điều khiển tâm lý các đối tượng chịu sai khiến. Nhiều người bị họ điều khiển mà không hề biết cho đến tận khi chết. Họ luôn nhân danh “ yêu nước” để làm những điều phản quốc ngay trên đất nước mà gần 100 triệu dân vẫn có rất nhiều người ủng hộ họ.

Dùng một đứa trẻ để mà châm ngòi vào ngày 30 tháng 4 năm nay, khi trong nước không khí trầm lắng và nhiều quan chức bắt đầu bỏ cụm từ “ giải phóng miền Nam” thành “ ngày Thống Nhất” —> cho thấy sự quyết dùng hạ sách kích động, nói lên nhiều điều về thể chế của họ lúc này.

Cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại hãy đoàn kết và sáng suốt trước cộng sản.

HOANGUYỄN 05.05.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.