jeudi 4 janvier 2024

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 04/01/2024

 

1. Về vụ tự khủng bố ở Belgorod

Hôm qua có một người đáng kính gọi điện cho tôi về sự kiện này. Vì vậy hôm nay tôi sẽ dành phần lớn thời lượng để nói về nó.

Nga đã sử dụng một số tên lửa Iskander và tên lửa S-300 để tấn công thành phố Kharkiv, cách biên giới với Nga chỉ 50 ki-lô-mét, với các hệ thống được đặt ở vùng Belgorod. Do đó, thời gian và việc đánh chặn tên lửa là ngắn và khó xảy ra, khiến Kharkiv trở thành mục tiêu tuyệt vời cho các cuộc tấn công khủng bố bằng tên lửa. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là các bệ phóng nằm gần biên giới Ukraine.

Những ngày qua, Ukraine đã tấn công một số mục tiêu ở Nga. Theo ISW, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công hầu hết các mục tiêu ở Nga trong đêm tính đến ngày 30 tháng 12. “Sự khác biệt giữa các số liệu này của Nga và Ukraine có thể cho thấy lực lượng Ukraine đã tấn công nhiều mục tiêu dự định của họ, như các nguồn tin an ninh Ukraine đề xuất với truyền thông phương Tây và Ukraine,” – các nhà phân tích của ISW viết.

Ukraine đã sử dụng một số máy bay không người lái để trinh sát khu vực và xác định vị trí các bệ phóng tên lửa của Nga như bệ Iskander cũng như các mục tiêu quân sự khác. Danh sách các mục tiêu phải tiêu diệt như vậy cũng bao gồm các bệ phóng S-300, đóng ở phía sau và phía bắc thành phố Belgorod. Thực tế đó đã buộc cả hai bên phải sử dụng một phần bầu trời phía trên khu vực đô thị của thành phố Belgorod, với rủi ro thiệt hại mà không phải là nhắm vào một mục tiêu cụ thể nào đó trong thành phố.

Thực chất, Nga không có bằng chứng nào cho thấy tên lửa hoặc máy bay không người lái của Ukraine được sử dụng để tấn công có chủ ý và trực tiếp nhằm vào các công trình đô thị và dân sự.

Ngay sau sự việc, các kênh blogger Nga đã phản ánh các mảnh vỡ và các bộ phận của tên lửa SAM của Nga đã rơi trúng trung tâm thành phố Belgorod, giết chết và làm bị thương một số dân thường. Trong các báo cáo đầu tiên ngay cả các quan chức Nga đổ lỗi cho lực lượng phòng không của Nga hơn chứ không phải là kết quả của cuộc tấn công của Ukraine. Mọi thứ chỉ thay đổi từ sau đó, khi bọn chóp bu Nga nhận ra rằng, có lẽ nên “tương kế tựu kế” trong câu chuyện này.

Như trong bài trước tôi đã viết, hệ thống rocket phóng loạt Vampire của Séc sản xuất, không có khả năng bắn được đến trung tâm thành phố Belgorod. Ở đây cần nói thêm rằng hiện tại khu vực biên giới Kharkiv – Belgorod cả hai bên đều xây dựng các hệ thống phòng ngự chắc chắn, nên không có chuyện quân Ukraine cho một đơn vị nào đó chạy sang bên kia biên giới bắn xong rồi chạy về.

Do đó, thương vong dân sự ở Belgorod có thể là do hệ thống phòng không kém hiệu quả của Nga và việc bố trí các cơ sở quân sự gần trung tâm đô thị này, làm tăng nguy cơ thiệt hại cho người dân của thành phố này. Những tai nạn như vậy đã xảy ra, vì trước đây người dân nông thôn Ba Lan đã bị tên lửa SAM của Ukraine bắn trúng khi đang phòng thủ trước một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga gần biên giới phía tây với Ba Lan.

Đây không phải là lần đầu tiên Belgorod gặp phải sự cố 'hỏa lực thân thiện'. Tám tháng trước, một máy bay phản lực của Nga đã vô tình thả bom xuống thành phố. Còn về các hệ thống SAM của Nga, chúng tỏ ra cực rởm, không đáng tin cậy tí nào với một số tên lửa được phóng không thành công trong quá trình hoạt động, rơi xuống đất gần bệ phóng.

2. Putox đang đốt tiền, mà là vô nghĩa

Cuộc tấn công hàng loạt ngày 2 tháng 1 tại Ukraine khiến Nga thiệt hại gần 620 triệu USD, và điều đó khiến chi phí cho các cuộc tấn công vừa qua lên tới gần 2 tỉ USD.

Chỉ trong vài ngày từ 29/12 đến nay, Nga đã sử dụng khoảng 300 tên lửa và hơn 200 máy bay không người lái “Shahed” để tấn công Ukraine. Theo ước tính của Forbes, cuộc tấn công ngày 2 tháng 1 đã khiến Nga thiệt hại 620 triệu USD (ít nhất 99 tên lửa các loại và 35 máy bay không người lái tự sát Shahed) – cao hơn trung bình ngày của đợt tấn công trong những ngày cuối cùng tháng 12. Đợt này đã khiến Nga thiệt hại 1,3 tỉ USD.

Cuộc tấn công tên lửa phối hợp quy mô lớn của Nga nhắm vào Kyiv, khu vực lân cận và cả thành phố miền đông Kharkiv vào rạng sáng ngày 2 tháng 1, trước đó chúng sử dụng một làn sóng máy bay không người lái Shahed. Theo cập nhật mới nhất của Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp nhà nước Ukraine, vụ tấn công đã khiến 5 người thiệt mạng và 127 người bị thương, trong đó có trẻ em.

Lực lượng phòng không – không quân Ukraine báo cáo rằng họ đã chặn tất cả máy bay không người lái và 72 tên lửa của Nga, bao gồm 59 tên lửa hành trình Kh-101/555/55, 3 tên lửa hành trình Kalibr và tất cả 10 tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal. Lực lượng Nga cũng sử dụng 12 tên lửa đạn đạo loại Iskander/S-300/S-400 và 4 tên lửa chống radar Kh-31P.

Forbes tính toán chi phí dựa trên ước tính rằng một tên lửa hành trình Kh-101 của Nga có giá 13 triệu USD, một tên lửa hành trình Kalibr có giá 6,5 triệu USD, một tên lửa đạn đạo Kinzhal có giá 15 triệu USD, một tên lửa Iskander có giá 3 triệu USD và một máy bay không người lái Shahed 136 có giá 50.000 USD… “Do thực tế là vẫn chưa xác định được việc phân bổ chính xác các tên lửa theo loại nên Forbes ước tính tổng chi phí của chúng vào khoảng 620 triệu USD” – Forbes viết.

Vấn đề là, Nga chi ít nhất 1,3 tỉ USD cho tên lửa chính xác cộng với 36 máy bay không người lái và gây ra thiệt hại là gần 50 thường dân Ukraine mà không có binh sĩ Ukraine nào thiệt mạng! Để tổ chức một cuộc tấn công lớn cỡ này, chúng cần nhiều tháng sản xuất… Với gần 50 thường dân thiệt mạng, điều đó có nghĩa là hơn 3 tên lửa và máy bay không người lái được sử dụng cho mỗi mạng thường dân. Nếu “quy ra thóc” thì là hơn 26 triệu USD cho mỗi mạng thường dân.

Không biết mọi người nghĩ sau, nhưng tôi thì thấy đây là một khoản chi phí điên rồ.

Nếu có 1 tỉ đô la Mỹ bằng tiền mặt, với mệnh giá 1 USD thì những tờ bạc xếp chồng lên nhau trị sẽ cao gấp 124 lần Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất hành tinh. Nếu chúng ta tiết kiệm 100 USD mỗi ngày thì sẽ có 1 tỉ USD sau 27.397 năm. Còn nếu mỗi giây tiêu 1 USD, thì phải mất 31 năm để tiêu hết 1 tỉ USD đó. 1 tỉ USD này có thể chi trả mức lương trung bình cho 1,5 triệu người Nga trong một tháng. Còn theo Chương trình Lương thực Thế giới, 1 tỉ USD có thể nuôi sống 5 triệu người trong một năm.

Nga đang cố gắng sử dụng chiến thuật khủng bố chống lại thường dân Ukraine – để làm gì? Trong bài trước tôi viết: Putox đang cố gắng gia tăng tính chất khốc liệt của chiến tranh và gây khiếp sợ cho người dân Ukraine, từ đó ép Chính phủ Zelenskyy ngồi vào bàn đàm phán dưới áp lực của phương Tây. Vậy chúng có làm được việc khủng bố tinh thần người dân Ukraine hay không?

Để giết 30 triệu thường dân Ukraine với kiểu tấn công vừa xong, với tốc độ của chúng chúng ta vừa tính trên đây, Nga sẽ phải thực hiện 750.000 cuộc tấn công như vậy và sẽ tiêu tốn khoảng 1 nghìn tỉ USD trong khoảng thời gian 2.000 năm với điều kiện rằng các cuộc tấn công đó phải diễn ra hàng ngày.

Chúng – bè lũ Putox đã không học được gì từ Thế chiến thứ 2, khi mà các vụ đánh bom khủng bố của Đức vào London bằng bom bay V1 (tên lửa hành trình đầu tiên) và V2 (tên lửa đạn đạo đầu tiên) – hoàn toàn không làm gục ngã được cả tinh thần lẫn tiêu diệt các cơ sở quốc phòng của nước Anh. Ngược lại, chúng góp phần thúc đẩy việc không quân Anh và Mỹ ném bom hàng loạt kiểu rải thảm, hủy diệt các thành phố của Đức. Tôi không cho rằng ném bom như vậy có thể lật ngược tình thế chiến tranh, vì chính năm 1944 nước Đức phát-xít đạt mức sản xuất xe tăng và máy bay chiến đấu đỉnh cao của toàn cuộc chiến.

Trước đây tôi đã có lần viết rằng, Nga có những cú phung phí kinh dị, ví dụ như chúng thường xuyên bắn lung tung tên lửa vào Ukraine bất chấp những mục tiêu đó có giá trị về quân sự hay không. Bây giờ lại như vậy, nếu Nga thực sự sử dụng những tên lửa này bắn vào các mục tiêu quân sự quan trọng đối với Ukraine và được lựa chọn cẩn thận như sở chỉ huy Ukraine ở đâu đó gần Avdiivka, Bakhmut hoặc bàn đạp bên tả ngạn Dnipro thuộc tính Kherson thì chúng có thể đã thực sự đạt được những kết quả quân sự có ý nghĩa.

Chính đòn tấn công tên lửa này cho thấy Nga đã thua. Rõ ràng là, chúng đã nản và muốn bỏ cuộc trong mục tiêu đánh bại Ukraine về mặt quân sự.

Kết quả có lẽ là đáng kể nhất của trận tấn công, là Putox hi vọng phương Tây sẽ nhận ra: để chống những cơn mưa tên lửa như thế này, sẽ tiêu tốn rất nhiều vũ khí phòng không và do đó, cần phải ép Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Tiếc rằng điều đó đã không xảy ra: phương Tây đã có những động thái tăng cường viện trợ cho Ukraine về phòng không. Tất cả đã nằm trong tính toán của Putox cả.

3. Quân đội Nga còn bao nhiêu xe tăng để tung vào chiến trường Ukraine?

Để hình dung rõ hơn về tình hình, tính đến thời điểm tháng Chín 2023, Nga có 2 nhà máy chính và mỗi cái đang sản xuất khoảng 28 – 30 xe tăng mỗi tháng, cho sản lượng khoảng 320 đến 360 mỗi năm. Một nguồn rất lớn mà bọn chóp bu Nga này chúng trông chờ, là số xe tăng tồn kho, mặc dù nhiều chiếc T-55/T-72 cũ ở tình trạng tồi tệ do không được bảo trì nên hoàn toàn không thể sử dụng được. Đống xe tăng này đã được vứt ngoài trời nhiều năm qua, trong điều kiện thời tiết khắc đồng thời chịu vấn nạn mổ thịt từ các sĩ quan tham nhũng. Các chi tiết, phụ tùng đã bị bán, thậm chí cả chiếc xe tăng nguyên vẹn được bán ở chợ đen…

Nhưng chúng vẫn có kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất, bổ sung thêm dây chuyền mới và còn có cả kế hoạch sớm xây dựng một nhà máy mới sản xuất xe tăng T-80, mất bao nhiêu lâu để nó đi vào hoạt động thì tôi không biết.

Như vậy nguồn chính để tung vào trận chiến trong thời gian qua, đặc biệt là The Battle of Avdiivka những chiếc xe tăng cũ từ kho T-72/T-80/T-55 hiện có, được sửa chữa, hiện đại hóa ở một mức độ nhất định. Theo các nguồn tin nhiều nơi, con số hợp lý là chúng vẫn còn hơn 7000 xe tăng để có thể… lôi ra đánh nhau tiếp.

Vào năm 2023, quân đội Nga đã có sự gia tăng đáng kể về “của nả” để đánh nhau. Theo tài liệu cuối năm của Bộ Quốc phòng Nga được Itar-TASS trích dẫn, kho vũ khí sẵn sàng được sử dụng bao gồm hơn 1.500 xe tăng và 22.000 máy bay không người lái. Các tài liệu chi tiết hơn là đã giao được cho quân đội Nga hơn 1.500 xe tăng, hơn 2.200 xe chiến đấu bọc thép và 1.400 giàn phóng pháo phản lực và pháo binh quy ước khác.

Hơn nữa, quân đội Nga đã nhận bàn giao hơn 12.000 xe ô tô, trong số này đáng chú ý có khoảng hơn 10 %, hay 1.400 chiếc được bọc thép. Một số quan chức cấp cao của Nga đã nói về việc tăng tốc sản xuất vũ khí của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, tính từ hết ngày 31/12/2022 đến hết ngày 31/12/2023, số xe tăng Nga bị mất trên chiến trường Ukraine là 2.948 chiếc. Từ đầu chiến tranh, tức là trong năm 2022 Nga bị mất 3.029 xe tăng trên chiến trường.

Nếu chúng ta tính tốc độ phục hồi xe tăng của Nga là 100 chiếc/tháng, cùng với sản xuất mới là 30 chiếc/tháng, nghĩa là một tháng Nga có thể đưa ra chiến trường được 130 chiếc. Hiện nay doanh số bán vũ khí của Nga giảm đáng kể cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã thiết lập lại các ưu tiên của mình, tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp nguồn lực cho lực lượng của mình ở Ukraine. Ukraine không có khả năng sánh kịp với sức mạnh sản xuất của Nga về mặt này và nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây thì cuối cùng sẽ bị lung lay.

Tuy nhiên, Ukraine lại có tốc độ tiêu hao xe tăng Nga lớn hơn khả năng sản xuất của chúng. Trong 10 tháng chiến tranh của năm 2022, Nga mất trung bình 300 chiếc / tháng, và cũng lại một con số tương đương như vậy trong năm 2023, khoảng 270 đến 280 chiếc/tháng. Điều đó có nghĩa là tốc độ tiêu hao xe tăng Nga gấp đôi số sản xuất/phục hồi được và không có khả năng thay đổi tỉ lệ này. Nga càng cố tấn công mạnh, thì càng tốn nhiều xe tăng và tỉ lệ đó còn tăng lên cao hơn chứ không có khả năng giảm. Nhưng không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan về vấn đề này: nếu đúng chúng có 7.000 xe tăng trong kho có thể phục hồi được, thì cũng có nghĩa là đủ đánh nhau khoảng… 4 năm nữa. Hy vọng của chúng ta là nằm ở chỗ khác.

Tác động nặng nề của cuộc chiến đối với Nga là rất lớn, khiến chúng không chỉ thiệt hại nặng nề về người mà còn thiệt hại đáng kể về vật chất. Sự gia tăng đáng chú ý trong sản xuất xe tăng của Nga dường như là một phản ứng trực tiếp trước những thất bại đáng kể gặp phải trong cuộc xung đột kéo dài. Sự thay đổi trọng tâm này có ý nghĩa của nó, khi lĩnh vực quốc phòng phải chịu sự sụt giảm đáng kể về doanh thu, gây áp lực lên ngân sách vốn đã căng thẳng của Điện Kremlin.

Để duy trì hiệu quả hoạt động, Điện Kremlin đã sử dụng quỹ khẩn cấp để duy trì hoạt động của các nhà máy. Kết quả là, phần lớn chi tiêu của Nga hiện hướng vào các nỗ lực quân sự của họ, để lại nguồn lực hạn chế cho các yêu cầu thiết yếu khác. Điều này sẽ gây tác động lên đời sống của dân chúng, nhưng lại có một nghịch lý ở đây: với chi phí chiến tranh ngày càng tăng, Nga không còn con đường nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu.

Nghe thì rất phi lý, nhưng đó là sự thật: khi người dân Nga gặp khó khăn trong kế sinh nhai, họ sẽ có xu hướng quay ra đẩy con cái mình vào quân đội. Một mặt giải quyết được tình trạng lao động dư thừa (dù có nhu cầu tăng về lực lượng lao động của khu vực công nghiệp quốc phòng nhưng vẫn sụt giảm nhu cầu nói chung), mặt khác lại có thêm được những khoản tiền lớn.

Dừng đánh nhau lại ngay bây giờ sẽ khiến đất nước rơi vào tình trạng khó khăn tài chính cùng cực – điều này đúng cả trên phương diện nhà nước lẫn gia đình. Chính phủ buộc phải gia tăng chi phí cho chiến tranh để có động lực vận động của kinh tế đất nước, còn gia đình thì như trên đây tôi đã viết. Câu chuyện giống như nắm đuôi con hổ vậy.

Nhìn chung, chỉ có duy nhất một con đường cho Nga, là lật đổ Putox và xin rút khỏi cuộc chiến với những đau thương ít nhất trong áp lực bồi thường chiến tranh.

4. Bình loạn

Là không bình loạn gì cả. Tất cả đã nằm ở các mục trên đây rồi. Tôi chỉ xin viết thêm như thế này: ở Donbas, mật độ quân Nga rất đông nên chỉ có thật nhiều vũ khí chính xác tầm xa, kiểu ATACMS mới phá được. Tuy nhiên Ukraine có thể thắng bằng đòn kết hợp giữa chính trị và quân sự, ở Crimea. Vũ khí tầm xa cần để đánh phá Crimea không nhiều bằng Donbas, và phòng tuyến Armiansk – Dzhankoi cũng không đủ mạnh. Crimea chỉ cần bị lung lay phòng tuyến này, các thành phố Simferopol và Sevastopol bị bắn phá cùng cầu Kerch sập là xong. Khi mất Crimea, Putox mất mạng, ít nhất về chính trị và đó sẽ là tiền đề của Nga thoát khỏi chiến tranh, với một thất bại, nhưng cần thiết.

PHÚC LAI 04.01.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.