dimanche 3 mars 2024

Hoàng Quốc Dũng - Đào, Phở và Piano

 

Trong hai ngày liên tiếp, tôi đi xem hai bộ phim và cũng là tình cờ cả hai phim đều là phim về chiến tranh.

Tôi không phải là người say mê cinéma nên chỉ đi xem phim rất ngẫu hứng khi có thời gian. Có mặt ở Hà Nội trong dịp Tết, tôi có nghe nói loáng thoáng về một bộ phim được coi là rất hay, rất hot đang được trình chiếu tại Hà Nội. Trong đó có cả cảnh nóng tình yêu lãng mạn, có cả phở và cũng có cả âm nhạc. Ôi thích quá.

Được một người bạn thân có nhã ý rủ đi xem, tôi đã chấp nhận ngay. Đất nước mình bây giờ đổi mới rồi, chắc tư duy làm phim cũng khác hoàn toàn. Không như cái hồi tôi còn nhỏ và thời thanh xuân của tôi, toàn chỉ được xem phim tuyên truyền, chán đến mức tôi không bao giờ đi xem phim nữa. Bây giờ mà còn làm phim tuyên truyền thì chó nó xem. Hoàn toàn với tinh thần như vậy, tôi hồ hởi đi nhanh đến rạp.

Đây là một bộ phim dài 1 giờ 45 phút, về một câu chuyện hoàn toàn hư cấu, nhưng thực sự chỉ có 5 phút đáng xem ban đầu. Bỏ qua tất cả các lỗi liên quan đến tất cả mọi chuyện mà tôi không muốn nói đến ở đây cho mất thì giờ, toàn bộ nội dung của phim chỉ nhằm mỗi một mục đích để tuyên truyền, và còn tuyên truyền sống sượng hơn cả thời xưa của tôi.

Để đạt được mục đich tuyên truyền, từng chuyện nhỏ trong bộ phim đều được hư cấu một cách phi logic. Không ai đòi hỏi phim ảnh phải như cuộc sống thật. Tuy nhiên, khi chúng ta học về nghệ thuật thì bài học đầu tiên chúng ta học là Nghệ thuật xuất phát từ cuộc sống. Từ đó nghệ thuật phải phản ánh cuộc sống nó phải gần với cuộc sống. Ngược lại ở đây, trong bộ phim này, tất cả đều là sự phi lý đến phát rồ. Tất cả những chuyện đó đều không thể và hoàn toàn không có thể xẩy ra.

Câu chuyện kể về một anh lính đang chiến đấu ở một góc phố Hà Nội với bọn Tây. Tại đây có những người kháng chiến lập chiến lũy để đánh nhau với quân Pháp. Quân ta hết đạn, anh lính tự động rời chiến lũy để đi tìm súng đạn cho bên ta. Dọc đường đi tìm, anh ta phải vượt biết muôn vàn khó khăn để tránh sự truy lùng của quân Pháp, nhiều lúc còn phải đi cả trên mái nhà, chui xuống cống, đục tường mà đi. Nên nhớ là lúc đó Tây bao vây tứ bề và làm chủ Hà Nội. Hơn thế nữa anh ta phải nhờ một em bé đánh giầy thạo đường dắt đi.

Cuối cùng thì anh ta cũng tìm thấy được chỗ quân ta đã từng sản xuất vũ khí ở đó. Nhưng quân ta đã bỏ đi hết rồi, ở đó chẳng còn gì, anh ta lấy được một quả lựu đạn và một cành đào. Anh ta muốn quay trở lại chiến lũy với cành đào đó. Trên đường về, anh được một tay chơi nhà giầu Hà Nội chở trên một cái ô tô cổ.

Xe đi qua “bốt” Tây, bị Tây chặn lại. Tây mất dậy, sàm sỡ cô gái trên xe. Anh tức quá tung một chưởng, Tây ngã vật. Sau đó cái xe ô tô cổ ấy chạy như bay trên đường phố Hà Nội. Xe nhà binh kia đuổi theo vãi đạn như mưa, nhiều lúc hai xe chỉ cách nhau vài centimet. Vậy mà chẳng ai chết và họ đã chạy thoát ngay trong thành phố Hà Nội, lúc đó chỉ bé tí.

Đúng là một màn rượt đuổi hơn cả phim của Hollywood ở Los Angeles.

Trong khi anh ta đang đi tìm súng đạn, thì người yêu anh từ đâu đó trở về nhà của cô ta ở ngay đúng nơi chiến lũy đổ nát đó. Cô biết chơi piano và bộ đội lúc đó đang không có gì ăn, đang không có đạn, thiếu thốn đủ đường, cái chết cận kề, thì họ lại được lệnh chở cây đàn piano cho cô ta về nơi cô ấy muốn (Việt Nam mới là đỉnh, biết yêu và tôn trọng âm nhạc). Họ đang ròng dây hạ piano từ tầng 3 qua cửa sổ xuống phố, đúng chỗ chiến lũy, thì bọn Tây (khốn nạn, vô học, vô văn hóa, không yêu âm nhạc, không biết gì về nhạc) đã nã đạn làm nát cái piano.

Họ đang bị bao vây và hoàn toàn không có phương tiện gì. Vậy, chắc khi hạ được piano xuống đất thì họ sẽ gọi trực thăng để chở piano đi ??? Khó thế mà cũng làm được. Tương tự như vậy, nếu anh kia có tìm được súng đạn thì chắc anh ta cũng sẽ gọi trực thăng chở về chiến lũy ???

Piano vỡ rồi, cô gái tức quá ở lại chiến lũy chiến đấu cùng bộ đội, trong khi người tình vẫn đang tìm cách trở lại chiến lũy với cành đào.

Bất thình lình, bộ đội tại chiến lũy được lênh ngừng chiến đấu, rút lui sang bên kia sông Hồng để đi kháng chiến lâu dài. Ra đến bờ sông, tay chỉ huy nói một câu xúc phạm người lính tự ý đi tìm súng đạn. Cô người yêu, tức quá không đi theo đơn vị qua sông mà quay trở lại chiến lũy.

Tại đây, chiến lũy bỏ hoang, không một bóng người, hai người đã gặp lại được nhau, rồi đi thuyết phục được một ông cha đến để làm lễ cưới cho họ. Ông cha đến chiến hào cắt tay lấy máu để cho một  ông họa sĩ vẽ cờ đỏ sao vàng. Ông cha đại diện  cho nhà thờ, ông họa sĩ đại diện cho chính quyền làm lễ cưới cho hai người. Lễ cưới chỉ có bốn người, kể cả dâu rể. Hai người cưới nhau xong thì ân ái với nhau để sáng ngày hôm sau quyết đánh nhau với Tây.

Cả một đơn vị mấy chục người đánh nhau với tây không nổi, phải rút lui. Hai người này quyết tâm chiến thắng quân thù bằng một quả bom ba càng. Trước khi đánh nhau, anh chàng này quấn một băng đỏ lên đầu, một hành động giống hệt quân Taliban trên mấy chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở bên Mỹ. Hành động của đôi vợ chồng này hoàn toàn phi lý, không thể có trong thực tế, nó thể hiện tinh thần duy ý chí của nhân vật. Người làm phim chỉ chú ý đến khía cạnh tuyên truyền mà không nhận thấy hành động tự chết một cách vô ích, trái cả lệnh của cấp trên chỉ là một hành động ngu xuẩn vô tác dụng.

Kết quả của bộ phim là gần như toàn bộ các nhân vật chính trong phim đều bị bọn Tây giết hại, hãm hiếp một cách dã man. Riêng cô người yêu thì chết bằng cách ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch.

Hai bên đang giao tranh ở góc phố đó mà tự nhiên ông hàng phở rong lại mang phở đến đó để bán. Cũng là chuyện vô lý đến thế mà cũng dựng lên được. Kết quả ông hàng phở cũng cầm dao chém Tây rồi chết thảm thương. Ông họa sĩ thì bị thằng Tây chỉ huy cầm lê đâm thẳng vào bụng, máu me tóe loe.(Tây biết gì về nghệ thuật, giết cả họa sĩ).

Những bộ phim lớn và hay trên thế giới bây giờ người ta rất tránh những cảnh bạo lực máu me. Ngay cả những phim võ thuật Jacky Chan, đánh nhau loạn xạ nhưng cũng không có máu. Tôi cứ tưởng ta văn minh hơn Tây rồi, sẽ không có máu. Ai ngờ máu vẫn đổ ướt đẫm màn hình. Kinh.

Chiến tranh Pháp-Việt đã qua lâu lắm rồi. Quan hệ ngoại giao Pháp-Việt cũng rất tốt. Pháp đã giúp Việt Nam rất nhiều trên mọi lĩnh vực. Nhưng vì mục đích tuyên truyền, nhà nước không ngần ngại đặt làm bộ phim này với kinh phí khủng để thực sự đốt lên ngọn lửa của lòng căm thù ngút trời. Để làm gì ? Lòng căm thù, nhất là vì những chuyện đã quá cũ, không bao giờ là một giải pháp cho một quan hệ bền vững giữa hai dân tộc, và càng không là một phương pháp giáo dục cho thế hệ trẻ.

Cứ cho là nước Pháp đã xâm lược nước ta đi, đã làm những chuyện nhảm nhí đi. Với từng ấy thời gian đã trôi qua, với tất cả những gì nước Pháp đã làm cho chúng ta, chúng ta bây giờ lại muốn giáo dục thế hệ trẻ căm thù người Pháp ? Ngay cả với người Mỹ, trực tiếp gây ra cuộc chiến làm chết hàng triệu người Việt Nam, chúng ta cũng đã bình thường hóa quan hệ và vừa ký kết nâng quan hệ lên mức hợp tác chiến lược toàn diện.

Rất nhiều người đã khóc trong rạp. Điều đó đúng, đúng lắm và tôi cũng thông cảm cho những người khóc. Họ thấy cảnh chết chóc, cảnh giết người thì đương nhiên họ khóc. Không phải ai cũng từng trải như tôi, biết nhiều như tôi để mà không khóc.

Tôi cũng khóc khi ra khỏi rạp. Tôi khóc là vì thấy trước tiên tôi đã bị lừa, bị lừa rất nhiều lần, bị lừa cả cuộc đời, lần này lại đi xem phim lại bị lừa nữa. Tôi muốn nôn ọe khi bị xem, bị thấy những cảnh tuyên truyền. Thế mà lần này tôi lại tự dẫn mình đi xem!

Tôi khóc cho tôi rất ít mà tôi khóc cho đồng bào tôi rất nhiều vì họ vẫn tiếp tục bị lừa mà không biết. Đáng ra họ phải khóc cho thân phận của họ.

Hãy suy nghĩ sâu xa thêm một chút, đồng bào ơi. Có thể chúng ta đang làm những việc hại cho chúng ta mà chúng ta không biết. Trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, « Nước Lạ » bên cạnh chúng ta rất mong muốn chúng ta căm thù « thực dân Pháp » và « đế quốc Mỹ ». Họ sẵn sàng làm tất cả vì điều đó. Tôi cho rằng đây là một âm mưu của họ, nhằm gieo rắc hận thù đó vào thế hệ trẻ của chúng ta.  Không đúng à? Tại sao không có một phim nào tố cáo tội ác của giặc Tầu trong chiến tranh biên giới mới đây thôi và hàng ngàn vụ sát hại ngư dân trên biển diễn ra hàng ngày?

Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả người dân chúng ta đều bị lừa, không trừ một ai.

Trước đó một ngày, tôi đã đi xem một bộ phim tài liệu về tội ác của quân đội Nga với trẻ em ở Ukraina, nhân kỷ niệm 2 năm ngày nước Nga của Putin đem quân xâm lược Ukraina. Ba sứ quán nước ngoài tại Hà Nội : Ukraina, Bỉ và Cộng Hòa Séc cùng nhau tổ chức buổi chiếu này, ngay trong khuôn viên của đại sứ quán Cộng Hòa Séc. Phim được quảng cáo phục vụ cho đại chúng, mở cửa tự do, không cần đăng ký trước.

Tuy nhiên, chỉ có lác đác vài người Việt Nam đến xem. Rất nhiều người Việt Nam biết sự kiện này nhưng sợ không dám đến xem. Tất cả những gì dính dáng đến chính trị, kể cả chính trị của nước khác thì tất cả đều nói NIET (NO, NON). Trong khi đó chúng ta luôn luôn tự tự hào là một dân tộc anh hùng. Chúng ta anh hùng ở chỗ chúng ta sợ tất cả, sợ cả cái không đáng sợ. Ủng hộ Ukraina thì có gì đáng sợ. Chính lúc chiến sự căng thẳng nhất, thủ tướng của ta đã đi bắt tay Zelenski cơ mà.

Phim về người thật, việc thật, tội ác thật và mới ngay đây thôi ở một nước bạn của ta đang chống ngoại xâm thì không ai xem, không ủng hộ, thậm chí bảo người ta chống ngoại xâm Nga là ngu.

Phim chế láo, nhảm nhí đủ đường thì kéo nhau đi xem ùn ùn, rồi khóc thút thít, rồi tự hào chống ngoại xâm. Khôn ???

Một dân tộc thực sự đáng thương.

HOÀNG QUỐC DŨNG 28.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.