Đó là sách “Chuyện của chúng tôi”, viết dưới dạng hồi ký.
Ông Phúc người xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, sinh năm 1945, thời còn bé ở quê nhà, lớn lên và trưởng thành ở Hà Nội. Ông nguyên là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2002 - 2011), ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, đại biểu QH khóa XI, XII.
Ông Phúc viết sách kể qua về quê hương và thời đi học. Chủ yếu kể những chuyện ông đã làm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi mới tốt nghiệp đại học, làm cán bộ tập sự ngành địa chất, cho đến lúc nghỉ hưu sau khi làm hai nhiệm kỳ bộ trưởng.
Phần lớn câu chuyện kể về những việc vận động sự giúp đỡ của chính phủ Nhật, về quan hệ tốt đẹp với những người bạn Nhật.
Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi nhận thấy ông Phúc tuy là đảng viên nhưng là người tốt, rất tốt, có tài năng, liêm khiết, trung thực, dũng cảm, được nhiều người yêu mến, tin cậy. (Ông đã từng bị một đảng viên chèn ép mãi, không cho vào Đảng. Chỉ sau khi người đảng viên đó chuyển đi nơi khác ông mới được kết nạp khi tuổi đã khá lớn).
Trong những năm đầu của thế kỷ 21 ông đã cùng với một số cán bộ như ông (mà báo chí thường gọi là những nhà “Kỹ trị”) đã đưa được nền kinh tế hội nhập quốc tế, phát triển với tốc độ khá cao. Việc đó làm cho một số người có ảo tưởng rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng hóa hổ, hóa rồng, Đảng còn vạch kế hoạch đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhưng rồi thực tế không được như vậy, đến nỗi bà Phạm Chi Lan (người viết “Vài dòng cảm nghĩ” về ‘Chuyện của chúng tôi’ được đăng ở đầu sách) đã phát biểu rằng “Tôi hoàn toàn chia sẻ sự tiếc nuối của tác giả: giá như chúng ta học tốt hơn những bài học mà người Nhật đã giúp cho Việt Nam, sử dụng hiệu quả hơn tiền thuế mà người dân Nhật Bản dành cho chúng ta”. Và có lần bà Chi Lan đã nói: Việt Nam là đất nước không chịu phát triển.
Khi ta gặp khó khăn, không thể phát triển, người ngoài có thể giúp. Nếu ta không chịu phát triển thì chẳng ai có thể bắt ép.
Sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 có dựa vào sự hợp tác, giúp đỡ của một số nước phương Tây, Nhật, Úc, và đặc biệt nhờ Mỹ bỏ cấm vận. Họ giúp vì thấy rằng ta có lợi họ cũng có lợi theo, và một phần cũng vì lòng nhân đạo, giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá. Họ giúp không vì một nghĩa vụ nào cả. Thế nhưng đã từng có vài ý nghĩ sai, cho rằng trước đây họ ủng hộ Mỹ xâm lược thì bây giờ phải giúp Việt Nam kiến thiết (Lời ông Phạm Văn Đồng nói với ông Lý Quang Diệu trong chuyến thăm Singapore năm 1978).
Bà Chi Lan than thở: Giá như chúng ta học tốt hơn, sử dụng hiệu quả hơn.
Xin hỏi: Tại sao chúng ta không thể học tốt và tại sao ta sử dụng kém hiệu quả sự giúp đỡ? Không học được, không phải vì người ta không biết dạy, không muốn dạy, không phải vì cán bộ của ta kém trình độ. Người ta rất muốn dạy và biết dạy, cán bộ của chúng ta, trừ một số ít đầu óc bị u mê, còn những người như ông Phúc, như bà Chi Lan và những nhà kỹ trị khác rất giỏi, thừa sức học. Nhưng những điều quan trọng mà người ta muốn dạy thì cán bộ của ta bị Đảng cấm học.
Người Nhật đã xây dựng lại một đất nước bị đổ nát gấp nhiều lần Việt Nam, lại mang nỗi nhục vì thua trận, phải đầu hàng và chịu sự cai quản của người Mỹ. Ban đầu khi bị Mỹ đem quân đến đóng, họ căm thù lắm chứ. Thế nhưng khi biết được sự tử tế của người Mỹ họ đã thật tâm xóa bỏ hận thù và hợp tác, được Mỹ giúp đỡ tận tình.
Đặc biệt họ đã chọn được con đường phát triển đúng đắn, xây dựng chế độ dân chủ với tam quyền phân lập, với xã hội dân sự, toàn dân đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau, thật lòng hợp tác với Mỹ, người dân thực sự được tự do. Còn ta, nghị quyết 102 của Đảng cấm nói đến tam quyền, cấm nói đến xã hội dân sự, vẫn tuyên truyền thù hận đế quốc Mỹ và tự kiêu về việc “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”. Rồi còn đặt ra điều luật “Cấm lợi dụng quyền tự do...” để kết án nặng những người bất đồng chính kiến, dám làm phản biện.
Đổi mới từ năm 1986 thực chất là sửa sai, là cởi trói cho người dân. Ai sai, ai trói? Đảng chứ ai. Thế mà không một người nào trong lãnh đạo công nhận điều đó, mà còn to mồm khoe khoang là nhờ sự sáng suốt của họ.
Kinh tế thị trường, phát triển kinh tế tư nhân là làm ngược lại với Mác-Lê, nhưng lại tuyên truyền là vận dụng sáng tạo, với giải thích sáng tạo là gắn thêm cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa, là kinh tế thị trường đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, lấy nghị quyết của Đảng và kinh tế quốc doanh làm cơ sở. Đó là một sự cấy ghép, lai giống giữa loài chim và cua cá để tạo ra một thứ bầy nhầy, một quái thai. Mà kinh tế thị trường có sự quản lý phần nào của nhà nước thì có gì sáng tạo? Nó đã được Ricardo (1773-1823) bàn đến cách đây trên hai trăm năm.
Trong một số năm trước đây, mức tăng GDP tuyệt đối của Việt Nam thực tế không đáng bao nhiêu, nhưng tính ra số phần trăm khá cao là vì mẫu số để tính quá thấp. Thế mà theo tuyên truyền thì ta có chỉ số tăng GDP thuộc loại nhất thế giới. Hơn nữa, việc tăng đó chủ yếu là do khai thác tài nguyên vô tội vạ, do giải phóng sức lao động thô sơ, dựa vào tiền đi vay (chưa biết bao giờ mới trả hết nợ) chứ chưa phải dựa vào lao động sáng tạo, không phải dựa vào công nghệ cao và phần lớn sự tăng trưởng lọt vào túi các công ty nước ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng để phát triển cần đổi mới chính trị. Nhưng ý kiến đó chỉ được nói thầm với nhau, còn nếu bị mật vụ nghe thấy thì nguy cơ bị vu oan để phải nhận bản án trên chục năm tù là khó tránh.
Theo ông Phúc thì ông Đỗ Mười dặn phải học Nhật Bản để xây dựng đất nước, nhưng Đảng lại ra nghị quyết cấm nhiều thứ quan trọng cần học. Thì ra ông Mười nói thế nhưng ông không biết phải học cái gì.
Chúng ta bị Mỹ cấm vận làm cho đã khổ càng khổ thêm. Chúng ta tuyên truyền, đổ tội cho Mỹ mà không chịu nhận nguyên nhân chính là từ phía chúng ta. Cứ suy theo lời ông Nguyễn Phú Trọng thì ta có như thế nào mới bị người ta cấm vận chứ.
Tại sao ta sử dụng kém hiệu quả sự giúp đỡ? Có một vài nguyên nhân mà chủ yếu là sự tham nhũng, là mua quan bán tước, là không xác định đúng nguyên nhân cơ bản để hướng sự đấu tranh vào đúng chỗ. Những nhà lý luận của Đảng phải tốn nhiều công sức mới rút ra nguyên nhân của tệ nạn là sự thoái hóa về đạo đức, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa của một số cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành.
Người ta tưởng như thế là đã nắm được yết hầu của con ngựa tham nhũng, chỉ cần bóp mạnh một cái là nó chết. Nhưng không phải, đó chỉ mới là vuốt đuôi (mà không khéo còn bị nó đá hậu). Nguyên nhân cơ bản ở chỗ khác, từ trong học thuyết Mác-Lê với độc quyền đảng trị, với việc đồng nhất đảng và nhà nước, đồng thời đặt Đảng trùm lên mọi luật pháp, là những sai lầm về đường lối mà không chịu nghe phản biện, mà tự kiêu cho rằng Mác-Lê là chân lý vĩnh cửu, Đảng hoàn toàn đúng, ai nói gì khác là thù địch, phải bị tiêu diệt.
Đường lối cán bộ của Đảng có một số điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ, nên mới để lọt vào một số lớn kẻ cơ hội. Chúng có nhiều mưu ma chước quỷ mà thiếu trung thực, thiếu trí tuệ, chỉ giỏi việc làm vinh thân phì gia, lôi bè kéo cánh tạo đa số để thắng trong bầu cử, gạt ra ngoài những người liêm khiết, có năng lực. Những “Lồng nhốt quyền lực”, nghị quyết về “Chống chạy chức chạy quyền” chỉ là những quy định tầm phào, vô giá trị, phản khoa học.
Phòng chống tham nhũng là việc của nhà nước, nhưng Đảng tranh lấy để làm. Đặt tên là Ban Phòng Chống tham nhũng, nhưng chủ yếu chỉ chờ người ta tham nhũng rồi phát hiện và đốt lò chứ chẳng thấy phòng chỗ nào, chống chỗ nào (để nó không thể xảy ra).
Đọc sách của ông Phúc rồi đối chiếu với thực tế tôi thấy những điều được viết ra đều là sự thật, phản ánh sự suy nghĩ và hoạt động tích cực của một số người thuộc tầng lớp tinh hoa, có may mắn lọt được vào những vị trí cần thiết để thắp lên vài ngọn nến trong khu rừng đêm đầy bóng tối. Ông Phúc chưa đủ sức đụng đến một phần khác của sự thật là những khu rừng âm u, tối tăm, đầy rắn rết. Dù sao được như thế đã là rất tốt.
Tôi biết Trung cộng, một mặt rất chăm lo đội ngũ tinh hoa của họ, mặt khác xúi giục lãnh đạo Việt Nam tìm cách hạn chế, tiêu diệt tinh hoa của dân tộc (bằng cách vu cho họ tội chống Đảng, chống chế độ). Có diệt được hết tinh hoa của Việt Nam thì Tàu cộng mới dễ bề thi thố âm mưu thôn tính lãnh thổ. Lãnh đạo Việt Nam vì kém trí tuệ nên mắc vào mưu thâm mà không biết.
Trước đây tôi tự hỏi, đất nước bị toàn trị như vậy, bị tham nhũng như vậy, nhân quyền bị coi rẻ, giáo dục, đạo đức xuống cấp, thế mà đa số người dân vẫn sống được qua ngày, nhờ vào đâu? Nghị quyết Đảng viết rõ ràng là nhờ sự lãnh đạo của họ. Nhưng không phải. Đảng càng tăng cường lãnh đạo thì sai càng nhiều.
Tôi cho rằng nhờ vào một số cán bộ như ông Phúc, họ là đảng viên, nhưng trước hết là tinh hoa của dân tộc. Chính nhờ những người này gặp may mắn, giữ được một vài vị trí xứng đáng mà phát huy được tác dụng tích cực. Chính nhờ họ mà phát triển được kinh tế, dù rằng chậm chạp. Cứ cho rằng bọn tham nhũng ra sức vơ vét, nhưng chúng không thể vơ vét cạn kiệt mà còn phải chừa một số ít cho dân, để cho dân còn thở được.
Tuy vậy, trong lúc những người tinh hoa làm được vài việc tốt thì khá nhiều bọn cơ hội kéo bè kết cánh để xâu xé, để trục lợi. Người tinh hoa thường chỉ thích làm việc mà không thích đấu tranh. Nếu xảy ra cuộc đấu tranh giữa những người tinh hoa, trung thực với bọn cơ hội thì phần thắng thường nghiêng về bọn cơ hội, vì chúng có nhiều mưu mô xảo trá, lại dựa được vào nguyên tắc của Đảng là thiểu số phải phục tùng đa số.
Vậy làm sao để những người tinh hoa của dân tộc thoát được âm mưu của Trung cộng để khỏi bị hủy diệt và liên kết được với nhau để phát huy sức mạnh? Đến lúc đó may ra mới thắng được phần nào bọn cơ hội để phát triển đất nước như nhiều người mong đợi.
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG 10.07.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.