samedi 8 mai 2021

Lưu Trọng Văn - Triết lý « dân tộc, nhân bản, khai phóng » của VNCH và cách mạng giáo dục Việt Nam


Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thừa nhận sự thực quan trọng nhất của ngành giáo dục hiện nay đó là: ‘’chưa hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn không né tránh ngành giáo dục hiện nay "phải đổi mới căn bản, toàn diện". Thực chất của "đổi mới căn bản toàn diện" không thể bằng các cuộc Cải cách giáo dục như tít mù vòng quanh bấy lâu nay nữa mà phải bằng cuộc Cách mạng giáo dục triệt để.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tỏ ra đồng tình với cách nhìn mang tính thực chất này, nên ông nhấn mạnh 5 điểm mấu chốt làm trụ cho cuộc Cách mạng giáo dục cần có.

1. “Học thật, thi thật, nhân tài thật".

2. “Nguyên nhân vướng mắc của ngành giáo dục do chủ quan là chủ yếu”.

3. Làm việc thực chất chống hình thức phô trương.

4. Những vấn đề đã "chín", thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, được đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

5. Chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện.


Mới đây Đại học Xã hội & Nhân văn TP.HCM đã tổ chức Hội thảo về nền Giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Đây là hội thảo khoa học, khách quan, nhìn nhận đầy đủ về Triết lý giáo dục của chế độ VNCH. Gã gặp giáo sư Trần Ngọc Vương người điều khiển hội thảo này. Giáo sư Trần Ngọc Vương khẳng định rõ triết lý giáo dục của VNCH từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm đó là:

Dân tộc - Nhân bản - Khai phóng.

Hội thảo của các chuyên gia giáo dục đã nhấn mạng tính Khai phóng - Khai sáng - Khai mở, nhằm đích cuối cùng là Giải phóng cá nhân và tư duy cho học trò.

Thực chất của triết lý giáo dục Dân tộc - Nhân bản- Khai phóng chính là đào tạo Con người nên Người hữu ích, trước hết cho chính mình và Quốc gia, Dân tộc.

Phải chăng, đó cũng chính là điều mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Học thật, thi thật, nhân tài thật có năng lực toàn diện.

Triết lý này đối nghịch với triết lý bấy lâu nay của nền giáo dục Việt Nam : Đào tạo Con người trở thành công cụ phục vụ cho thể chế chính trị.

Nói ngắn gọn, nếu mọi đổi mới cơ bản, toàn diện ngành giáo dục mà còn quẩn quanh vòng kim cô công cụ của thể chế chính trị, thì chữ thật của Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn không thể tạo nên Nhân tài thật. Và không thể tạo nên Con người thật là... Con người với đầy đủ niềm kiêu hãnh, tự hào của nó.

LƯUTRỌNG VĂN 08.05.2021 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.