mardi 13 octobre 2020

Điều tra của Le Monde về vụ 39 người Việt chết trong xe tải ở Anh (2)

 


Cuộc điều tra đã dẫn đến việc khai mạc phiên tòa đầu tiên ngày thứ Hai 05/10 tại Luân Đôn, xét xử bốn người được cho là có liên can trong vụ này. Đây là dịp để hiểu thêm vì sao từ 20 năm qua, một đường dây đưa người vượt biên đã phát triển giữa Việt Nam và Anh, hai nước chẳng có mấy quan hệ lịch sử.

Những ứng viên muốn ra đi phải nộp số tiền có khi lên đến 40.000 euro mỗi người. Một khi đã đến nơi, việc khai thác sức lao động thường tiếp diễn trong những trại trồng cần sa, hay tiệm nail.

Trong các cuộc thẩm vấn sơ khởi vào cuối năm 2019 tại tòa án hình sự trung ương Luân Đôn, Maurice Robinson đang bị giam trong nhà tù được canh giữ cẩn mật, xuất hiện qua video, khuôn mặt thản nhiên không có chút xúc cảm. Người tài xế nhận tội ngộ sát, trợ giúp buôn người, trợ giúp nhập cư bất hợp pháp và rửa tiền. 

Theo luật tố tụng Anh quốc, anh ta từ chối một phiên tòa bình thường để được hưởng bản án khoan hồng hơn, và như vậy không nằm trong số bị cáo hiện đang bị xét xử ở Luân Đôn. Trên thực tế, mọi sự đều cho thấy anh ta chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong thảm kịch mà nhiều người phải chịu trách nhiệm.

« Điều tra mở rộng tại nhiều nước »

« Cuộc điều tra sẽ rất rộng và bao gồm nhiều quốc gia » - công tố viên Jonathan Polnay đã cảnh báo. Gần một năm sau, khi 1.300 người trên thế giới làm việc về hồ sơ này, đã có thêm ba đồng phạm khác nhận tội, và như vậy họ cũng khỏi phải ra tòa.

Trong số đó có Ronan Hughes, 40 tuổi, bị nghi là đã tổ chức các cuộc vận chuyển của nhiều xe tải. Vai trò cụ thể của bốn người ra tòa ngày 05/10 – người tài xế ở Bierne là Eamonn Harrison và một người lái xe tải nặng Bắc Ireland 23 tuổi là Christopher Kennedy, hai đồng phạm Valentin Calota, Gheorghe Nica – sẽ được biết rõ hơn trong phiên tòa kéo dài sáu tuần lễ.

Không chỉ có tòa án Anh đưa ra xét xử. Tại Việt Nam, bảy người bị kết án ở Hà Tĩnh hôm 14/09, cao nhất là 7 năm tù vì « tổ chức và môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài ». Nguyễn Quốc Thành, một trong các bị cáo chủ chốt, bị kết tội đã đưa trái phép sang châu Âu 71 người.

Nhiều vụ câu lưu cũng đã được tiến hành tại Pháp và Bỉ trước mùa hè. Hai nước này là chặng cuối của các nạn nhân, sau cuộc hành trình dài. Một số quá cảnh Trung Quốc - nơi chị của đầu nậu Nguyễn Quốc Thành cư ngụ, hiện đang bị Việt Nam truy nã. Cũng chính vì tìm thấy các hộ chiếu Trung Quốc giả trong chiếc xe đông lạnh mà ban đầu chính quyền Anh chưa dứt khoát về quốc tịch của các nạn nhân.

Các đường dây được tổ chức rất chặt chẽ

Di chuyển bằng máy bay, xe hơi hoặc xe ca, đi bộ qua biên giới vào ban đêm…hành trình của các đường dây này rất đa dạng. Thường thì đó là những con đường nhập cư hợp pháp của người lao động, được mở ra trong thập niên 80 giữa khu vực bắc Trung bộ của Việt Nam và các nước thuộc Liên Xô cũ. Các cộng đồng người Việt ngày nay định cư ở các thành phố như Berlin, Vacxava, Praha, Matxcơva hay Kiev.

« Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, tất cả những người lao động xuất khẩu bỗng trở thành bất hợp pháp » - theo Mimi Vu, chuyên gia độc lập về nạn buôn người Việt. Các tổ chức tội phạm hình thành để đưa người vượt biên, cung cấp cho họ giấy tờ giả hoặc lợi dụng các điều kiện cấp visa dễ dàng giữa Việt Nam và Nga hay các nước Đông Âu.

Trong suốt cuộc hành trình, di dân đôi khi phải lưu lại nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tại các thành phố họ đi qua để làm việc kiếm tiền chi cho các giai đoạn tiếp theo. Gần đây còn có những tuyến đường mới chông gai hơn được mở ra, đi qua các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ, những nhóm « du khách » Việt lợi dụng việc quá cảnh ở các phi trường Madrid hay Paris để lọt vào không gian Schengen.

Trong năm 2018, có tới 50% số người đến sân bay Paris-Roissy và khai là vị thành niên đi một mình là người Việt. Cho dù có ít quan hệ giữa các di dân này và cộng đồng Việt Nam sống ở Pháp từ nhiều thập niên qua, nước Pháp vẫn là điểm quá cảnh và bố trí của các mạng lưới được tổ chức rất chặt chẽ.

Đó là nhận xét của hai mươi điều tra viên thuộc Cơ quan chống nhập cư bất hợp pháp và lao động nước ngoài không giấy tờ (OCRIEST) được huy động tham gia vụ án mà họ coi là hết sức đặc biệt. « Đó là những đường dây có cấu trúc rất chặt và phản ứng rất nhanh ».

Tuy những người cầm đầu ở Việt Nam, nhưng có những đối tượng tại chỗ lo chỗ ở và chuyên chở người vượt biên, có khi bố trí họ làm việc nếu cần. Các nhà điều tra cũng nhận diện được một mạng lưới quan trọng các nhà hàng châu Á ở miền nam, giữa Lyon và biên giới Tây Ban Nha, nơi có những người trong nhóm 39 nạn nhân từng làm việc từ vài tháng cho đến vài năm để kiếm đủ tiền đi tiếp, vượt qua biển Manche.

Những chỗ trú ẩn ở Paris và vùng phụ cận

Theo những chi tiết trong cuộc điều tra hình sự phía Pháp mà Le Monde tham khảo được, thì tại Créteil, trong một khu nhà nằm trên đại lộ Tướng Pierre-Billotte, không xa đồn cảnh sát và cơ quan hành chính quận, mà 20 trong số 39 nạn nhân trong chiếc xe tử thần đã sống những ngày cuối cùng trước khi lên đường sang Anh.

Ngoài mặt thì căn hộ là của một người Việt. Trên thực tế, địa điểm này do hai người là « Tony » (36 tuổi) và « Hoàng » (28 tuổi) quản lý. Bản thân cả hai cũng không giấy tờ và quê ở Nghệ An, được cảnh sát cho là người tổ chức ở Pháp. Hai người này cư ngụ tại chỗ và sắp xếp chỗ ở tạm cho các di dân trong số các địa điểm trú ẩn khác ở Paris và vùng phụ cận.

Một nhà điều tra cho biết : « Đó là các khách hàng cũ được giao nhiệm vụ và được thăng cấp trong mạng lưới ». Là những nhà hậu cần thực thụ, họ có thể điều động các phương tiện ở miền bắc nước Pháp và liên lạc với mạng lưới bên Anh để tổ chức chuyến đi qua bên kia biển Manche. Một doanh nghiệp hoạt động đều đặn.

Lợi ích của hai người này trong làm ăn lâu dài cũng tương đương với sự thờ ơ trước những nguy hiểm đối với khách của họ. Việc quản lý « hàng tồn » - từ được những kẻ môi giới dùng – bảo đảm cho họ túi tiền rủng rỉnh. Chặng đường đi từ Pháp sang Anh là đắt đỏ nhất, vào khoảng 15.000 euro. Phân nửa số tiền này được trả cho tài xế, số còn lại cho người chủ nhà, taxi và những người lo hậu cần khác. Và ai không trả nợ thì hãy coi chừng…Ở Việt Nam, một số gia đình các nạn nhân hôm 23/10 đã được các thành viên đường dây viếng thăm, đòi trả số nợ còn lại.

Tony và Hoàng liên lạc bằng các ứng dụng được bảo mật như Viber, Messenger hoặc Zalo. Các tài khoản Facebook mà họ sử dụng dưới danh tính đi mượn, giúp họ quảng bá « dịch vụ » của mình. « Nhanh chóng, không phải chờ đợi, giá tốt. Liên lạc với tôi, bảo đảm rẻ và an toàn » - Đồng Đội tức Tony khoe như vậy trên ảnh đại diện. 

(Còn tiếp)

Mời đọc lại

Điều tra của Le Monde về vụ 39 người Việt chết trong xe tải ở Anh (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.