jeudi 13 mai 2021

Trang Nguyen - Khi quấy rối tình dục và bình đẳng giới vẫn bị coi nhẹ ở Việt Nam


…Thì việc phải chịu đựng những câu “đùa” lố bịch, mang tính chất tình dục diễn ra ở ngay trên các show của đài truyền hình quốc gia có lẽ là chuyện “bình thường” (?).

Không chỉ việc tình huống này bị tường thuật lại bằng những câu từ bình thường hóa như một trò đùa “vô cùng bình thường”, mà ngay cả khi đọc bình luận của cộng đồng mạng thì thật sự mình thấy tình trạng quấy rối tình dục (QRTD) và bất bỉnh đẳng giới ở Việt Nam thật sự quá nặng nề, mà không biết là sẽ phải bao nhiêu trăm năm nữa mới thay đổi được?

Khi mà người ta dùng những từ như “đùa thôi mà”, “em nhạy cảm quá đấy” hoặc “xem cũng thấy buồn cười” khiến mình cảm thấy như việc QRTD hoặc chứng kiến người khác đang bị QRTD chẳng khác gì một trò giải trí trên TV.

Bạn sẽ thấy thế nào nếu người ở vị trí đó không phải là chị Hằng mà là chính bạn? Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn chuẩn bị một dự án start up kỹ càng thì gặp ngay phải ông đầu tư dùng những từ ngữ “sạch, xinh, xanh” để nói về bạn? Và thậm chí ngay từ lúc đầu đã có thái độ cợt nhả, thiếu tôn trọng “không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi”?

Bạn có thể đổ lỗi cho cô ấy (sao không dám tỏ thái độ?) thì hãy thử tưởng tượng bạn đang ở đài truyền hình, có rất nhiều người xung quanh đang nhìn chằm chằm vào bạn và sẵn sàng đánh giá thái độ của bạn. Còn cái người có “trò đùa” kia có vai vế cao hơn, là chủ đầu tư, là người được mời đến để định giá dự án của bạn. Nói tóm lại, bạn đang ở thế yếu, còn ông ta ở thế mạnh. Và đây chính là một trong những trường hợp mà QRTD xảy ra nhưng nạn nhân không biết/không thể làm gì để bảo vệ mình.

Mình không phải người làm về giới. Nhưng khi tổ chức mình bắt đầu chương trình Trao Quyền Cho Phụ Nữ Trong Ngành Bảo Tồn, từ những kết quả phỏng vấn về tình hình QRTD, từ những workshop, hội thảo trong ngành mà mình nhận ra vấn đề QRTD thực sự không biết đến bao giờ mới nhận được đủ sự quan tâm và nhận thức đúng đắn từ cộng đồng.

Việc mà người ta làm đầu tiên, khi nghe đến tình huống QRTD, đó là đổ lỗi cho nạn nhân. Tại sao lại ăn mặc như thế? Tại sao không thế này, tại sao lại thế kia. Người ta dễ dàng bỏ qua cho kẻ quấy rối, chỉ bằng những từ ngữ như “đùa thôi mà”, “quan tâm thì mới thế”, “xinh nên mới khen”.

Như thế nào là khen ngợi? Bạn có thể khen một cô gái hay một người phụ nữ đẹp một cách lịch sự, khác với việc dùng những từ ngữ chỉ đồ ăn, hay có hàm ý dục (“sạch”, “xanh”, “ngon”, “đã mắt”). Với thái độ của ông Phú này (ông chủ của tập đoàn SunHouse đấy), thì mình đánh giá thái độ không nghiêm túc, không chuyên nghiệp. Một người nghiêm túc, đứng đắn, chuyên nghiệp thì không bao giờ tỏ thái độ bỡn cợt, có lời nói, cử chỉ, hành vi mang tính QRTD với đối tác như vậy.

Một trò đùa chỉ vui khi cả người đùa và người được đùa thấy vui. Đây là điều mà ai cũng biết. Một câu “đùa” là hành vi QRTD bằng lời nói khi câu “đùa” đó mang những lời lẽ có tính dục, ám chỉ hoặc trực tiếp nhắm đến một người hay thậm chí một nhóm người, và người (hay nhóm người) bị nhắm đến không đồng tình/chấp nhận hành vi, lời nói đó.

Thật đáng buồn khi cả một đoàn quay phim, làm chương trình chứng kiến hành vi của ông Phú, nhưng không một ai dám lên tiếng để trả lại tính chuyên nghiệp cho chương trình. Đây cũng không phải là lần đầu tiên chuyện QRTD xảy ra ở đài truyền hình, trong chương trình truyền hình. Nhớ không nhầm thì vài tháng trước Thái Trinh cũng tố cáo trên Facebook cá nhân bị QRTD bằng lời nói tục tĩu khi quay chương trình gameshow, nhưng không một ai lên tiếng cho cô ấy.

Đừng im lặng, hãy lên tiếng. Sẽ như thế nào nếu người bị quấy rối là chính bản thân bạn? Là mẹ, là chị, là em gái bạn?

TRANGNGUYEN 11.05.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.