dimanche 7 janvier 2024

Trương Nhân Tuấn - Việt Nam xâm lược Campuchia 1979 ?

 

Trở lại chủ đề "Gọi tên gì cho cuộc chiến Việt Nam-Campuchia 1979" qua bài phỏng vấn giáo sư (GS) Vũ Tường trên RFA. GS Tường cho rằng đây là một cuộc chiến "xâm lược", qua ý kiến như sau :

"...Từ "xâm lược" thể hiện trần trụi bản chất của cuộc chiến là một cuộc tiến công quân sự và chiếm đóng của Việt Nam vào một nước khác có chủ quyền. Vì vậy đây là từ khách quan nhất dù Việt Nam dĩ nhiên không thích nó."

Tôi thấy GS Tường không nói gì về vai trò của Mỹ trong cuộc chiến này. Đây là một thiếu sót lớn.

Theo tôi không phải cái gì Mỹ làm đều đúng. Mỹ "công nhận" Khmer đỏ, vốn là một tập đoàn diệt chủng, như là đại diện chính thống của quốc gia Campuchia tại Liên Hiệp Quốc. Mỹ không chính thức ủng hộ Polpot nhưng lại khuyến khích Trung Quốc ủng hộ chế độ diệt chủng này. 

Việt Nam đánh trả Khmer Đỏ, tương tự Mỹ đánh Afghanistan để diệt Bin Laden với danh nghĩa "tự vệ chính đáng". Mỹ ở lại Afghanistan 20 năm. Việt Nam ở lại Cambodge 10 năm. Nếu Mỹ có lý do chính đáng, vậy Việt Nam có lý do chính đáng hay không ?

Khmer Đỏ vốn là "con đẻ" của cộng sản Việt Nam (CSVN). Hầu hết cán bộ Khmer cộng sản đều do CSVN huấn luyện. Vũ khí của Khmer đỏ cũng do Việt Nam viện trợ, mặc dầu số lượng lớn vũ khí được chuyển từ Trung Quốc. Vừa chiếm được Nam Vang, Khmer Đỏ liền trục xuất 150 ngàn người Việt, đồng thời đem quân đánh qua lãnh thổ Việt Nam, với mục đích giành đất. Vấn đề là Khmer Đỏ đã giết hàng chục ngàn dân Việt vô tội trong các cuộc tấn công này.

Khmer Đỏ chiếm được giang sơn không hề lên tiếng biết ơn CSVN mà còn đâm sau lưng Việt Nam, với mục tiêu "lấy lại đất", mà chuyện này có thể thương thảo bằng các biện pháp hòa bình. 

Rõ ràng Mỹ chơi chiêu "tiêu chuẩn kép".

Đặng Tiểu Bình "dạy Việt Nam một bài học". Mỹ ủng hộ Trung Quốc đánh Việt Nam tức Mỹ ủng hộ việc "ngồi xổm" lên luật quốc tế. Bởi vì Trung Quốc là phía xâm lược.

Mỹ lại chống Việt Nam tự vệ, tức chống lại nội dung Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong khoản "quyền tự vệ chính đáng đơn phương hay đa phương". Đồng thời Mỹ ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Nhận định của GS Vũ Tường thiên lệch, vì đã không dẫn ra những dữ kiện mấu chốt này. 

Và Campuchia dưới thời Khmer Đỏ có phải là một "quốc gia có chủ quyền" hay không ? Có hay không, điều này tùy thuộc vào quan điểm của các bên. Chuyện này có dịp sẽ bàn lại.

Mỹ cùng với Trung Quốc nhìn nhận chính phủ Khmer Đỏ, giúp chế độ diệt chủng này ngồi ghế đại diện ở LLiên Hiệp Quốc đến năm 1993.

Cây hỏi (phụ) đặt ra để GS Tường suy ngẫm là Mỹ có trách nhiệm về các vụ diệt chủng ở Campuchia hay không ? Sự vắng mặt của Mỹ, với vai trò nhân chứng, ở các phiên tòa xử các đồ tể như Pol Pot, Khieu Samphan, Noun Chea, Ieng Sary... có hợp lý hay không ?

Theo tôi, tên gọi cuộc chiến Việt Nam-Campuchia 1979, nói như các học giả quốc tế, là "chiến tranh ủy nhiệm". Việt Nam gọi là "chiến tranh biên giới Tây-Nam. Ý kiến cá nhân của tôi, tên gọi cuộc chiến sẽ là "chiến tranh tự vệ Việt Nam-Khmer đỏ 1979".

Việt Nam có quyền "tự vệ chính đáng" để đánh qua lãnh thổ Campuchia nhằm trừng phạt tập đoàn Khmer Đỏ gây tội ác diệt chủng ở các tỉnh ven biên Việt Nam. Việt Nam đuổi tập đoàn diệt chủng Khmer Đỏ ra khỏi chính quyền có mục đích "tự vệ chính đáng" nhưng điều này đã giúp dân tộc Khmer được trường tồn.

Dân Campuchia đến nay vẫn còn biết ơn quân Việt Nam vì lý do này.

Mỹ đổ quân vào Afghanistan cũng với lý do "tự vệ chính đáng". Vấn đề là đến nay không thấy người Afghanistan nào "mang ơn" Mỹ hết cả.

TRƯƠNG NHÂN TUẤN 07.01.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.