Quy chế bổ nhiệm các Thẩm phán Tối cao suốt đời có thể là một yếu tố bảo vệ vai trò độc lập của ngành tư pháp; bảo vệ quy tắc ba quyền phân biệt để cân bằng, kiểm soát lẫn nhau.
Tối cao Pháp viện Colorado đã tuyên bố cựu Tổng thống Donald Trump không được ứng cử sơ bộ trong đảng Cộng Hòa ở tiểu bang này. Tòa dựa trên Tu chính án số 14 hiến pháp Mỹ.
Điều số 3 trong tu chính án nói rằng ai đã tuyên thệ trung thành với hiến pháp mà lại tham dự một vụ nổi loạn thì không được giữ chức vụ nào nữa. Bản án nói ngày 6 tháng 1 năm 2021 ông Trump đã “kêu gọi nổi loạn.” Luật sư của cựu Tổng thống Trump đã kiện; và Tối cao Pháp viện liên bang sẽ xét xử, cùng với một quyết định tương tự của tiểu bang Maine.
Bản án ở Denver, Colorado chỉ nói đến quyền “ứng cử sơ bộ” trong đảng Cộng Hòa của ông Trump mà thôi. Hậu quả có thể làm ông mất thể diện; nhưng ông Trump vẫn có quyền tranh cử tổng thống vào tháng 11 năm nay, vì ông sẽ vẫn được đảng Cộng Hòa đề cử.
Khi Tối cao Pháp viện liên bang Hoa Kỳ đem vụ này ra xử, mọi người sẽ theo dõi rất kỹ; vì 6 trong 9 vị thẩm phán tối cao hiện nay do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, ba người do chính ông Trump tấn phong, là các Thẩm phán Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett. Liệu các vị thẩm phán tối cao có bị nghi ngờ là cũng thiên vị hay không? Chúng ta phải chờ coi họ quyết định thế nào.
Tòa Tối Cao có thể tuyên bố không xét xử, tức là cho phán quyết ở Colorado được thi hành. Điều này không cấm được ông Donald Trump tranh cử tổng thống ở Colorado nhưng sẽ tạo nên một cơn bão chính trị vì cử tri tại nhiều tiểu bang khác sẽ thưa kiện, theo gương hai cử tri ở Colorado, đòi xóa tên ông Trump không cho tranh cử sơ bộ, dựa trên luật lệ của mỗi tiểu bang. Các quan Tòa Tối Cao chắc không muốn trở thành trung tâm một cơn bão chính trị như thế.
Một cách giản dị nhất là bác bỏ quyết định của Tòa Colorado, phán rằng họ không theo đúng các thủ tục khi áp dụng Điều số 3 trong Tu chính án số 14. Một lý do để bác bỏ quyết định của Tòa Colorado là chưa có đạo luật nào ở tiểu bang giải thích cách áp dụng Điều 3, Tu chính án số 14. Điều này cấm những người nổi loạn không được giữ các “chức vụ” nhưng không hề nói gì đến chức tổng thống do dân bầu.
Nếu phán như vậy thì Tòa Tối Cao Liên bang sẽ phải soạn thảo và công bố những thủ tục coi là chính đáng để áp dụng Tu chính án 14. Sau đó, sẽ có các cử tri Dân Chủ ở các tiểu bang khác thưa kiện ông Trump như ở Colorado, cố theo đúng từng bước các thủ tục mà Tòa Tối Cao công bố.
Có một cách có thể tránh được hai cảnh bão tố trên, là Tòa Tối Cao Liên bang tuyên bố ông cựu tổng thống không hề “kêu gọi nổi loạn” theo ý nghĩa của Tu chính án số 14. Ông chỉ kêu gọi mọi người hãy đến tòa nhà quốc hội phản đối một cuộc bầu cử “gian lận” như ông tố giác. Những lời lẽ đó được Tu chính án số 1 bảo vệ, theo quyền tự do phát biểu. Quyết định này hoàn toàn dựa trên sự kiện, “nổi loạn” hay “không nổi loạn” như vậy sẽ không dính dáng gì đến việc giải thích hiến pháp!
Không ai đoán trước được Tối cao Pháp viện sẽ phán xử thế nào. Dù họ quyết định ra sao thì cũng sẽ làm một nửa dân chúng Mỹ nổi giận! Có lẽ chưa bao giờ các quan tòa lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan như vậy! Có người ví như một trái lựu đạn được thảy vào trong phòng Tòa Tối Cao ở Washington, D.C. để các thẩm phán phải loay hoay tháo gỡ.
Nhưng dân Mỹ có thể tin rằng quý vị thẩm phán sẽ không bị một áp lực nào từ vị tổng thống đã đưa mình vào Tòa Tối Cao. Vì chức vụ của họ kéo dài suốt đời, cho tới khi từ chức hay qua đời. Trong lịch sử đã nhiều vị Thẩm phán quyết định ngược với quyền lợi của ông tổng thống đề cử mình.
Năm 1803, John Marshall là người đầu tiên bác bỏ một quyết định tư pháp của Tổng thống John Adams, là người cử mình vào chức Chánh thẩm Tòa tối cao. Năm 1866, bốn vị thẩm phán do Tổng thống Abraham Lincoln bổ nhiệm, trong đó có Chánh thẩm Salmon P. Chase, đã theo đa số, bác bỏ một viên chức cao cấp do ông Lincoln đề nghị - khi đó ông tổng thống đã qua đời.
Từ năm 1933 đến 1944, Tổng thống Franklin Roosevelt đã bổ nhiệm được 8 trong số 9 thẩm phán tối cao. Khi ông ký quyết định đưa các người Mỹ gốc Nhật vào các trại tập trung rồi bị kiện, đa số Tòa Tối Cao cho phép tiếp tục. Nhưng hai người do chính ông đề cử, các Thẩm phán Frank Murphy và Robert Jackson, đã kịch liệt phản đối. Họ biện hộ rằng “ai có tội người đó chịu,” và tố cáo hành động này là “hợp pháp hóa óc kỳ thị chủng tộc!”
Năm 1974, Tổng thống Richard Nixon thua kiện, bị Tối cao Pháp viện bắt phải nộp các cuốn băng thâu thanh trong văn phòng của ông cho bộ Tư Pháp. Chánh thẩm Warren Burger và các Thẩm phán Harry Blackmun và Lewis Powell Jr. do ông Nixon bổ nhiệm đứng về phía đa số; Thẩm phán William Rehnquist xin hồi tị (không tham dự) vì trước đó đã làm việc trong bộ Tư pháp của chính phủ Nixon.
Ông Bill Clinton thua nặng hơn, năm 1997. Một phụ nữ kiện ông về tội sách nhiễu tình dục trong quá khứ. Tất cả các Thẩm phán, trong đó có Bà Ruth Bader Ginsburg và ông Stephen Breyer do ông Clinton bổ nhiệm, phán rằng ông không được miễn tố về những hành động trước khi đắc cử tổng thống.
Tổng thống Barack Obama thua một trận khi toàn thể Tối cao Pháp viện, trong đó có các Thẩm phán Sonia Sotomayor và Elena Kagan do ông Obama phong nhậm, phán rằng ông đã lạm dụng quyền hành trong việc bổ nhiệm nhiều viên chức trong thời gian quốc hội nghỉ lễ, năm 2014, để tránh không phải thông qua Thượng viện.
Năm 2020 Tổng thống Donald Trump cũng nếm mùi này khi từ chối không nộp các hồ sơ tài chánh của mình, trong thời gian chưa làm tổng thống. Hai ông Gorsuch và Kavanaugh, do ông Trump bổ nhiệm, đã bỏ phiếu cùng 5 Thẩm phán khác, bắt ông phải làm theo lệnh tòa án tiểu bang.
Quy chế bổ nhiệm các Thẩm phán Tối cao suốt đời có thể là một yếu tố bảo vệ vai trò độc lập của ngành tư pháp; bảo vệ quy tắc ba quyền phân biệt để cân bằng, kiểm soát lẫn nhau. Các Thẩm phán không cần chiếm cảm tình của ai, không phải đứng về một phía nào để giữ địa vị.
Phần lớn các vị Thẩm phán có thể kiếm rất nhiều tiền nếu từ chức, trở về hoạt động trong lãnh vực tư. Các văn phòng luật sư rất mong có những người giàu kinh nghiệm và có uy tín như họ. Nhưng hầu như chưa ai từ chức để làm như vậy.
Bà Sandra Day O’Connor, do Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm năm 1981. Sau khi từ chức năm 2006, bà dành thời giờ còn lại trong cuộc đời để vận động cho tinh thần Thượng tôn Luật pháp, trên khắp thế giới. Tổng thống Barack Obama đã trao tặng bà Huy chương Tự do (Presidential Medal of Freedom) vào năm 2009. Bà mới qua đời năm ngoái, được cả nước để tang.
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 04.01.2024)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.